Xây dựng niềm tin và duy trì truyền thông với trẻ
Cuốn sách 'Chuyện thường ngày của Bi và Be' của nhà văn Di Li với phần minh họa của họa sĩ Kim Duẩn là cuốn sách đầu tiên trong tủ sách hỗ trợ phát triển văn hóa cộng đồng, là món quà tâm huyết của quỹ Hợp tác và Phát triển C&D dành cho lứa tuổi học sinh Tiểu học và THCS với mong muốn trang bị cho các em những kỹ năng sống thiết thực. Chuyên gia ngôn ngữ và văn học, giáo viên dạy giá trị sống cho trẻ em Hà Việt Anh đã có những chia sẻ về cuốn sách này, xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Chuyên gia ngôn ngữ và văn học, giáo viên dạy giá trị sống cho trẻ em Hà Việt Anh cho biết: Mới đây, khi trả lời câu hỏi “Một tác phẩm văn học thiếu nhi thành công cần hội tụ những yếu tố nào?” trong chương trình Đối thoại mở với chủ đề “Văn học thiếu nhi - những gì đang mời gọi” trên VOV6 (Kênh văn học nghệ thuật của Đài Tiếng nói Việt Nam, ngày 25/12), tôi có đưa ra 3 yếu tố, đó là: sách phải đẹp (đẹp từ trang bìa đến minh họa bên trong); hấp dẫn về nội dung với những chủ đề đa dạng mang hơi thở, nhịp đập của cuộc sống hiện đại, cuộc sống thực đang diễn ra; khơi mở và bồi đắp những kỹ năng sống giúp trẻ có thêm kiến thức để giải quyết các vấn đề, tìm được cách ứng xử phù hợp trong các tình huống khó xử khiến trẻ băn khoăn, bối rối trong cuộc sống.
Và thật duyên khi hôm nay tôi nhận được cuốn sách “Chuyện thường ngày của Bi và Be” của nhà văn Di Li với phần minh họa của họa sĩ Kim Duẩn. Được biết đây là cuốn sách đầu tiên trong tủ sách hỗ trợ phát triển văn hóa cộng đồng, là món quà tâm huyết của quỹ Hợp tác và Phát triển C&D dành cho lứa tuổi học sinh Tiểu học và THCS với mong muốn trang bị cho các em những kỹ năng sống thiết thực. Và ấn phẩm xinh đẹp này như “đọc” được những suy nghĩ và mong ước của tôi vậy!
Suy nghĩ đầu tiên của tôi khi cầm trên tay cuốn sách “Chuyện thường ngày của Bi và Be” là chắc chắn đây là một ấn phẩm tốt, bởi cái tên Di Li đã là sự bảo đảm chắc nịch cho nội dung cuốn sách, thêm cái tên Kim Duẩn cho phần vẽ bìa và minh họa thì lại càng “nặng ký”. Tôi đã đọc hàng chục tác phẩm của Di Li và chưa một lần thất vọng, mỗi cuốn sách của chị lại mang đến cho tôi những trải nghiệm rất sâu sắc và thú vị. Với họa sĩ Kim Duẩn thì tôi có may mắn được anh vẽ bìa và minh họa cho cuốn sách “Thì thầm mẹ, thì thầm bé” của mẹ con tôi được NXB Trẻ phát hành năm 2019. Rất nhiều độc giả nhí chia sẻ với tôi rằng họ yêu cuốn sách vì những mẩu chuyện tình cảm và dễ thương của nhân vật Kê nhưng điều khiến họ đọc đi đọc lại, có người đọc đến 18 lần còn vì những hình minh họa cực kì đáng yêu trong sách. Tôi vô cùng biết ơn Kim Duẩn về điều này.
Cuốn sách “Chuyện thường ngày của Bi và Be” hấp dẫn tôi từ cái nhìn đầu tiên với bìa sách nền xanh lá thư thái, yên bình, hình ảnh hai em bé má hồng với ánh nhìn tinh nghịch thông minh. Ngay lập tức tôi đã bị Bi và Be lôi tuột vào những cuộc phiêu lưu, những pha gay cấn của các bạn nhỏ lớp 6A2 từ trong nhà ra ngoài đường vào lớp học qua gần 300 trang sách.
Thông qua những mẩu chuyện bé xinh, tác giả đã gửi gắm một cách khéo léo 36 kỹ năng rất thiết thực cho các bạn nhỏ: từ việc làm cách nào hòa nhập với môi trường mới; cách vượt qua những nỗi sợ hãi; tinh thần đồng đội… đến những kỹ năng sinh tồn như những biện pháp sơ cứu y tế; cách hỗ trợ người đuối nước; bảo vệ bản thân khi đi một mình; khi gặp kẻ xấu; nhận biết và phòng chống những tệ nạn xã hội; bảo vệ bản thân trước bạo lực học đường; xâm hại tình dục; xử lý tình huống khi mắc kẹt trong thang máy; khi gặp hỏa hoạn… từ các kỹ năng đọc sách, tự học; các phương pháp học tập vui vẻ và hiệu quả… đến hứng thú với việc học nấu ăn; tiết kiệm điện, nước, giấy; hay quản lý tài chính. Những tình huống trong sách chưa thể là tất cả những gì những đứa trẻ ngày nay phải đối mặt nhưng cũng đã bao quát hầu hết những kỹ năng trẻ cần được trang bị, trau dồi và bồi đắp để có được cuộc sống an toàn, mạnh khỏe, tự lập, tự tin và hạnh phúc.
Cái tài của nhà văn Di Li là chị đã lồng ghép những kỹ năng sống quan trọng trên vào những tình huống, những câu chuyện có thật trong cuộc sống của bọn trẻ từ gia đình đến trường học và ở ngoài xã hội. Gần 300 trang sách thấm đẫm tình yêu thương gia đình, bạn bè, hàng xóm được đan cài thêm những yếu tố của cuộc sống hiện đại với mạng xã hội, tiktok, hát Rap, đu idol, đi phượt, thuốc lá điện tử, xiên bẩn ở cổng trường… đã khiến cho cuộc sống của các nhân vật trong truyện trở nên rất đời, rất thật.
Chắc chắn các bạn đọc, đặc biệt là các độc giả nhí đều sẽ nhìn thấy mình trong đó với đầy đủ các cung bậc cảm xúc, những buồn vui, nước mắt nụ cười. Những bài học và lời khuyên quý báu của cha mẹ, thầy cô và những người lớn được đưa vào khi trực tiếp lúc gián tiếp nhưng vô cùng mượt mà, tự nhiên, không hề khiên cưỡng và cứng nhắc.
Là một người thông hiểu về tâm lý học, Di Li cũng khéo léo cài vào những trang sách phương pháp Lắng nghe tích cực khi giao tiếp với con của bố Quang, mẹ Trang giúp các bạn nhỏ dễ dàng, thoải mái hơn trong việc chia sẻ những suy nghĩ, mong muốn và cả những băn khoăn, lo lắng của mình. Đây là một phương pháp mà các cha mẹ Việt rất cần tham khảo, học hỏi và trau dồi để có thể đồng hành hạnh phúc cùng những đứa con yêu dấu khi chúng bước vào tuổi teen.
Tôi cũng rất tâm đắc với ý tưởng xây dựng hai nhân vật chính là Bi và Be cùng các bạn học đang là học sinh lớp 6. Đang học lớp 6 có nghĩa là tầm 12 tuổi. Tôi cho rằng đây là một “ẩn dụ” có chủ đích của những người xây dựng ý tưởng ban đầu cho cuốn sách và của tác giả Di Li. Lớp 6 - tuổi 12 là một thời khắc rất đặc biệt của mỗi đứa trẻ. Chúng vừa học xong Tiểu học, bắt đầu vào một hành trình học tập và trưởng thành mới, nghĩ rằng mình không còn là trẻ con nhưng thực ra cũng chưa thể gọi là người lớn. Đây là một năm rất quan trọng trước khi trẻ thực sự bước vào tuổi teen với định danh “teenager” thực thụ.
Qua 10 năm đồng hành cùng các bạn nhỏ từ 10 đến 18 tuổi trong các lớp học giá trị sống, cũng như những năm tháng làm mẹ của 2 teenager, tôi nhận thấy với các bạn nhỏ từ đây sẽ bắt đầu những năm tháng gian nan nhưng ngập tràn những điều mới mẻ với những khám phá bất ngờ về bản thân (cơ thể, suy nghĩ, cảm xúc), về các mối quan hệ xung quanh, về thế giới của người lớn mà các con khát khao nhanh chóng bước vào. Với cha mẹ đây cũng là thời kỳ khủng hoảng nhất: họ yêu con, lo lắng cho con rất nhiều nhưng cũng vô cùng lúng túng vì họ nói gì, làm gì, thể hiện gì cũng dễ dàng bị bọn trẻ chụp cho cái mũ to đùng “Bố mẹ không hiểu con!” và từ đó cuộc chiến tranh lạnh mang tên “mất kết nối, mất truyền thông” chính thức bắt đầu.
Với kinh nghiệm 10 năm làm bạn cùng bọn trẻ tuổi teen, đặc biệt là với những trải nghiệm đớn đau của bản thân với tư cách là mẹ của teen, tôi tha thiết mong các bậc cha mẹ hãy xây dựng và duy trì kết nối, truyền thông với trẻ ngay từ những ngày trẻ còn thơ bé. Chỉ khi các ông bố bà mẹ thực sự tôn trọng trẻ, coi trẻ là “một người lớn trong tương lai”, biết lắng nghe tích cực không phê bình, phán xét thì mới có thể có được sự kết nối sâu sắc, bền vững với trẻ để đến khi trẻ bước vào tuổi teen chúng vẫn để cửa ngỏ cho cha mẹ bước vào tâm tình, khuyên bảo, hướng dẫn. Nếu để đứt gãy truyền thông với trẻ từ trước khi trẻ bước vào tuổi “ẩm ương” thì đến giai đoạn trẻ bối rối nhất, dễ mất phương hướng nhất, cần sự hỗ trợ của cha mẹ nhất thì mọi cửa ngõ vào tâm hồn, trái tim trẻ đã khóa chặt mất rồi và những người yêu thương trẻ nhất, coi trẻ là báu vật, là sự sống lúc ấy chỉ biết đau khổ đứng nhìn trong bất lực và tuyệt vọng.
Hãy bắt đầu việc xây dựng niềm tin và gìn giữ sợi dây kết nối với trẻ nhỏ bằng những gắn bó, giao lưu hàng ngày, hãy dành thật nhiều thời gian chất lượng bên trẻ, ví dụ như cùng nhau đọc những cuốn sách kỹ năng sống chẳng hạn. Trên thị trường hiện nay sách dạy kỹ năng không thiếu thậm chí còn rất nhiều khiến cho các bậc cha mẹ nhiều khi bối rối trong việc lựa chọn. Nhưng những cuốn sách văn học nhẹ nhàng, lôi cuốn như “Chuyện thường ngày của Bi và Be” sẽ không khiến trẻ thấy khô cứng, nhàm chán chút nào.
Với các bạn rất bé, cha mẹ hãy đọc sách cho con nghe hoặc cùng con đọc một vài mẩu chuyện dễ thương trước khi đi ngủ hoặc vào giờ đọc sách, rồi để trẻ tự rút ra bài học đồng thời cha mẹ lồng ghép thêm những lời khuyên, những điều dạy bảo phù hợp với lứa tuổi và nề nếp gia đình. Với các bạn từ lớp 4 trở lên, cha mẹ hãy mua tặng các con những cuốn sách dạy kỹ năng để các bạn nhỏ tự đọc, cha mẹ cũng đọc rồi cả nhà cùng thảo luận.
Thiết nghĩ, các bậc cha mẹ rất nên chọn “Chuyện thường ngày của Bi và Be” làm sách gối đầu giường như một cuốn cẩm nang “Làm cha mẹ” để hiểu hơn tâm sinh lý của những đứa trẻ thời nay, để biết chúng đang phải đối mặt với những vấn đề gì, để hiểu chúng thích gì, ghét gì, sợ gì, để thấu hiểu những tâm tư, cảm xúc của trẻ từ cốt lõi để từ đó có thể thực sự làm bạn với trẻ, hỗ trợ trẻ kịp thời khi trẻ gặp khó khăn, cần giúp đỡ. Chìa khóa duy nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ tưởng chừng như bất khả thi - xây dựng và duy trì truyền thông với trẻ - chính là gây dựng được NIỀM TIN nơi trẻ.