Người có uy tín của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Vĩnh An

Là người uy tín của đồng bào các dân tộc thiểu số tại khu phố 7, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu), ông Ngàn A Phước (53 tuổi, dân tộc Hoa) luôn nỗ lực xây dựng mối đoàn kết cộng đồng.

Người có uy tín Ngàn A Phước (phải) trao đổi về chuyện làm ăn với đồng bào Hoa ở tổ 8, khu phố 7, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: Đ.Phú

Người có uy tín Ngàn A Phước (phải) trao đổi về chuyện làm ăn với đồng bào Hoa ở tổ 8, khu phố 7, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu). Ảnh: Đ.Phú

Do đó, những lời của ông chuyển tải đến người dân trong vùng luôn phải chính xác, chắc chắn như tảng đá nằm ẩn mình nơi vườn rẫy không dễ lay chuyển. Có như vậy mới được đồng bào các dân tộc: Hoa, Tày, Nùng… trong khu phố tin tưởng.

Về vùng đất đá mới

Sinh ra và lớn lên nơi vùng đất đá Sông Thao (huyện Trảng Bom), năm 16 tuổi (năm 1989), ông Ngàn A Phước theo cha là ông Ngàn Lương Sồi (78 tuổi, dân tộc Hoa) về vùng đất ở tổ 8, khu phố 7, thị trấn Vĩnh An khai phá thêm đất để sản xuất. Thời điểm đó, vùng đất này chỉ có vài cái chòi lá buông của đồng bào dân tộc Hoa nằm ẩn khuất trên những bãi đá lưa thưa cây bụi.

Trưởng khu phố 7, thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu) NGUYỄN ĐÌNH THẮNG bày tỏ, vùng đất đá ở tổ 8 ngày thêm phát triển, ấm no, khang trang, hiện đại là nhờ sự hỗ trợ, giúp sức từ chính quyền các cấp, trong đó có sự góp sức qua vai trò “cầu nối” giữa chính quyền với người dân của ông Ngàn A Phước.

Đoạn đường từ tổ 8, khu phố 7, thị trấn Vĩnh An ra Bến xe thị trấn Vĩnh An hơn 5km, giờ toàn bê tông xi măng hoặc bê tông nhựa nóng, người dân chạy xe máy 15-20 phút là tới nơi. Tuy nhiên, trong ký ức của ông Ngàn A Phước, do bốn bề là rẫy, đất hoang và phải men theo các lối mòn lởm chởm đá, đi lại rất khó khăn nên trước đây ít khi ông được ra thị trấn chơi. Cuộc sống của ông và nhiều thiếu niên dân tộc Hoa thời điểm đó chỉ biết sáng sớm tranh thủ dọn đá, trưa hoặc chiều thì phát dọn đất, trồng tỉa, thu hoạch nông sản.

Do đồng bào dân tộc Hoa có thói quen chọn vùng đất đá định cư nên vùng đất đá tổ 8, khu phố 7, thị trấn Vĩnh An lúc bấy giờ ngoài cha con ông Ngàn A Phước, còn có thêm khoảng 10 hộ đồng bào Hoa định cư.

Qua những mùa lúa, bắp, đậu, thiếu niên Ngàn A Phước vạm vỡ tuổi thanh niên và rẫy, vườn dần phủ kín cây trồng và càng nhiều nóc nhà mới mọc lên trên đá của đồng bào Hoa, Kinh và các dân tộc thiểu số anh em khác về tụ hội. Cũng vì vậy, thanh niên Ngàn A Phước gặp được cô thôn nữ Đặng Thị Kiều (quê tỉnh Bến Tre) và nên duyên vợ chồng vào năm 1997. Khi lập gia đình, ông Ngàn A Phước được cha chia cho 1,3 hécta đất để tách ra ở riêng.

Vùng đất tổ 8, khu phố 7, thị trấn Vĩnh An sau khi được người dân khai hoang thì đá to, đá nhỏ lộ thiên, cây trồng chen vào nách đá hút sương, nước trời vươn mình phủ kín toàn bộ những đồi đá và trẻ em là con đồng bào dân tộc Hoa bắt đầu đến tuổi đi học.

“Tôi được khu phố, người dân trong tổ bầu làm Tổ trưởng tổ 8, khu phố 7, thị trấn Vĩnh An để làm cầu nối cho các phong trào như: giảm nghèo, làm đường giao thông, kéo điện sinh hoạt, học tập cho con em…”- ông Phước chia sẻ.

“Dù chỉ là cộng đồng dân tộc Hoa nhỏ trong khu phố hay thị trấn Vĩnh An, chúng tôi vẫn duy trì được Lễ hội Cầu an hàng năm để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Sự nỗ lực của ông Ngàn A Phước cùng những người lớn tuổi trong duy trì lễ hội rất được cộng đồng dân tộc Hoa trong huyện, tỉnh đánh giá cao” - ông VÒNG THẾ CƯỜNG (dân tộc Hoa, thị trấn Vĩnh An) bộc bạch.

Hoa đã nở trên đá

Theo thời gian, dân cư ở tổ 8, khu phố 7, thị trấn Vĩnh An ngày một đông, đồng bào dân tộc Hoa của ông Ngàn A Phước đến trước đã nhượng lại đất hoặc chỉ dẫn cho những người đến sau khai khẩn toàn bộ những phần đất chưa khai phá hoặc khai phá nhưng chưa đủ nhân lực trồng tỉa. Nhờ vậy, từ trên 10 hộ dân ban đầu, đến nay dân số tổ 8 đã trên 34 hộ.

Để trẻ em có đường đi học, người dân thuận tiện vận chuyển nông sản ra bên ngoài trao đổi, ông Ngàn A Phước đã cùng với khu phố vận động các hộ dân hiến đất, phá đá, đổ thêm đất mở rộng các lối mòn đi qua rẫy của mình thành đường rộng 4-6m từ tổ 8 thông ra các tổ khác; vận động các hộ dân chung nhau tiền kéo đường dây điện sinh hoạt từ ngoài đường dây hạ thế của khu phố vào tổ để sinh hoạt; con em dân tộc Hoa, cũng như dân tộc Kinh và các dân tộc thiểu số khác thuận tiện hơn khi di chuyển ra trung tâm khu phố hoặc thị trấn để đi học.

Ông Ngàn A Phước kể, thời điểm năm 2000, đa phần các hộ dân trong tổ còn khó khăn nên ông phối hợp với khu phố, thị trấn vận động bỏ các tập tục lạc hậu để tạo tích lũy phòng khi mất mùa. Trong sản xuất nông nghiệp thì áp dụng khoa học kỹ thuật, tiếp cận với vốn nhà nước ưu đãi qua các chương trình 134, 135 của Chính phủ. Đặc biệt, vận động nhân dân trong tổ chuyển dần các cây trồng ngắn ngày như: thuốc lá, bắp, chuối… sang trồng cà phê, tiêu, chăn nuôi bò, dê.

Vợ chồng ông Ngàn A Phước tận dụng thực phẩm từ vườn để chăn nuôi bò.

Vợ chồng ông Ngàn A Phước tận dụng thực phẩm từ vườn để chăn nuôi bò.

Qua nhiều năm kiên trì vận động người dân trong tổ thay đổi tư duy sản xuất, xóa bỏ các tập tục lạc hậu trong xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, vùng đất đá tổ 8, khu phố 7, thị trấn Vĩnh An đã có sự thay đổi lớn như: số hộ nghèo không còn, nhà tạm được xóa nhờ các chương trình của Trung ương, địa phương, nhất là điện, đường được đầu tư tương đối hoàn thiện.

Đồng bào dân tộc Hoa vốn luôn biết học tập nhau làm kinh tế, từ việc ông Ngàn A Phước tiên phong trồng cà phê, hồ tiêu kết hợp với chăn nuôi bò, dê thì gần như toàn bộ các hộ dân trong tổ đều thực hiện theo. Nhờ vậy, liên tiếp các vụ tiêu từ năm 2010-2014 được mùa, được giá, ông Phước có nguồn thu đạt trên 300 triệu đồng/năm/1,6 hécta tiêu thì các hộ khác cũng có nguồn thu trung bình từ 100-150 triệu đồng/hécta/năm nên đời sống khá ổn định, nhiều người xây sửa được nhà cửa khang trang, khoan giếng, kéo điện 3 pha về tận rẫy tưới tiêu. Nhất là trong tổ có trên 10 con em đồng bào các dân tộc thiểu số học đại học, cao đẳng; tập tục lạc hậu bị loại trừ; đồng bào các dân tộc thiểu số sống đoàn kết, vững tin vào Đảng, chính quyền.

“Với đồng bào dân tộc Hoa và các dân tộc thiểu số anh em như: Tày, Nùng, Mường… mà mình nói và làm không đúng thì chỉ một lần là mất uy tín. Do đó, vấn đề tôi thấy chắc thì mới dám nói và làm nên bà con đồng lòng ủng hộ, tin tưởng làm theo, không thay lòng” - ông Phước bộc bạch.

Còn với đồng bào dân tộc Hoa và các dân tộc thiểu số anh em tại ấp 8, khu phố 7, thị trấn Vĩnh An thì chia sẻ, họ tin và nghe theo người có uy tín Ngàn A Phước vì lời nói của ông với dân, gửi tâm tư của dân với ấp, chính quyền chắc như những tảng đá to nằm ngoài rẫy, không dễ di chuyển, đập phá.

Ông Lý Văn Phùng (dân tộc Nùng, ngụ khu phố 7, thị trấn Vĩnh An) cho hay, uy tín của ông Ngàn A Phước trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn thị trấn Vĩnh An nói chung và đồng bào dân tộc Hoa nói riêng như đá trên rẫy. Đá tuy cứng nhưng là giữ đất để cây trồng thêm xanh tốt.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202502/nguoi-co-uy-tin-cua-dong-bao-cac-dan-toc-thieu-so-o-vinh-an-c7c6dcc/
Zalo