Ngược chiều tâm linh: Dâng sao giải hạn
Hôm qua, chị Hạnh làm cùng công ty với tôi xin nghỉ việc với lý do đi chữa bệnh. Thấy vậy, tôi lấy làm thắc mắc vì chỗ chị em thân thiết nhưng chưa nghe chị nói ốm, đau bao giờ.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_361_51477902/66d9145f2611cf4f9600.jpg)
Gọi điện hỏi thăm thì chị cho biết:
- Chị ốm lâu nay rồi nhưng là “ốm” tiền, “ốm” bạc nên mới phải đi “chữa bệnh” là vậy.
- Chị “chữa” bằng cách nào cơ? - Tôi tò mò hỏi lại.
- À thì... chị đi lên chùa dâng sao giải hạn đấy em.
Nói rồi chị giải thích:
- Chị xem trên facebook, thấy người ta bảo năm nay chị bị sao Kế Đô chiếu mạng nên sẽ có nhiều hung tin xấu, phải dâng sao giải hạn mới mong qua được.
- Thế chị đã “giải” xong chưa? Có tốn kém lắm không? - Tôi không khỏi chột dạ.
- Đã “giải” được đâu em. Mới tết ra, người ta đến chùa đăng ký cúng sao giải hạn đông lắm, chị xếp hàng cả ngày hôm nay mà vẫn chưa đến lượt.
Nói đến đây, chị quay sang dặn dò tôi:
- Mà em đừng nói với ai ở công ty đấy nhé. Vì mai chị lại xin nghỉ để đi lên chùa sớm hơn mới được. Chừng nào chưa dâng sao giải hạn xong thì chị đi làm cũng không yên tâm được.
Nói đến đây, chị Hạnh bỗng nghẹn ngào than thở:
- Em không biết đấy thôi, chồng chị tính vô tư, vô lo, suốt ngày rượu chè, bài bạc. Năm ngoái anh ấy có hạn sao Thái Bạch “quét sạch cửa nhà” nên đã báo nợ về cho chị một khoản. Giờ đến chị hạn sao Kế Đô mà không lên chùa giải hạn thì có khi còn mất mát nhiều hơn em ạ.
Đúng là “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Nhưng sau khi nghe xong câu chuyện của chị Hạnh, tôi vẫn không hiểu là, tại sao chị ấy và mọi người lại cứ phải lên chùa dâng sao giải hạn trong khi, đó không phải là một nghi lễ trong giáo lý của đạo Phật?.