Khen ngợi 9 điều này để con tự tin và thành công hơn
Theo Hack Spirit, bằng cách tập trung vào những nỗ lực, độc lập và phẩm chất tốt đẹp của trẻ, cha mẹ đang giúp con xây dựng lòng tự trọng, trở thành những người tự tin và thành công.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_119_51480806/1ca365aa57e4bebae7f5.jpg)
1. Nỗ lực: Khi chỉ khen ngợi tài năng của trẻ, như vẽ đẹp, hát hay, trẻ có thể phát triển "tư duy cố định", cảm thấy mình chỉ giỏi một số lĩnh vực nhất định và không có khả năng cải thiện trong những lĩnh vực khác. Trong khi đó, khen ngợi sự nỗ lực giúp trẻ nuôi dưỡng "tư duy phát triển", tức là khả năng của một người có thể được phát triển thông qua nỗ lực, học tập và trải nghiệm. Điều này giúp trẻ hiểu rằng thành công đến từ sự cố gắng, kiên trì và nỗ lực không ngừng nghỉ.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_119_51480806/c78db8848aca63943adb.jpg)
2. Lòng tốt: Lòng tốt là một phẩm chất quý giá và cần được khuyến khích. Thay vì chỉ nói "con giỏi lắm", cha mẹ nên khen ngợi cụ thể hành động của con, ví dụ như "con đã rất tử tế khi giúp đỡ ông cụ, hành động đó thật đẹp". Việc khen ngợi cụ thể giúp trẻ em hiểu được rằng hành động của chúng có tác động tích cực đến người khác và lòng tốt, sự hỗ trợ là điều nên làm.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_119_51480806/943ee937db7932276b68.jpg)
3. Sự tò mò: Albert Einstein từng nói "Tôi không có tài năng đặc biệt nào. Tôi chỉ tò mò một cách say mê". Tò mò là động lực cho khám phá, học tập và đổi mới. Do đó, thay vì gạt bỏ những câu hỏi của trẻ, cha mẹ nên khen ngợi khi con đặt câu hỏi hoặc thể hiện sự quan tâm về một chủ đề cụ thể. Điều này khuyến khích trẻ em tiếp tục khám phá thế giới xung quanh và tìm kiếm câu trả lời.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_119_51480806/08e28beab9a450fa09b5.jpg)
4. Khả năng phục hồi: Cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Điều quan trọng là trẻ biết đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã. Khi con gặp thất bại, cha mẹ hãy khen ngợi sự kiên trì của chúng. Ví dụ, "Mẹ rất tự hào vì con không bỏ cuộc" hoặc "Bố rất vui khi thấy con cố gắng lại, mặc dù còn khó khăn". Việc khen ngợi sự kiên trì sẽ giúp trẻ hiểu rằng thất bại là một phần của cuộc sống và điều quan trọng nhất là khả năng vượt qua khó khăn và tiếp tục tiến về phía trước.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_119_51480806/9c671d6f2f21c67f9f30.jpg)
5. Trung thực: Khi con thể hiện sự trung thực, hãy chắc chắn rằng bạn ghi nhận và khen ngợi điều đó. Ví dụ, nếu con thừa nhận đã mắc lỗi hoặc nói thật trong một tình huống khó khăn, hãy cho con biết rằng bạn tự hào về sự trung thực đó. Việc khen ngợi sự trung thực khuyến khích trẻ em tiếp tục phát huy trong tương lai và giúp chúng hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin và duy trì các mối quan hệ tốt đẹp.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_119_51480806/e47a6272503cb962e02d.jpg)
6. Đồng cảm: Việc khen ngợi sự đồng cảm giúp trẻ em nhận ra tầm quan trọng của việc cảm thông và thấu hiểu người khác. Điều này cũng giúp trẻ phát triển kỹ năng cảm xúc - một kỹ năng quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_119_51480806/bb773c7f0e31e76fbe20.jpg)
7. Độc lập: Khi khen ngợi trẻ vì đã tự làm một việc gì đó, cha mẹ đang dạy cho chúng tầm quan trọng của sự độc lập và tự chủ. Những lời khen như "con đã tự làm điều đó rất tốt" sẽ giúp trẻ em cảm thấy tự tin vào khả năng của bản thân, tạo tâm thế sẵn sàng đối mặt với những thử thách khó khăn hơn.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_119_51480806/9e441a4c2802c15c9813.jpg)
8. Kiên nhẫn: Kiên nhẫn là đức tính quan trọng nhưng khó rèn luyện, nhất là trong thời đại mọi thứ đều hướng đến sự tức thời. Khi trẻ thể hiện sự kiên nhẫn, dù là chờ đến lượt chơi hay chờ bánh nướng chín, cha mẹ nên khen ngợi hành động đó. Điều này giúp trẻ em hiểu được tầm quan trọng của việc chờ đợi để đạt được những điều đáng giá.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_119_51480806/d267576f65218c7fd530.jpg)
9. Dũng cảm: Dũng cảm không phải là không sợ hãi mà là đối mặt với nỗi sợ của mình và hành động. Khi con đối mặt với nỗi sợ, chẳng hạn như thử một hoạt động mới hoặc lên tiếng cho những gì chúng tin tưởng, hãy khen ngợi sự dũng cảm đó. Việc này không chỉ giúp trẻ cảm thấy được tôn trọng mà còn giúp chúng phát triển sự tự tin, lòng can đảm và khả năng vượt qua khó khăn.