Ngôi làng nuôi mãng xà cực độc nổi tiếng Phú Thọ từng khốn đốn vì Covid-19, giờ ra sao?

Hơn 5 năm sau khi bị dịch Covid-19 tàn phá, ngôi làng có nghề nuôi rắn hổ mang bành nổi tiếng nhất miền Bắc với hơn 30 năm hình thành và phát triển đang vực dậy từng ngày, duy trì và phát triển kinh tế.

Rắn hổ mang bị bỏ đói, trứng rắn đổ xuống ao vì Covid-19

Hình thành từ năm 1993 và được công nhận là làng nghề từ năm 2007, làng nghề nuôi rắn hổ mang bành xã Tứ Xã (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) được coi là “thủ phủ” của nghề nuôi rắn.

Thời kì phát triển nhất, làng nghề có hơn 300 hộ nuôi rắn hổ mang. Nhà nào làm ăn cũng như “diều gặp gió”. Nhiều người trở thành tỷ phú nhờ xuất khẩu hàng trăm tấn rắn thương phẩm, hàng trăm vạn trứng rắn mỗi năm.

Tứ Xã trước đây được coi là thủ phủ của nghề nuôi rắn hổ mang ở miền Bắc.

Đỉnh điểm nhất là năm 2012, rắn hổ mang thương phẩm được mua với giá 700-800.000 đồng/kg, giá trứng rắn đỉnh điểm ở mức 152.000 đồng/ quả. Cả làng Tứ Xã có hơn 100 tấn rắn và hàng trăm vạn trứng rắn xuất khẩu, mang về 40-50 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 xuất hiện và lan rộng, thị trường Trung Quốc bị đóng băng, không thu mua trong suốt 3 năm liền khiến làng nghề nuôi rắn hổ mang gặp khó khăn chưa từng có.

Hàng nghìn con rắn bị bỏ đói đến chết, chuồng trại bỏ không do Covid-19.

Gắn bó với nghề nuôi rắn hổ mang từ năm 1996, ông Nguyễn Văn Xuân, trú tại khu 7 xã Tứ Xã cho biết, năm này qua năm khác, làm được bao nhiêu tiền lại tái đầu tư nuôi rắn hết.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 hoành hành, cả năm không bán được con rắn nào, không có tiền mua thức ăn duy trì, ông Xuân đã bỏ đói đàn rắn hổ mang 2.000 con suốt nhiều ngày liền.

Khi chạy vạy được tiền mua thức ăn cho chúng ăn thì đàn rắn đã chết mất quá nửa. Tiếc tiền, tiếc công, mong vớt vát được đồng nào hay đồng ấy, ông Xuân đã phải bán tống bán tháo số rắn còn lại với giá 100-150.000 đồng/con vào thời điểm năm 2021.

Không chỉ ông Xuân, hơn 300 hộ nuôi rắn hổ mang ở Tứ Xã thời điểm đó không có đủ chi phí để nuôi nên cho rắn ăn cầm chừng. Vì vậy, hàng vạn con rắn hổ mang bị bỏ đói. Trứng rắn không ai mua, nhiều hộ phải trút bỏ xuống ao. Nhiều hộ nuôi rắn bỏ nghề, đi làm thuê, làm mướn, thậm chí bán nhà, bỏ xứ mà đi.

Những quả trứng rắn có thời điểm lên tới 152 nghìn đồng/quả nhưng khi Covid-19 lan rộng, nhiều nhà phải đổ bỏ xuống ao vì không có ai mua.

Làng nghề nuôi rắn hổ mang giờ thế nào?

Sau 3 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bị đẩy lùi, làng nghề nuôi rắn hổ mang bành Tứ Xã đang từng ngày vực dậy, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Tại đây, nhiều nhà hàng đã hoạt động ổn định trở lại, rắn thương phẩm được thu mua với giá 550 nghìn đồng/kg, trứng rắn cũng được lùng mua với giá 55-60 nghìn đồng/quả.

Ông Quang cho biết, thời điểm trước dịch Covid-19, gia đình ông có khoảng 1.000 con rắn hổ mang, giờ chỉ còn 500 con.

Từng nuôi 1.000 con rắn hổ mang, ông Nguyễn Hồng Quang, trú tại khu 5, xã Tứ Xã cho biết, sau dịch Covid-19, gia đình ông chỉ còn lại 360 con rắn hổ mang. Đến hiện tại, ông đã nâng lên tổng đàn 500 con rắn nuôi sinh sản.

“Một con rắn nuôi khoảng 1 năm, ăn hết 5kg thức ăn mới đẻ trứng. Giá trứng rắn năm vừa rồi đạt từ 42-80 nghìn đồng/quả. Năm vừa rồi nhà tôi bán được 146 triệu tiền trứng rắn. Sau khi trừ chi phí, tôi thu về được gần 100 triệu đồng”, ông Quang nói.

Hiện tại, ông Quang đang khôi phục lại đàn rắn và phát triển kinh tế từ việc nuôi rắn hổ mang sinh sản.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Thuật – Chủ tịch Làng nghề nuôi rắn hổ mang bành Tứ Xã cho biết, trước dịch Covid-19, làng nghề có hơn 300 hộ nuôi rắn hổ mang với hơn 100.000 con rắn thì giờ chỉ còn 58 hộ và gần 30.000 con rắn bố mẹ.

Hai năm qua, thị trường Trung Quốc lại thu mua trở lại. Giá rắn thương phẩm đầu mùa đạt khoảng 700-800 nghìn đồng/kg, giữa mùa được khoảng 550 nghìn đồng/kg. Trứng rắn được mua với giá 55-60 nghìn đồng/quả. Thương lái Trung Quốc đặt cả văn phòng ở Tứ Xã, chỉ chờ có số lượng đầu tấn là “bốc hàng”.

Hiện tại, phía Trung Quốc đang tìm mua ráo riết rắn hổ mang thương phẩm và trứng rắn hổ mang.

“Thương lái Trung Quốc họ vẫn đặt vấn đề, liên hệ để mua rắn thương phẩm nhưng không đủ số lượng, dân không có rắn bán. Một phần vì trước đây dân thua lỗ quá nhiều, không có điều kiện để vực lại nữa. Nhiều gia đình đập bỏ chuồng nuôi rắn, chuyển đổi làm cái khác vì sợ thua lỗ một lần nữa”, ông Thuật nói.

Theo ông Thuật, để duy trì và phát triển sản phẩm của làng nghề, gia đình ông hiện tại đang nuôi khoảng 800 con rắn bố mẹ. Ngoài nuôi rắn lấy trứng bán, nhà hàng chuyên về các món chế biến từ rắn hổ mang của ông củng được phát triển ổn định với quy mô 15 bàn.

Để duy trì, khôi phục và phát triển làng nghề nuôi rắn hổ mang, ông Thuật đã triển khai nhiều biện pháp khắc phục khó khăn.

Các món ăn chế biến từ rắn như: súp rắn, da rắn chiên, chả nướng, nội râm xào sả ớt, chả lá lốt, súp phồng tôm, cháo, xương hầm canh đỗ, thịt xào sả…

Ngoài ra, xương rắn sau khi lọc thịt chế biến món ăn sẽ được ông Thuật mang đi nấu cao, bán với giá 700 nghìn đồng/100g. Sản phẩm cao rắn hổ mang được khách hàng khắp cả nước đặt mua và tin dùng.

Ngoài nuôi rắn, ông Thuật còn kinh doanh nhà hàng phục vụ các món ăn từ rắn, nấu cao rắn hổ mang để bán.

“Sau dịch Covid-19, việc nuôi và phát triển kinh tế từ rắn hổ mang đã bắt đầu có cửa sáng, người nuôi đã có lãi và thị trường đang được giá. Hy vọng thời gian tới, làng nghề sẽ từng bước khôi phục và phát triển mạnh mẽ như trước đây, giúp nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế từ việc nuôi rắn hổ mang”, ông Thuật bày tỏ.

Hồng Cảnh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ngoi-lang-nuoi-mang-xa-cuc-doc-noi-tieng-phu-tho-tung-khon-don-vi-covid-19-gio-ra-sao-20425090213180697.htm
Zalo