Đình Côi Thượng (Gia Lộc) là di tích lịch sử cấp tỉnh

Đình Côi Thượng (Gia Lộc, Hải Dương) thờ 3 vị thành hoàng làng, được trùng tu, tôn tạo nhiều lần.

Lãnh đạo UBND huyện Gia Lộc trao bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đình Côi Thượng cho lãnh đạo xã Phạm Trấn

Lãnh đạo UBND huyện Gia Lộc trao bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đình Côi Thượng cho lãnh đạo xã Phạm Trấn

Sáng 9/2, UBND xã Phạm Trấn tổ chức đón bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đình Côi Thượng.

Đình Côi Thượng thờ 3 vị thành hoàng làng, gồm Vương Viết Phụ Đại vương, Vương Viết Hiên Đại vương và Tiến sĩ Nguyễn Sở Châu.

Theo truyền ngôn tại địa phương, Vương Viết Phụ Đại vương và Vương Viết Hiên Đại vương sinh ngày 13 tháng giêng năm Nhâm Ngọ, tại xã An Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay thuộc TP Hà Nội), thân sinh là cụ Vương Viết Thiều và Trần Thị Nguyệt. Gia đình vốn dòng dõi nhà Nho, luôn làm việc thiện giúp đời.

Năm 1076, nhà Tống sai Quách Quỳ mang quân sang xâm lược nước ta. Vua Lý lệnh cho Lý Thường Kiệt dẫn quân đi đánh dẹp. Hai vị Vương Viết Phụ và Vương Viết Hiên đều theo Lý Thường Kiệt đi đánh giặc và nhiều lần lập được công lớn nên được phong là Đại vương. Sau khi 2 ông mất, vua sắc chỉ nơi 2 ông dựng trại đóng quân khi xưa, nhân dân dựng miếu thờ và tôn làm thành hoàng của làng.

Đông đảo người dân, du khách thập phương tham dự lễ đón bằng di tích

Đông đảo người dân, du khách thập phương tham dự lễ đón bằng di tích

Về Tiến sĩ Nguyễn Sở Châu, ông là người xã Quỳnh Côi, huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng (nay là xã Phạm Trấn, Gia Lộc). Ông đỗ đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Quý Mùi, niên hiệu Thống Nguyên 2 (1523) đời Lê Cung Hoàng, làm quan đến Đình úy sứ. Ông cũng có nhiều đóng góp với địa phương nên được phong là thành hoàng làng.

Trong kháng chiến chống Pháp, đình Côi Thượng là nơi nuôi giấu cán bộ, tập kết vũ khí của bộ đội và du kích địa phương. Thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đình trở thành nơi tiếp nhận một số cơ quan của tỉnh về sơ tán.

Đình mới được xây dựng lại vào năm 2022

Đình mới được xây dựng lại vào năm 2022

Tương truyền, đình Côi Thượng được xây dựng vào thời hậu Lê, trùng tu tôn tạo vào thời Nguyễn, kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Trải qua thời gian, đình nhiều lần bị hư hỏng, phá hoại. Đến năm 2022, được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền và sự đóng góp của nhân dân, đình được xây dựng lại, vẫn giữ được nhiều nét truyền thống.

Với những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và tín ngưỡng, cuối năm 2024, cùng với 8 di tích khác, đình Côi Thượng được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh.

PV

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/dinh-coi-thuong-gia-loc-la-di-tich-lich-su-cap-tinh-404878.html
Zalo