Hòa thượng có nhiều đóng góp cho Phật giáo Việt Nam
Mùa xuân năm 2025 này, hòa thượng Thích Thanh Từ, Phó pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), Tông chủ Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh (thiền viện Thường Chiếu, xã Phước Thái, huyện Long Thành) đón tuổi trên 100.
![Hòa thượng Thích Thanh Từ, Phó pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trò chuyện cùng Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến. Ảnh: S.Thao](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_423_51436219/a3b30fe934a7ddf984b6.jpg)
Hòa thượng Thích Thanh Từ, Phó pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trò chuyện cùng Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến. Ảnh: S.Thao
Ngoài tuổi thọ thuộc lớp người xưa nay hiếm, hòa thượng Thích Thanh Từ còn là người có công chấn hưng dòng thiền Phật giáo Việt Nam và là dịch giả có số lượng tác phẩm đồ sộ.
Người chấn hưng Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam
Hòa thượng Thích Thanh Từ sinh tháng 7-1924 tại tỉnh Vĩnh Long. Trong hơn 80 năm xuất gia, tu tập, ông đóng vai trò quan trọng trong việc phục hưng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đôi chân ông đã đi đến mọi miền Tổ quốc và bôn ba nước ngoài để truyền bá dòng thiền Phật giáo Việt Nam.
Nhờ vào chủ trương tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước, hành trình bền bỉ, uy tín của bản thân cũng như các đệ tử và sự đón nhận của quần chúng, hòa thượng Thích Thanh Từ đã góp công thành lập, xây dựng, trùng tu và phát triển 175 thiền viện trong và ngoài nước, 110 đạo tràng. Đây là cơ sở góp phần phục hưng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Việt Nam sau thời gian dài bị mai một trong dòng chảy lịch sử.
Mỗi năm, nhân dịp Lễ Phật đản, đón mừng Tết Nguyên đán và gần đây nhất là nhân hòa thượng Thích Thanh Từ hưởng bách tuế, lãnh đạo Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đều tổ chức đoàn đến thăm, chúc sức khỏe hòa thượng. Trong mỗi dịp này, hòa thượng đều bày tỏ vui mừng và cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với bản thân cũng như với Phật giáo Việt Nam và Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam.
Riêng tại tỉnh Đồng Nai, cơ sở Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử có mặt ở khắp các huyện, thành phố và tập trung nhiều nhất tại huyện Long Thành. Nổi bật và được xem là ngôi thiền tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử phía Nam là thiền viện Thường Chiếu. Ngoài ra, thiền viện Thường Chiếu còn có các cơ sở đào tạo tăng, ni.
Hòa thượng Thích Nhật Quang, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì thiền viện Thường Chiếu, kể trước khi thầy trò về vùng đất Long Thành cách đây 50 năm để gầy dựng thiền viện Thường Chiếu, sư phụ chỉ nói vỏn vẹn mấy câu với các đệ tử: ai chịu khổ, chịu cực thì theo thầy. Bởi ở nơi mới, tất cả đều là khởi đầu nên việc dựng nơi tu tập, sinh hoạt và trồng trọt, cày cấy để duy trì cuộc sống… tất cả phải xắn tay vào làm. Vì nguyện theo con đường mà sư phụ đã chọn nên tất cả đều quyết tâm đi theo. Khi đến nơi mới, đoàn thầy trò sớm ổn định nơi chốn và bắt đầu trồng lúa, trồng rau để duy trì cuộc sống.
Nhưng vùng đất đóng chân là nơi đất phèn rất nặng nên lúa sau khi lớn lên cứ vàng lá, khi trổ đòng thì bông lúa rất ngắn và phần nhiều hạt bị lép. Vì vậy, nhiều mùa liên tục, lúa thu về không bằng giống, phân bón và công sức bỏ ra. Dù sau đó, thiền viện có liên hệ với các kỹ sư nông nghiệp về để hỗ trợ nhưng tất cả đều không có cách xử lý hiệu quả. Sau đó, nhà chùa phải thuê ruộng ở những khu vực xa có điều kiện tốt hơn để trồng lúa.
Cũng theo hòa thượng Thích Nhật Quang, được sự tạo điều kiện của Nhà nước, thời gian qua, thiền viện được xây dựng và trùng tu để có diện mạo như ngày nay.
Phát hành 103 công trình dịch thuật
Ngoài việc tạo dựng cơ sở, đào tạo các nhà sư, phát triển tín đồ, hòa thượng Thích Thanh Từ còn nổi tiếng bởi các công trình dịch thuật với số lượng đồ sộ. Hiện ông đã xuất bản 103 công trình dịch thuật, giảng giải, luận bàn kinh Phật về tư tưởng thiền học, lịch sử thiền tông, sự nghiệp của các thiền sư Việt Nam... Những tài liệu này đã giữ vị trí nòng cốt trong tủ sách của Phật học.
Theo hòa thượng Thích Nhật Quang, trong mỗi cuốn sách được hòa thượng Thích Thanh Từ dịch thuật đều thể hiện tâm nguyện kế thừa, tiếp nối và phục hưng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Theo đó, hòa thượng chuyên tâm dịch thuật, khảo luận các tác phẩm thiền tông đời Lý - Trần do các thiền sư đời Lý - Trần giảng giải. Điều này góp phần làm sống lại tinh hoa của thiền phái qua những kinh sách do các thế hệ thiền sư đi trước để lại.
Điểm đặc biệt là trong quá trình dịch thuật, hòa thượng luôn nhất quán việc thể hiện quan niệm: dịch thuật không bó mình trong văn tự, ngôn từ, nhắc nhở người đọc đừng để ngôn từ cản trở cho sự lĩnh hội tư tưởng.
Như khi mở đầu các bản dịch, hòa thượng Thích Thanh Từ đều viết: “Bản dịch này chúng tôi y cứ theo bản Hán văn… phần tựa đầu dịch đủ, phần hậu tự chúng tôi lược bớt. Dám mong thiền giả đọc nó cốt đạt lý, đừng kẹt lời, ứng dụng tu hành không nói rỗng, thế là mãn nguyện của chúng tôi”. Đồng thời, mỗi cuốn sách dịch thuật, hòa thượng Thích Thanh Từ đều khiêm tốn nhận xét sự giảng giải của mình giá trị ở nhiệt tình, chứ không ở văn chương. Bởi thiền là vô ngôn, ông dùng đa ngôn thì khó tránh khỏi sai lầm. Mong quý độc giả cảm thông tha thứ việc làm gắng gượng của ông.
Đặc biệt, ông đã giúp những người muốn tìm hiểu về Thiền tông Việt Nam hiểu rõ về quá trình hình thành khi ra mắt 2 cuốn sách là Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ XX và Thiền sư Việt Nam. Trong 2 tác phẩm này, ông nêu lên những điểm gặp gỡ cũng như những đặc trưng do hoàn cảnh đặc thù của đất nước và văn hóa dân tộc giữa Thiền tông Việt Nam với Thiền tông Trung Hoa. Đồng thời, cuốn sách trình bày tiểu sử, công tích của 127 vị hòa thượng, thiền sư, đại sư, thiền lão, quốc sư, trưởng lão, cư sĩ, ni sư, ni cô có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển Thiền tông ở nước ta.