'Ngỗ nghịch để được quan tâm', câu chuyện khiến nhiều cha mẹ bất ngờ
Khi cha mẹ quá bận rộn, không dành thời gian cho con, trẻ sẽ thấy cô đơn, muốn được quan tâm. Khi ấy bé sẽ có những hành động phản kháng, không vâng lời để được bố mẹ chú ý.
Theo quan điểm của tôi, hậu quả cuối cùng và tiêu cực nhất của sự trừng phạt là những gì nó nói với đứa trẻ về bản thân trẻ. Khi chúng ta trừng phạt trẻ vì con không vâng lời hoặc nếu gọi trẻ là không vâng lời, não của trẻ sẽ sử dụng thông tin đó để hình thành nên “khái niệm về bản thân”.
Mỗi khi chúng ta nói bất kỳ cụm từ nào bắt đầu bằng “con là”, não của trẻ sẽ lưu trữ dữ liệu đó vào một cấu trúc gọi là “hồi hải mã”. Cấu trúc này chịu trách nhiệm lưu trữ mọi kiến thức về thế giới và bản thân, giúp trẻ đưa ra các quyết định trong cuộc sống. Vì vậy, nếu biết rằng một con chó vui vẻ sẽ vẫy đuôi thì trẻ sẽ muốn vuốt ve con chó đang vẫy đuôi.
Nếu biết mùa hè người ta ăn kem, trẻ sẽ xin mẹ một cây kem vào ngày nắng nóng để tận hưởng hương vị mát lạnh của nó. Tương tự như vậy, nếu thấy mình dũng cảm hay ngoan ngoãn, trẻ sẽ hành động tương ứng, còn nếu những thông điệp từ cha mẹ hoặc giáo viên khiến trẻ nghĩ rằng mình không vâng lời thì trẻ cũng sẽ hành động tương ứng.
Đứa trẻ biết mình là kẻ không vâng lời, mè nheo, ích kỷ hoặc lười biếng, chúng sẽ hành động theo những gì mà chúng biết về bản thân. Theo nghĩa này, hiếm có điều gì gây tổn hại đến sự tự nhận thức và năng lực của trẻ nhiều như tất cả những thông điệp tiêu cực về bản thân mà các con đã ghi lại trong trí nhớ.
Một lý do khác khiến các hình phạt có thể không hiệu quả là do cái mà tôi gọi là “trừng phạt giả”. Trừng phạt giả là một lời khiển trách, một khoảnh khắc tức giận hoặc một hình phạt theo nghĩa cổ điển nhất của từ này. Thay vì ngăn cản trẻ làm điều gì đó, nó khuyến khích trẻ làm điều đó. Những hình phạt giả xuất hiện khi trẻ học được rằng người ta chú ý đến trẻ nhiều hơn khi các con làm sai.
Những đứa trẻ này thường không nhận được sự quan tâm đầy đủ từ cha mẹ, vì họ dành ít thời gian cho con cái và không biết cách khuyến khích hành vi tích cực. Ví dụ, bé Hugh học được rằng khi đánh em, mẹ sẽ mắng mình. Đối với một đứa trẻ cảm thấy cô đơn, bị mắng còn tốt hơn nhiều so với cảm giác vô hình nên Hugh sẽ tiếp tục đánh em. Trong trường hợp này, tốt hơn hết, mẹ Hugh nên áp dụng một chiến lược khác.
Ví dụ, cô có thể chúc mừng Hugh khi bé đã không đánh em trong một khoảng thời gian nhất định. Cô cũng nên dành một chút thời gian cho Hugh mỗi ngày sau khi cho đứa con nhỏ đi ngủ. Rõ ràng là người mẹ không thể cho phép con đánh em, nhưng thay vì liên tục chỉ ra những điểm tiêu cực, cô có thể chọn cách khen thưởng những mặt tích cực.
Bằng cách này, bất kỳ ông bố bà mẹ nào cũng có thể tránh được những hình phạt giả; họ có thể xoay chuyển tình thế bằng cách tập trung vào những điều tích cực và không quá “chú ý” tới những điều tiêu cực.
Bạn thấy đấy, có nhiều lý do khiến trừng phạt trở thành một chiến lược giáo dục sai lầm và ngăn cản sự tiến bộ. Đôi khi, nó có thể hoàn thành được mục đích của mình nhưng nó luôn mang lại những hậu quả tiêu cực. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tôi cho rằng chúng ta nên đồng ý để đứa trẻ nghĩ chúng có thể làm những gì chúng muốn.
Trừng phạt một đứa trẻ đã đánh người khác có lẽ tốt hơn nhiều so với việc không làm gì. Ý tôi đơn giản là có những chiến lược khác ít gây hại hơn và hiệu quả hơn trừng phạt. Có nhiều lựa chọn thay thế trừng phạt giúp bạn sửa sai cho con theo cách tích cực và mang tính xây dựng hơn nhiều so với trừng phạt.