Cỏ mùa xuân xanh thắm
BPO - Cuối cùng thì sau mấy tháng trời nấn ná, tôi cũng đã có mặt tại nông trường ở miền Tây thành phố xa xôi hẻo lánh này. Đây là tổ chức nông nghiệp quốc doanh nuôi bò còn sót lại từ thời bao cấp, chưa giải thể có lẽ vì ở đây còn mấy trăm con bò chưa biết xử lý thế nào. Đặc biệt là giống bò Nghệ thuần chủng mà đội ông bác tôi nuôi. Tuy nhiên, đội chỉ có mình ông ở cách nông trường chừng 7-8 cây số, cao hơn ngàn mét, hoang vu như chưa hề có dấu chân người.
Minh họa: Sỹ Hòa
- Bác gái phàn nàn với cháu rằng, người ta đã cho bác về hưu nửa năm nay rồi mà sao bác còn nấn ná mãi chưa rời đi? Hay là...
- Nghi tôi có bà hai chứ gì. Ở nơi thâm sơn cùng cốc này đến đàn ông cũng hiếm nói chi đàn bà...
- Thế lần này cháu lên đón thì bác về với bác gái và gia đình chứ? Mà cũng sắp tết rồi, bác ạ.
Câu chuyện của tôi và ông bác bắt đầu như thế. Cuối cùng bác tôi đáp lại bằng những tiếng hậm hà hậm hừ, chẳng biết có bằng lòng hay không. Cũng là bởi vì lúc này hoàng hôn đã nhuộm đồng cỏ một màu tím hồng và đã đến giờ đàn bò về chuồng. Còn ông bác tôi, một lão công nhân chăn bò thân hình già nua, tóc tai bù xù ra khỏi túp lều cỏ, tay cầm chiếc vỏ đạn cao xạ dùng làm kẻng khua rộn một hồi.
Quả nhiên là công việc đón đàn bò về chuồng đã khiến bác tôi ra khỏi cái lốt ông già lờ đờ u oải. Tôi nhận ra ông hoạt bát hẳn lên, nhất là khi ông khoác khẩu súng CKC lên vai:
- Cháu trông đàn bò về chuồng có thích mắt không?
- Dạ, có! Thế bác chăn dắt bao nhiêu con ạ?
Kéo chiếc cổ áo bông lên, tránh một luồng gió lạnh, rồi dấn lên mấy bước, ông bác đi tới mở mấy cái dóng chuồng, rồi quay lại nói với tôi:
- Trên dưới 80 con chứ có ít đâu. Nhưng mà cháu thấy đấy, trông chúng sởn sơ vui vẻ là mình chẳng còn thấy buồn tẻ và mệt nhọc gì nữa. Dưới nông trường bộ, người ta nuôi bò sữa bằng cỏ Pănggôla, Bécmuđa do người trồng. Còn trên này thì chỉ rặt cỏ trời. Và giống bò Nghệ thì dại ngờ dại nghệch. Nhiều lần thiếu cỏ, có con nghểnh lên vặt lá cây, kéo cả ngọn cây xuống bứt, bất ngờ dây đeo chuông mắc vào một cái cành. Ôi thôi! Thế là khi cái cây bật lên, nó kéo cả cổ con bò lên.
Ngừng lại mấy phút để bốc ít gộc củi vào chuồng, ông bác tiếp:
- Nghĩ dại, không có mình chăm nom thì con bò làm sao sống nổi. Nhất là lúc này, ngày đông tháng giá. Kia kìa, trông xem, đồng cỏ lúc này có xác xơ, tiêu điều không?
Tôi đưa mắt nhìn ra xa. Không hiểu sang xuân đồng cỏ tươi tốt thế nào, chứ bây giờ thì đó đây đã thấy những khoảng đất trống trơ. Và cạnh những đám cỏ xanh như mặt người mất máu là những vùng cỏ cháy xém, hoen hoen màu rỉ sắt, tối thui và tràn ngập cảm giác cô liêu. Nhìn cỏ, tôi đã manh nha hiểu rằng, bác còn nấn ná chưa chịu rời bỏ công việc này vì ông rất thương đàn bò.
Ý nghĩ ấy của tôi đã được củng cố. Vì cặm cụi gầy xong vài đống lửa sưởi mấy gian chuồng bò, ông bác quay trở lại câu chuyện dang dở với tôi.
- Không gì khổ bằng đàn bò mùa đông, cháu à. Sáng mai trở dậy, cháu sẽ mục sở thị. Khổ, ra khỏi chuồng, thấy chỗ nào có tí màu xanh là chúng nhao nhao cả bầy tới. Trông thương lắm! Thành ra cứ một tuần là bác lại phải đưa chúng đi tìm những vùng cỏ tốt. Có lần phải leo lên tận ngọn núi ông Tiên kia kìa. Nhưng mà cho chúng đi ăn ở trên núi cũng nguy hiểm lắm. Một chiều nọ, kiểm bò thấy thiếu hai con. Vác đuốc đi tìm, nửa đêm lên tới ngọn núi nọ thì thấy hai con bò vì ham ăn quá, quên cả đường về. Thế là đành chụm củi nhóm lửa sưởi ngay tại chỗ cho chúng. Dà, vậy mà tuyết vẫn xuống trắng xóa cả vai mình lẫn lưng bò.
- Có tuyết? Mà ở lại trên đó suốt đêm?
- Đầu bò, lưng bò chốc chốc lại phủ đầy tuyết, mình lại phải phủi cho chúng. Tới sáng mới tìm được đường đưa hai ả xuống. Nhưng mà cả hai cứ ríu chân lại, không chịu đi. “A! Các con lại muốn đi ăn mảnh à!”. Mình tức quát cho một hơi, nhưng vừa ngậm miệng thì nghe thấy đánh roạt một cái ở bụi lau bên cạnh rồi xộc ngay vào mũi mình một mùi tanh.
- Con gì, bác? Sơn dương? Hay là hùm?
- Sơn dương ở đây sẵn lắm. Hắn đi trên núi đá lộc cộc, nghe rõ mồn một. Hùm cũng có. Nhưng đàn bò của bác 30 năm nay không mất một con. Bác nhận mỗi năm 80 con, mỗi con bình quân 75kg. Một năm rưỡi sau, nộp lại cho nông trường đủ 80 con, mỗi con nặng trung bình 150kg. 20 năm thì 19 năm như thế. Chỉ có năm rồi là năm vận hạn...
Tôi và ông bác trở về lều cỏ. Và câu chuyện về đàn bò còn kéo dài cho đến khi giấc ngủ đến. Tuy vậy, sau một ngày đường trường mệt nhọc, tôi cũng chỉ chợp mắt được một lát. Trở dậy sau một đêm trằn trọc, thấy ông bác đã dậy đang đun nước, tôi liền nói:
- Bác Du ạ. Ở với bác một ngày, cháu đã hiểu. Thì ra bác thương đàn bò vì một khi bác rời bỏ nơi này thì chẳng có ai thay bác chăm sóc chúng. Có đúng không? Nếu thế thì bác định ở lại đây, qua cả tết, không về với bác gái và các cháu à?
- Không hẳn là thế đâu?
- Vậy thì bao giờ bác cháu mình có thể đi được? Bác cho một cái hẹn.
Nhìn tôi, ông bác nhằn nhằn môi, rồi tần ngần:
- Trước sau thế nào tôi cũng về. Nhưng giờ thì tôi chưa thể hẹn dứt khoát được. Có thể là chỉ vài ngày nữa. Bác đoán chỉ nay mai đàn sói sẽ về. Mùa khô, trên rừng đến suối cũng cạn nước, còn thức ăn gì nữa đâu nên thế nào đàn sói cũng về.
- Sao lại phải chờ đàn sói về hả bác?
Sửng sốt, tôi hỏi đi hỏi lại hai ba lần, nhưng rốt cuộc chỉ nhận được sự im lặng đóng băng trên gương mặt dãi dầu, hóp hép, lút trong râu ria của ông lão công nhân chăn bò. Thế nào mà bác tôi lại chờ đàn sói về? Ngoài tình thương đàn bò mùa đông giá này nên chưa muốn rời bỏ công việc, còn bí mật gì giấu kín trong tâm sự của bác tôi?
* * *
Thắc mắc của tôi còn nguyên thì chiều hôm ấy, khi tôi đang giúp bác gõ kẻng gọi đàn bò về thì chợt nghe tiếng la thất thanh: Bầy sói đến kìa!
Và nhìn sang bên trái khu chuồng bò, tôi liền thấy lướt qua mắt mình như một luồng gió xám đàn sói hơn chục con.
Ông bác tôi chạy vụt ra, chắn đầu đàn bò đang tán loạn vì sợ hãi, lùa chúng về chuồng. Rồi lăm lăm khẩu súng CKC trong tay, ông gật gật đầu bình tĩnh: Chúng chưa dám đến giờ này đâu. Được rồi, tao chờ bọn mi!
Chúng tôi trở về lều, nấu cơm ăn và chờ đợi. Ông bác nói: Bầy sói này gian ngoan lắm. Một lần bác đã mất nửa cỗ lòng lợn để giữa đồng cỏ, đào hố chui xuống, giương súng rình mà chúng chỉ băng qua rồi mất biến.
Đêm chờ đợi trôi qua. Sáng hôm sau, tôi đang chập chờn thì giật mình tỉnh giấc. “Dậy dậy! Đàn sói về rồi!”. Nghe tiếng gọi giật của ông bác, tôi bật dậy, xách cây gậy chạy ra. Ông lão vừa đuổi bò ra khỏi chuồng, đứng trên cái vuông cỏ trước cửa chuồng, vẫy tay:
- Bò vừa ra thì chúng đến. Nhưng giờ chúng đang le lên rừng nứa. Cháu đi với bác!
Mặt trời mùa đông ở xa tít, chỉ thấy loa lóa sáng đục ở một khoảng mây trên đỉnh núi. Đồng cỏ trơ trụi, khô khốc những cọng già. Đang đi, ông bác tôi bỗng lao về phía trước. Tôi liền chạy theo.
Kia rồi! Đàn sói hơn chục con đang hình thành vòng tròn vây quanh một con bò. Toàn con sói ác, tai vểnh, chân cao nhóng, bụng hóp, lông vàng, răng nhe trắng ởn. Nhưng bị vây là con bò đực, nó có một cái sừng vẹo, rõ ràng cũng là một địch thủ lợi hại. Hễ thấy con sói nào chạy tới sát mình là nó quẫy, nó văng sừng đánh lại.
- Bác Du, bắn đi. Bắn cho nó dạt ra.
- Không! Tiến sát nữa!
Chúng tôi ập tới sau một bụi ruối già.
Đang đuổi theo con bò đực sừng vẹo, một con sói già trong đàn bỗng tăng tốc vọt lên, vòng qua trước mặt đối thủ. Và tôi nhìn thấy rất rõ cái chân trái phía sau nó thình lình nhấc cao lên, trông rất ngạo mạn. “Hắn đái xung quanh rồi”. Ông bác tôi thốt kêu. Quả nhiên, con bò đực đang chạy bỗng sững lại, ngẩng đầu lên, ngúc ngoắc cái cổ và lập tức tỏ ra có dấu hiệu bị rối loạn phương hướng. Nước đái của con sói xông lên cũng đủ hoa mắt con bò.
Tôi nổi gai ốc hai cánh tay trần. Và cuối cùng điều kinh sợ nhất đã xảy ra. Con sói già hộc một tiếng kêu, nhún chân, nhảy phốc lên. Con bò ò lên một tiếng thất thanh, đầu quẫy mạnh, cuống cuồng đâm bổ sang ngang. Con sói già bám chặt đuôi con bò và từ trên tư thế đó, với những chiếc móng sắc lẻm như dao, hiển nhiên là nó sẽ bấu đít và thọc tay vào bụng con bò. Tiếp đó, lũ sói con đang rượt đuổi hai bên con bò sẽ thừa cơ nhảy bổ tới, cắn xé con bò ra thành trăm mảnh ngay lập tức.
Đoàng! Đoàng... oàng...
Tiếng súng của bác tôi vang trên đồng cỏ, rền một hồi, rồi tan dần.
Lát sau, trong màn sương dày đục, bóng ông bác tôi dần dần hiện ra. Súng khoác vai, tay ông kéo căng sợi dây buộc cổ con sói ác. Chỉ xác con sói, ông bảo tôi:
- Cháu trông và làm chứng cho tôi. Ờ mà tôi cũng cần cho mọi người thấy cái móng vuốt của con sói sắc thế nào. Nó bám vào đuôi con bò mà lông đuôi nó trụi như bị dao cắt. Móng đã thế, răng nó còn sắc đến đâu. Có thế nó mới ăn thịt con bò sạch như ta lấy dao lọc xương chớ!
Ngừng lại lấy hơi, bác tôi nói tiếp với chất giọng tràn đầy âm sắc thật thỏa thuê:
- Cháu ơi! Cả đời bác, không con thú nào bác ghét bằng con sói. Nó hại đời bác. Năm ngoái, mùa đông ở đây có tuyết, lừa lúc bác sơ ý, nó tới bắt một con bò cái của bác. Nó ăn hết trơn. Mà sao răng, móng nó sắc bén quá. Nó lọc thịt con bò như ta lấy dao lọc vậy. Thịt hết sạch, xương còn nguyên. Ông giám đốc nông trường lên, xếp xương lại, vẫn còn đủ hình con bò. Rồi bĩu môi, buông một câu: “Sói hay là người mà ăn thịt con bò gọn ghẽ thế này!”. Ối giời! Oan này của bác có gọi là oan dậy đất được chưa, hả cháu?
Đã tưởng chỉ có vậy thì ông bác tôi lại ngửa mặt lên trời, rền rã và hả hê:
- Cháu ơi! 30 năm theo cách mạng không bao giờ bác để tư cách mình bị hoen ố. Bác không có tiền bạc để lại cho con cháu. Bác chỉ có lương tâm trong sạch để lại cho chúng. Con bò cái bị sói ăn, rõ ràng vậy mà người ta dám nghi ngờ, dám dựng đứng lên rằng... Có ai mua được danh dự không, cháu? Bây giờ... nào, cháu đi với bác xuống nông trường bộ cho ông giám đốc xem xác con sói này. Nợ nần thế là đã trả xong. Giờ bác có thể thanh thản sống nốt những ngày tuổi già và bác sẽ trở về với gia đình ăn tết thật vui vẻ. Hà hà... Tết này mới thật là tết đây!
Bí mật cuối cùng đã được giải tỏa. Tôi đi theo bác. Bóng ông già đã cởi bỏ nỗi sầu muộn cứ rạp về đằng trước như bị gió thổi. Tay kéo lê xác con sói hung dữ, loanh quanh trên đồng cỏ, ông lão công nhân chăn bò vừa đi vừa nói cười vang vang. Có ai nghe thấy ông lão nói cười đâu, ngoài ông, tôi và cỏ. Cỏ cằn trong đêm cọ vào chân tôi loạt xoạt. Cỏ sẽ qua đông, tới mùa xuân thì xanh thắm. Cỏ đâu có cằn cỗi, tàn lụi ở chốn cô liêu này!