Thiện căn ở tại lòng ta…
Đoạn trường tân thanh là một kiệt tác của Đại thi hào Tố Như Nguyễn Du (1765 – 1820). Qua 'tiếng kêu đứt ruột' nổi bật hai khuôn mặt Thúy Kiều và Hoạn Thư, được quan tâm bậc nhất suốt hơn 200 nay trong xã hội Việt Nam.
Hoạn Thư, trong Truyện Kiều, là con gái yêu của cụ Thượng thư Bộ Lại. Từ thơ ấu đã được dạy bảo đủ điều tứ đức tam tòng. Không có duyên lọt được vào mắt xanh các vương tôn công tử, nên phải “hạ giá” xe duyên cùng thiếu gia Thúc Sinh ở tận Lâm Tri. Chàng Thúc vốn học ít chơi nhiều, nay phải ở rể, vào ra khép nép bên vợ. Thỉnh thoảng, chàng Thúc nại chữ Hiếu xin phép nhà vợ về Lâm Tri thăm viếng cha già cho bớt căng thẳng thần kinh. Như chim sổ lồng, chàng có dịp sa đà vào ra tửu quán, lầu xanh. Chàng Thúc có duyên gặp gỡ “hoa hậu” Thúy Kiều. Mê mệt sắc nước hương trời, thiếu gia giấu cha đem vàng lập kế thương lượng với Tú Bà chuộc nàng Kiều về xây tổ uyên ương. Cha già hay được, dạy con chẳng chịu nghe lời bèn cáo tố cửa quan xin xét xử. Nhan sắc, tài hoa của Kiều đã làm động lòng quan phủ.
Chàng Thúc mãn nguyện tổ chức đám cưới linh đình. Đại gia Thúc Ông “bó tay” chấp nhận con dâu mới. Trải một năm ân ái nồng nàn, Kiều tỉ tê khuyên chồng:
… Xin chàng liệu kíp lại nhà
Trước người đẹp ý, sau ta biết tình
Nào ngờ Hoạn Thư tỏ tường mọi việc của Thúc Sinh. Nàng ra tay ngăn chặn lời ong tiếng ve, âm thầm thi hành độc kế:
Trong ngoài kín mít như bưng
Nào ai còn dám nói năng một lời
Tiếp theo sai phái gia nô Khuyển, Ưng tìm đến Lâm Tri phóng hỏa thiêu rụi tổ ấm, bắt cóc nàng Kiều về dinh cụ Thượng trừng trị tội cướp chồng:
Bàng hoàng dở tỉnh dở say
Sảnh đường mảng tiếng đòi ngay lên hầu
Tra hỏi, nghe Kiều trình bày đầu đuôi, bà Thượng nổi trận lôi đình. Kết quả, lễ “ra mắt” được ban 30 hèo trúc bầm dập tấm thân ngọc ngà, hoa hậu bị đổi thành hoa nô, nhập vào bọn tớ gái trong biệt phủ. Hoạn Thư đến vấn an mẹ, được lão phu nhân cho dẫn hoa nô về hầu hạ lược khăn… Bất ngờ chàng Thúc trở về thăm nhà, được vợ hiền đón tiếp niềm nở, gọi hoa nô ra lạy mừng. Chàng Thúc hồn lạc phách xiêu:
Rõ ràng thật lứa đôi ta
Làm ra con ở chủ nhà đôi nơi…
Chứng kiến tình cảnh Thúc – Kiều gặp gỡ, Hoạn Thư rất hả dạ, truyền bày tiệc rượu tẩy trần. Đau khổ tột cùng, cắn răng chịu đựng không nổi, chàng Thúc nước mắt giọt ngắn giọt dài, cáo say xin lui bước. Bà chủ liền quát hoa nô:
… Vâng lời ra trước bình the vặn đàn
Bốn dây như khóc như than
Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng!
Hoạn Thư tận mắt nhìn thấy nỗi khổ niềm đau của chồng với tình địch, tạm nguôi hận tình đen bạc, hỏi tra hoa nô xong liền đĩnh đạc:
… Rằng tài nên trọng mà tình nên thương
Ví chăng có số giàu sang,
Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên
Bàn bạc với phu quân xong, gia chủ thuận ý cho Kiều thọ giới xuất gia trở thành sư cô Trạc Tuyền, lo việc dầu đèn tại Quan Âm các trong biệt thự. Chàng Thúc lửa tình chưa tắt, nhân lúc vợ hiền vắng nhà, lọ mọ lén ra bày tỏ nỗi niềm khổ đau với tình xưa. Trạc Tuyền than thở cầu cứu chàng Thúc tìm cách giải thoát ra khỏi cảnh cá chậu chim lồng, ai ngờ người tình bó tay khuyên nàng:
Liệu mà cao chạy xa bay
Ái ân ta có ngần này mà thôi!
Ni cô thất vọng than rằng:
Người đâu sâu sắc nước đời
Mà chàng Thúc phải ra người bó tay!
Thôi thì đành trộm chuông vàng khánh bạc giắt lưng hộ thân “tẩu vi thượng sách”.
Từ đây thân gái dặm trường, Sư cô Trạc Tuyền gặp vãi Giác Duyên cứu giúp. Nào ngờ nghiệp duyên chưa dứt, ma đưa lối quỷ dẫn đường, bị Bạc Hạnh dẫn dắt trở lại lầu xanh… May thay phen này, giai nhân được gặp khách anh hùng vớt ra khỏi vũng bùn ô trược:
Trai anh hùng gái thuyền quyên
Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng
Vinh hoa bõ lúc phong trần
Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày
Phu nhân thỏ thẻ kể chuyện ân oán giang hồ khiến Từ tướng quân nổi trận lôi đình ban lệnh chỉ cho triệu tập ân nhân lẫn phạm nhân để người đẹp toàn quyền ơn đền oán trả thỏa lòng:
Từ rằng ân oán xưa nay
Mặc nàng xử quyết báo đền cho minh
Người tình năm xưa được phu nhân nhớ đến trước tiên là chàng Thúc, được ban thưởng trọng hậu. Tiếp đến là mụ quản gia dinh cụ Thượng thư Bộ Lại và vãi Giác Duyên. Ơn nghĩa được Từ phu nhân đáp trả phủ phê. Đến việc báo thù “Chính danh thủ phạm Hoạn Thư”, phu nhân quyết tâm tuyên án cực hình để rửa mối hận xưa. Bất ngờ, thủ phạm kêu ca:
Nghĩ cho khi gác viết kinh
Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo
Lòng riêng riêng những kính yêu
Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai
Phu nhân “chánh án” vừa nghe mấy câu mà lửa hận thù tắt ngúm, bèn “Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay!”
Trớ trêu thay, chánh thủ phạm được tha bổng để sau đó cùng chồng gánh bạc nghìn cân, gấm trăm cuốn về nhà an hưởng phú quý vinh hoa. Tội tình được trút hết lên đầu bọn tay sai, ma cô, chủ chứa: Bạc Bà, Bạc Hạnh, Ưng, Khuyển, Sở Khanh, Tú Bà, Mã Giám Sinh. Bảy mạng người bị cực hình phanh thây:
Máu rơi thịt nát tan tành,
Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời
Tiếp theo chuyện ân đền oán trả, anh hùng giai nhân tận hưởng hoan lạc, phú quý vinh hoa suốt năm năm.
Triều đình riêng một góc trời,
Gồm hai văn võ, rạch đôi sơn hà
Tuy nhiên, giai nhân vẫn chưa thỏa mãn. Người đẹp ước mơ:
Cũng ngôi mệnh phụ đường đường
Nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha
Bí mật liên lạc với Tổng đốc Hồ Tôn Hiến, nhận lễ vật hiến tặng tỉ tê khuyên Từ công về với triều đình. Kết quả bi thảm, cuộc khởi nghĩa ở phương Nam bị tiêu diệt, lãnh tụ Từ Hải chết đứng giữa trận tiền.
Đoạn trường tân thanh phổ biến trong xã hội Việt Nam trải qua hơn 200 năm. Thúy Kiều được nhiều người thương cảm, và ngược lại rất oán ghét Hoạn Thư… Tuy nhiên, nếu đọc cho kỹ nghĩ cho sâu, thì ở ngay câu mở đầu cụ Tiên Điền đã viết:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau…
Nguyễn Du xuất thân trong giới danh gia vọng tộc nổi tiếng ở đất Bắc, là Nho sĩ nhưng hâm mộ Phật giáo. Ông từng đọc kinh Kim Cang hàng ngàn lần, thấm nhuần giáo lý nhân quả nghiệp báo. Trong truyện, chúng ta thấy Hoạn Thư là một phụ nữ được giáo dục kỹ lưỡng đạo tề gia, tuy ghen tuông nhưng vẫn sáng suốt, nhìn nhận đúng tài sắc của tình địch, không nỡ “tất tay” hủy hoại nhan sắc hay tìm cách đưa Thúy Kiều vào chốn ngục tù. Nhờ đó mà Hoạn Thư không chỉ thoát chết dưới tay nàng Kiều mà còn cùng chồng đẩy xe gấm vóc tiền bạc về nhà an hưởng hạnh phúc, giàu sang.
Ngược lại, người đẹp Thúy Kiều khi đắc thế, ngồi ghế chánh án đã tuyên tử hình bảy mạng người, chưa kể đến việc nàng ham của cải, danh vọng rồi đẩy người hùng Từ Hải vào chỗ chết thảm. Tất cả đều do tâm tạo, nhân quả.
Tố Như Nguyễn Du là một Nho sĩ mến chuộng đạo Phật theo lý “cư Nho mộ Thích”, cũng vì lẽ đó, ông đã kết lại Đoạn trường tân thanh bằng đôi câu mang tính triết lý, được hậu thế tâm đắc nhắc nhớ như một lẽ tự nhiên ở đời:
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ TÀI.