10 kỹ năng sinh tồn mọi cha mẹ nhất định phải dạy con
Theo Bright Side, phản ứng với trường hợp khẩn cấp, giữ bình tĩnh, phát tín hiệu cầu cứu... là những kỹ năng sinh tồn cơ bản một đứa trẻ nên được trang bị.
1. Phản ứng với trường hợp khẩn cấp: Tất nhiên, với các trường hợp khẩn cấp và nghiêm trọng, trẻ sẽ khó lòng biết phản ứng thế nào, nhưng sẽ rất có lợi nếu trẻ đối phó được với các tình huống đơn giản hơn như chảy máu, biết dùng đá chườm khi bị thương và cuối cùng là biết khi nào cần gọi cảnh sát. Khi xử lý vết thương chảy máu, hãy dạy con dùng lòng bàn tay đè lên vết thương trong khoảng 5 phút. Muốn giảm đau, cha mẹ cần dặn con không được chườm đá trực tiếp lên da mà quấn chúng vào một chiếc khăn, không để quá 15-20 phút...
2. Đốt lửa: Trước tiên, hãy chuẩn bị một xô nước để sau khi không cần đến lửa nữa thì dập tắt. Sau đó, hãy hướng dẫn con lượm nhặt các miếng gỗ, cành củi khô có chiều dài từ 8-20cm, xếp củi theo cấu trúc khung chữ A. Cuối cùng, bạn cần dạy con cách đánh diêm. Nó là kỹ năng sinh tồn quan trọng nếu chẳng may con bị lạc ở một nơi hoang dã.
3. Tích trữ nước mưa: Bạn có thể dễ dàng tự tạo hệ thống tích nước mưa và cho con cùng tham gia. Cách đơn giản là lắp đặt một thùng đựng nước mưa ở dưới đường ống đã kết nối với mái nhà. Đừng quên đậy nắp lên để tránh muỗi sinh sôi.
4. Phát tín hiệu cầu cứu: Hãy luôn đeo một chiếc còi trên cổ con khi đi vào rừng, cắm trại... Đây là một trong những cách tốt nhất để trẻ phát tín hiệu cầu cứu. Tuy nhiên, điều quan trọng là dạy con bạn rằng đây không phải là một món đồ chơi và chúng chỉ sử dụng nó trong trường hợp khẩn cấp. La hét để được giúp đỡ sẽ khiến trẻ nhanh kiệt sức nhưng một tiếng còi thì không. Hãy dạy con thổi 3 lần, chờ một chút lại thổi 3 lần nữa. Trẻ nên lặp lại cách này cho đến khi được tìm thấy.
5. Giữ an toàn khi bị lạc: Một trong những điều đáng sợ nhất đối với trẻ em và phụ huynh là bị lạc. Gia đình nào cũng có thể gặp phải tình huống như vậy, nên bạn cần chuẩn bị. Hai điều đầu tiên bạn nên dạy con là số điện thoại của bố mẹ và đứng yên một chỗ, bất kể chúng bị lạc trong rừng hay khu vực đông đúc. Trong tình huống này, nói chuyện với người lạ để tìm kiếm sự giúp đỡ thực sự có ích. Tuy nhiên, không phải gặp ai cũng nhờ, đối tượng tốt nhất nên tìm đến là các bà mẹ đang có con nhỏ để dễ nhận sự đồng cảm hơn. Khi cắm trại trong rừng và bị lạc, nếu không có nước và thức ăn, nên dặn con tìm nước trước, vì nếu chỉ được chọn một trong hai, nước giúp tồn tại lâu hơn.
6. Giữ bình tĩnh và lạc quan: Hoảng sợ thường dẫn đến kết quả tiêu cực nên cần dạy con bình tĩnh đối mặt với một tình huống khó khăn. Một trong những cách tốt nhất để làm điều này là áp dụng phương pháp hít thở sâu - hít thật sâu và thở ra chậm. Hãy tập luyện kỹ thuật này bằng cách cho trẻ thổi bong bóng.
7. Giữ an toàn trước động vật: Tùy thuộc vào nơi bạn sống và những loài động vật xung quanh, hãy dạy cho con kỹ năng đối phó với từng tình huống cơ bản. Nếu nơi con đứng có rắn, hãy dạy con không đến gần hay cố xử lý chúng, không đưa tay, chân vào nơi không thể nhìn thấy và luôn đi giày, dép. Nếu gặp động vật to lớn và hoang dã, hãy dặn con đừng trêu đùa hoặc lại gần chúng.
8. Mặc quần áo phù hợp: Trước khi tham gia cuộc đi bộ đường dài, hãy yêu cầu con tự chọn quần áo cho mình. Sau đó, bạn hãy đánh giá những gì trẻ đã chọn, hỏi chúng tại sao lại chọn những món đồ đó và sửa cho con nếu cần. Ngoài ra, đừng quên dạy con mang theo kem chống nắng hoặc thuốc chống muỗi, tùy thuộc vào tình huống. Quen với việc này khi còn nhỏ sẽ giúp con hình thành thói quen tốt.
9. Tự cứu mình khỏi đuối nước: Khi ở dưới nước và cảm thấy mất kiểm soát, bản năng tự nhiên của chúng ta là vẫy vùng. Nhưng bạn nên dạy con chiến đấu với chính nỗi sợ của mình chứ không phải với nước. Điều này có thể cứu mạng đứa trẻ. Hãy dạy con cách giữ lưng thẳng, tạo thành một đường thẳng với chân và khua nhẹ để nổi lên mặt nước.
10. Học kỹ năng tự vệ: Ngày nay, trong thế giới hỗn loạn chúng ta đang sống, an toàn là một trong những ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, để con an toàn và tự tin hơn, nên cho con tham gia các lớp học tự vệ cơ bản. Điều này cũng sẽ cho phép con phát triển các kỹ năng xã hội của mình.