Bị cháu tỏ thái độ, tôi nóng mặt thu lại tiền lì xì

Bằng việc thu lại tiền mừng tuổi khi cháu bực bội chê ít, tôi từ chối thỏa hiệp với cách ứng xử của những phụ huynh ngầm cho phép con coi Tết là dịp kiếm tiền lì xì.

Sự biến tướng của phong tục mừng tuổi năm mới đã ở mức nó bị coi như một cơ hội kiếm tiền dịp Tết Nguyên đán, thậm chí nhiều người còn gọi đùa đây là dịp "xóa đói giảm nghèo". Vẻ mặt vui sướng hay thất vọng của những đứa trẻ khi mở xem phong bao lì xì cũng như cách nhiều phụ huynh kể chuyện con họ thu hoạch được bao nhiêu dịp Tết, hay nhận xét người này rộng rãi, người kia keo kiệt trong chuyện mừng tuổi cho thấy không ai còn nhớ tiền lì xì thật ra có vai trò của một lời chúc tốt lành, hoàn toàn không phải thu nhập.

Nhiều năm qua, tôi vẫn kiên định với quan điểm tiền mừng tuổi phải mới, đẹp, mang màu sắc may mắn và không cần, không nên nhiều. Tôi chỉ cho vào phong bao số tiền lớn khi mừng tuổi những họ hàng lớn tuổi hoàn cảnh khó khăn, coi đây là dịp để giúp thêm một cách tế nhị. Biết rằng nhiều người có quan điểm khác mình, tôi học cách không quan tâm phản ứng không hay của phía nhận, nhưng với con cháu trong nhà thì lại khác, tôi không muốn thỏa hiệp hay phớt lờ.

Tôi 32 tuổi, quê Nam Định, sau khi tốt nghiệp đại học thì ở lại Hà Nội lập nghiệp và xây dựng gia đình. Cả tôi và chồng đều làm ở cơ quan nhà nước, mức thu nhập trung bình nên phải tằn tiện chắp bóp mới đủ xoay xở nuôi 2 con giữa thành phố đắt đỏ.

Nhưng đó không phải lý do tôi mừng tuổi ít; Tết nào vợ chồng tôi cũng cố dành ra khoảng 20 triệu đồng để mua quà cho gia đình, họ hàng, biểu bố mẹ và vài người anh em nghèo hai bên trước khi sang năm mới. Còn tiền mừng tuổi cho vào phong bao lì xì trao khi năm mới đến thì chỉ mang tính "lấy khước" mà thôi.

Cả hai vợ chồng đều quan niệm tiền lì xì là lấy may đầu năm, chúc cho người già sức khỏe, trẻ em chóng lớn, học hành giỏi giang nên giá trị đồng tiền không được đặt lên hàng đầu. Con tôi và các cháu bên nhà chồng luôn được bố mẹ dặn nhớ cảm ơn khi người lớn lì xì, tránh bóc phong bao trước mặt người khác, ai cho bao nhiêu cũng hoan hỉ đón nhận, tuyệt đối không so sánh. Số tiền được mừng tuổi, tôi thường để các cháu bỏ lợn và lên kế hoạch chi tiêu với sự đồng ý của bố mẹ.

Tuy nhiên, mỗi lần về quê mình, chuyện lì xì lại khiến tôi thấy khó xử và cảm thấy ngượng với ngay cả với chồng con. Bố mẹ chỉ sinh được hai anh em tôi. Khác với tôi, anh trai sau khi tốt nghiệp đại đã quyết định về quê làm việc. Gia đình anh đang sống với bố mẹ tôi trong căn nhà 5 tầng rộng rãi, khang trang.

Anh chị đều làm cho ngân hàng lớn nên so với gia đình tôi có phần khá giả hơn. Tuy nhiên, cách anh chị dạy dỗ con trong việc nhận lì xì khiến tôi rất bất bình.

(Ảnh minh họa được tạo bởi AI)

(Ảnh minh họa được tạo bởi AI)

Năm nào cũng thế, mỗi lần tôi về quê là chị dâu lại hồ hởi khoe con mình mỗi năm thu hoạch được mấy triệu tiền mừng tuổi. Chị còn bảo, năm nào thấy con có vẻ kiếm được ít quá, chị lại dẫn đi chúc Tết các bác ở cơ quan, thế nào cũng được một khoản kha khá cho chúng phấn khởi. Với số tiền mừng tuổi, các cháu thích mua gì anh chị cũng chiều, nếu thích món đắt quá thì chị bù thêm cho con vì "mỗi năm chỉ có 1 lần".

Biết các cháu mình vẻ háo hức với tiền lì xì, tôi đã cho thêm tiền vào phong bao trước khi mừng tuổi. Thế nhưng thái độ nhận của cháu lại khiến tôi muối mặt với chồng. Thay vì cảm ơn, con gái lớn của anh chị chỉ cầm vội chiếc phong bao, mở ra ghé mắt vào xem rồi xị mặt, vẻ bực bội và thất vọng thấy rõ.

Tôi nghĩ ai cũng dễ dàng nhận ra kiểu thái độ đó của trẻ em nhưng đa số chọn cách phớt lờ, nhưng với cháu ruột thì tôi không muốn thế vì chúng tôi còn gặp nhau rất nhiều cái Tết nữa. Tôi hỏi cháu tại sao lại xị mặt khi mở xem tiền mừng tuổi, có điều gì không hài lòng thì nói cho cô nghe.

Cô bé 9 tuổi lúng túng giây lát rồi nói thẳng: "Cô chỉ lì xì có 200 nghìn đồng như người ngoài; mọi người đều nói người nhà mừng tuổi đều ít nhất 500 nghìn". Ánh mắt và giọng nói của đứa cháu cho thấy nó nghĩ tôi là người có lỗi.

Chị dâu tôi chờ con nói hết mới làm bộ mắng át, gạt đi và muốn đẩy cô bé ra chỗ khác. Nhưng tôi đã khơi ra thì không muốn kết thúc tại đó nên giữ cháu lại và phân tích về ý nghĩa của việc lì xì ngày Tết, về cách hành xử nên có của trẻ con khi nhận. Rồi tôi rút lấy phong bao trong tay cháu, nói cháu không tôn trọng nên cô sẽ thu lại số tiền mừng tuổi này, vì nếu nhận thì khoản lì xì cũng không đạt được ý nghĩa của nó nữa.

Trước thái độ dứt khoát của tôi, cháu sững sờ, còn mẹ cháu thì giận ra mặt. Chúng tôi chia tay không vui vẻ. Lúc về, chồng cũng trách tôi vì mỗi năm chỉ có một lần Tết, mình lại không ở gần cháu, không nên làm cả nhà mất vui vì chuyện nhỏ.

Nhưng tôi nói với chồng, tôi làm vậy một là vì quan tâm cháu, không muốn cháu sa vào lối suy nghĩ sai lầm, hai là không muốn thỏa hiệp với kiểu lì xì biến tướng, coi tục mừng tuổi Tết trẻ em là cơ hội để bố mẹ kiếm tiền. Chính vì vậy, tôi chấp nhận việc bị chị dâu mặt nặng mày nhẹ suốt mấy hôm ở quê.

Năm nay, tôi vẫn lì xì cho các cháu y như năm ngoái, nghĩ bụng nếu cháu vẫn xị mặt thì tôi sẽ coi như không biết, vì những gì cần dạy cháu, tôi đã nói hết rồi; nếu một năm trôi qua suy nghĩ của bọn trẻ vẫn vậy cũng đành chịu, vì chút can thiệp nhỏ bé của tôi làm sao so được với ảnh hưởng của nếp nhà anh chị.

Tôi nhận thấy, không chỉ mình mà nhiều người khác gần đây cũng trở lại với kiểu mừng tuổi số tiền tượng trưng lấy may. Có thể ai đó sẽ nói nguyên nhân là kinh tế khó khăn, nhưng tôi tin đây thực sự là xu hướng dù còn chưa nổi trội, cho thấy ngày càng nhiều người coi trọng việc khôi phục ý nghĩa ban đầu của tục mừng tuổi ngày Tết như một nét đẹp văn hóa quý giá.

NGỌC THU

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/bi-chau-to-thai-do-toi-nong-mat-thu-lai-tien-li-xi-ar917787.html
Zalo