Nghĩ về 'Chợ tết'
Đoàn Văn Cừ không phải là đỉnh cao hay nhà thơ xuất sắc nhất của phong trào Thơ Mới 1932-1945, nhưng gần một thế kỷ qua tên tuổi ông vẫn luôn được nhắc đến, nhất là mỗi khi tết đến, xuân về. Nhiều thứ giờ đã khác xưa, người dân đi chợ tết, mua sắm tết cũng đã khác xưa, nhưng bài thơ Chợ tết của Đoàn Văn Cừ vẫn còn được neo trong ký ức của người đọc. Có lẽ không chỉ với tư cách một bài thơ, Chợ tết còn là văn hóa, là hồn quê, là giá trị tinh thần dân tộc.
Chợ quê.
Tranh: NGUYỄN NGHIÊM
Bài thơ bắt đầu và kết thúc gói gọn trong thời gian một ngày. Câu đầu tiên diễn tả cảnh mặt trời còn chưa mọc, phương Đông chỉ mới ửng hồng và sương đêm còn giăng mờ mịt (Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi/ Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh), và kết thúc bài thơ là tiếng chuông chùa buông, nắng tắt dần trên đường đi, bãi cỏ (Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê).
Trong chu kỳ thời gian trọn vẹn một ngày đó, chợ trở thành trung tâm của mọi hoạt động. Trên những con đường làng, mọi người nối nhau đến chợ, rồi từ chợ lan tỏa ra, tản mác về nhà. Không gian rộng là làng quê, không gian hẹp là chợ, liên thông nhau. Khi mọi người đổ về chợ đông nhất là lúc hoạt động mua bán lên cao trào. Nhà thơ mô tả: “Người mua bán ra vào đầy cổng chợ”.
Không phải mọi người chen chúc vào/ ra chợ, mà là người “đầy cổng chợ”! Chữ “đầy” rất giản dị, mà có ý nghĩa khái quát này đem đến cảm nhận sâu sắc về văn hóa làng, về nếp sinh hoạt quen thuộc của người dân được bao bọc trong những lũy tre xanh. Đây đúng là phiên chợ ngày tết, đông vui, tràn đầy người, vật, hàng hóa, nhưng vẫn chỉ gói gọn trong làng quê mà thôi. Câu thơ gợi nhớ đến bài thơ Cổng làng của Bàng Bá Lân - cũng là một thi sĩ của làng quê như Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Nguyễn Bính:
“Cổng làng rộng mở. Ồn ào
Nông dân lững thững đi vào nắng mai”
Cái cổng của Bàng Bá Lân không chỉ mở ra ngày mới, mở ra cánh đồng, mà còn mở ra nhịp điệu, tình yêu cuộc sống cần lao.
Chợ tết của Đoàn Văn Cừ có tất cả các món nông sản, thực phẩm, đồ dùng quen thuộc của vùng quê. Người mua đủ mọi thành phần, lứa tuổi, nhưng người bán cũng đa dạng không kém. Có anh bán tranh tết, gánh hai bồ tranh trĩu nặng, có thầy khóa gò lưng mài mực viết chữ, có chú “hoa man” bán vàng mã, có anh bán pháo ngồi bên gốc cây…, nhưng đẹp và ấn tượng nhất có lẽ là gian hàng bà lão tóc bạc:
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau…”.
Bà cụ già và ngôi miếu cổ. Thời gian thường mang đến nhiều thứ và cũng lấy đi nhiều thứ, nhưng trong câu thơ này, thời gian đã đem đến một giá trị mới. Đó là khả năng thanh lọc và gột rửa. Không phải tóc bạc màu sương gió, mà “nước thời gian” đã gội sạch mọi vất vả, phiền muộn của cuộc đời, làm quên mọi lo toan, hơn thua, được mất. Giữa ồn ào bán mua, bà cụ tóc bạc và ngôi miếu cổ vừa là chứng tích của thời gian, vừa là sự vượt thoát khỏi thời gian, trở về với bản thể nguyên sơ, an yên, tĩnh tại.
Đoàn Văn Cừ là một nhà Thơ Mới. Ông cũng như Nguyễn Bính, Bàng Bá Lân, Anh Thơ hay viết về làng quê, cảnh quê; nhưng Đoàn Văn Cừ có lẽ là người vẫn giữ nét cổ điển, mực thước. Vậy nên, bài thơ Chợ tết dù mô tả sự chuyển động, nét xuân tươi, vẫn hướng đến cái đẹp hài hòa, cân đối. Cả bài thơ có cấu trúc khá rõ ràng, nội dung thể hiện theo sự vận động của thời gian, trong đó cái tĩnh luôn đi kèm với cái động, màu này phân biệt rõ ràng với màu kia.
Màu đen của nghiên mực nổi bật trên màu đỏ của tờ giấy; màu của trái cam rực rỡ bên cạnh màu những thúng gạo, nếp trắng như “núi tuyết”. Có con bò vàng chạy tung tăng và có con trâu đen đứng yên lim dim mắt. Các cụ già chống gậy đi lom khom, chậm rãi bên cạnh các em bé hiếu động, “lon xon” nghịch ngợm. Người mẹ bồng con dịu dàng, trong khi hai người nông dân khiêng lợn đang hùng hục vượt lên trước. “Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ” ý tứ, duyên dáng, còn mấy người khách bán mua “nói bô bô” ồn ào…
Bức tranh Chợ tết của Đoàn Văn Cừ đẹp nhất có lẽ là tâm thế của con người chủ động đón tết. Người dân dù trẻ hay già, bán và mua, hay chỉ là kẻ dạo chơi ngắm chợ, đều rộn ràng trong bầu không khí mua sắm tết, đón tết, trong niềm hy vọng âm thầm nhưng háo hức về một sự khởi đầu mới. Nhà thơ hướng đến việc lưu giữ ký ức về làng quê lâu đời, cổ xưa, các giá trị của văn hóa tinh thần của dân tộc. Thời gian là điều nhà thơ quan tâm trước hết, con người và không gian chỉ là yếu tố thứ hai.
Viết về chợ tết, về phong tục đón tết, không chỉ thơ, mà cả văn xuôi cũng có nhiều trang thấm đẫm tình quê kiểng. Còn nhớ nhà văn Võ Hồng trong truyện ngắn Ngày xuân êm đềm (in trong tập Lá vẫn xanh, xuất bản năm 1963) kể rất hay về chuyện đi chợ tết, về không khí đón tết ở một vùng quê duyên hải Nam Trung Bộ giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX:
“Chữ tết được nhắc đi nhắc lại một cách thân mến êm đềm trong mọi trường hợp sinh hoạt ở gia đình. Cha nói: “Mấy dây dưa leo chắc ra trái không kịp tết. Bậy quá. Bị mưa làm thúi giống gieo kỳ trước”. Mẹ nói: “Thằng Ba coi chừng mấy con gà thiến. Để qua nhà lão Dần chó cắn chết thì nghỉ ăn tết đó nghe?” Ở lớp học bạn khoe với nhau: “Tết này tao được đi thăm cô tao ở Phước Lãnh… Bà ngoại vừa gởi cho mẹ tao một trái bí đao to để làm mứt tết”. Ở ngoài đường, chữ tết len lỏi trong những câu chuyện: “Chợ tết mà ế quá, tháng Chạp thiếu, hăm chín lấy làm ba mươi, chạy tết cũng mệt… Tết năm nay ở Phú Mỹ có bài chòi…”.
Trong truyện, nhân vật chính là cậu bé An đi chợ phiên ngày 26 tháng Chạp cùng với bạn học tên Tòng. Cảnh bán mua, những gian hàng và nhất là những món đồ chơi bằng đất, pháo tre, pháo thăng thiên hấp dẫn bọn trẻ…
Xưa nay, nói tới chợ là nói đến không gian/ địa điểm giao thương, chỗ bán mua hàng ngày của mỗi địa phương. Người ta đến chợ để bán từ cá, thịt, gạo, rau, đến nhiều món hàng tiêu dùng khác và mọi người đi chợ để mua lương thực, thực phẩm và cả thuốc men, gia súc, gia cầm… Chợ là nơi thể hiện bản sắc vùng miền, thói quen, nếp sinh hoạt của người dân rõ nét nhất. Trong văn hóa Việt, chợ còn là chốn thân quen để mọi người gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những buồn vui, trao đổi thông tin, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm lao động, trong điều kiện giao thông và cả truyền thông còn hạn chế.
Người ta thích đi chợ, thấy vui khi đến chợ dù có khi phải đi bộ rất xa, trèo đèo lội suối vất vả. Chợ quê giải quyết cho con người cả nhu cầu vật chất lẫn nhu cầu tinh thần. Chợ ngày tết lại càng có ý nghĩa hơn vì tết Nguyên đán là ngày lễ lớn và quan trọng nhất, là dịp gia đình đoàn viên, sum họp.
*
Trải qua hàng ngàn năm, tết vẫn được duy trì trong phong tục, tập quán của người Việt, nhưng chợ tết thì đã thay đổi rất nhiều. Tại một số vùng quê xa vẫn còn chợ tết, chợ phiên để người dân bán/ mua sắm tết, nhưng ở các đô thị, thành phố lớn, chợ tết đã dần bị thu hẹp lại. Phần lớn người thành phố mua bán thông qua các dịch vụ, qua internet/online.
Sẽ ít thấy cảnh người người đi chợ từ sớm tinh mơ hay mua sắm đủ thứ mang về mỗi khi gần tết. Không có đi bộ, ngắm chợ bày bán món nọ, món kia; chỉ cần click chuột hoặc bấm điện thoại là có thể đặt mua mọi thứ từ đĩa xôi, con gà làm sẵn đến áo quần, bàn ghế… Hàng được giao tận nhà, tiện ích và nhanh chóng.
Niềm vui mua sắm không phải là nhìn ngắm hàng hóa, gặp gỡ tâm tình, mà chỉ còn là sự trải nghiệm trên chợ ảo và chọn lựa đúng sai. Có khi nhìn trên màn hình, món hàng rất đẹp, phù hợp nhưng khi nhận, thực tế khác xa hoàn toàn và có khi đồ không sử dụng được. Một số người mất khá nhiều thời gian để cân nhắc, so sánh, chọn lựa trước khi bấm điện thoại chốt đơn, nhưng cũng nhiều người mua sắm chỉ vì chạy theo số đông, do thích mua và bị hấp dẫn bởi các chương trình khuyến mãi.
Có thể nói công nghệ số và hoạt động các trang mạng xã hội đã làm thay đổi không chỉ thói quen mua sắm mà cả tư duy mua sắm, cảm xúc của mỗi người. Trẻ con bây giờ sẽ ít hiểu câu thành ngữ: “Mong như mong mẹ đi chợ về” hay “Vui như mẹ đi chợ về”. Ngày xưa, mẹ đi chợ thường sẽ mua món quà gì đó cho con nên đứa trẻ nào cũng có niềm vui chờ đợi mẹ. Vui hơn nữa là được mẹ dắt theo đi chợ, nhất là chợ tết.
Đứa trẻ sẽ được ngắm thỏa thuê cảnh chợ đông vui, sẽ được mẹ mua cho bánh kẹo, đồ ăn, hoặc mua áo quần, giày dép, nón mũ mới… Đứa trẻ sẽ nâng niu, ôm ấp món quà quý giá đó, hồi hộp chờ tết để mặc, hoặc sung sướng hít hà, thưởng thức món ăn rẻ tiền nào đó, mà cứ nghĩ ăn ở chợ ngon gấp mấy lần ăn tại nhà.
Theo thời gian, mọi thứ đều đổi thay. Có lẽ vì cám cảnh chợ tàn, chợ chiều, cho dù là chợ tết, nên nhà thơ Đoàn Văn Cừ viết câu cuối bài Chợ tết hơi buồn: “Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ”. Nhưng trong cuốn Thi nhân Việt Nam 1932-1941, nhà phê bình Hoài Thanh đã dành những lời ưu ái: “Nhưng câu ấy khép lại một thế giới và mở ra một thế giới: khép một thế giới thực, mở một thế giới mộng. Cảnh trước mắt vừa tan thì tình trong lòng cũng vừa nhóm. Mắt ta không thấy gì nữa nhưng lòng ta bỗng bâng khuâng”…
“Lòng bâng khuâng” hay tình quê tha thiết mà Hoài Thanh nói chính là lý do để người Việt dù có đi xa thật xa, dù vất vả bôn ba mưu sinh ở xứ người, thì cuối năm vẫn cố quay về nhà, về thăm quê.
Người ta thường hay nhắc câu của G. Dome: “Ba thứ không bao giờ quay trở lại là tên đã bay, lời đã nói và những ngày đã qua”. Chợ tết mà Đoàn Văn Cừ mô tả là chợ tết của những ngày đã qua, là thời gian thuộc về quá khứ.
Chúng ta không thể quay lại, sống như thời cha ông xưa đã từng sống, nhưng chắc chắn ký ức về tết xưa qua bài thơ sẽ còn được lưu giữ trong lòng người yêu thơ, trong những bài học về phong tục, văn hóa tết. Văn chương có sức mạnh kỳ diệu vậy đấy! Nó có khả năng làm mới lại quá khứ tưởng đã cũ, đã bị quên lãng, làm con người biết trân quý hơn cuộc sống hiện tại và mơ ước về tương lai tốt đẹp phía trước.