Nghị quyết 68 như mũi khoan phá băng 'điểm nghẽn' thị trường bất động sản

Nghị quyết 68 không đơn thuần chỉ là một chính sách mới, mà còn là 'mũi khoan' sắc bén xuyên thủng lớp băng cứng đã tồn tại lâu năm trong thị trường bất động sản…

 Thị trường bất động sản có thêm sức bật mới

Thị trường bất động sản có thêm sức bật mới

Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã đưa ra nhiều định hướng và giải pháp mang tính đột phá, góp phần tái xác lập vai trò và vị thế của khu vực này trong nền kinh tế quốc dân.

Với tư cách là một cấu phần quan trọng trong khối kinh tế tư nhân, lĩnh vực bất động sản sẽ được hưởng lợi đáng kể từ những thay đổi tích cực trong cách tiếp cận và thiết kế chính sách.

Thực tế, doanh nghiệp bất động sản là một thành phần đặc biệt quan trọng trong khối kinh tế tư nhân, đóng vai trò dẫn dắt trong nhiều trục phát triển: từ đô thị hóa, hạ tầng, công nghiệp, thương mại đến du lịch và dịch vụ.

Thông qua đầu tư vào các khu đô thị mới, khu công nghiệp, cụm du lịch nghỉ dưỡng, doanh nghiệp bất động sản đã góp phần "thay da đổi thịt" cho các vùng đất và tái cấu trúc không gian kinh tế, xã hội, giúp phân bổ lại dân cư, lao động và nguồn lực phát triển.

Đặc biệt, trong top 10 tập đoàn tư nhân đa ngành nộp thuế lớn nhất năm 2024, có đến 3 doanh nghiệp có lĩnh vực cốt lõi là bất động sản. Thuế, phí từ giao dịch và các dự án bất động sản cũng luôn là nguồn thu trọng yếu của ngân sách nhiều địa phương, đóng góp vào ngân sách Nhà nước.

CUỘC CÁCH MẠNG VỀ CƠ CHẾ

Báo cáo mới nhất của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, Nghị quyết 68 sẽ tạo ra sự thay đổi mang tính bước ngoặt cho khối kinh tế tư nhân, đồng thời cũng mang đến cơ hội bứt phá do doanh nghiệp bất động sản cũng như thị trường bất động sản Việt Nam trong trung và dài hạn.

Theo VARS, Nghị quyết 68 đặt ra một số nhiệm vụ, giải pháp đáng chú ý đối với thị trường bất động sản. Thứ nhất, Nghị quyết 68 đặt ra nhiệm vụ trong năm 2025, hoàn thành việc rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân; thực hiện cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo.

Thứ hai, Nghị quyết yêu cầu có cơ chế, chính sách phù hợp kiểm soát biến động giá đất, đặc biệt là giá đất sản xuất kinh doanh, phi nông nghiệp, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư, sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.

Mục tiêu chậm nhất trong năm 2025, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai kết nối với trung tâm dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu có liên quan. Thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai; công khai, minh bạch và chủ động cung cấp thông tin tới doanh nghiệp; giảm thiểu thời gian giải quyết thủ tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hỗ trợ tích cực trong giải phóng mặt bằng.

 Nghị quyết 68 mang đến cơ hội bứt phá do doanh nghiệp bất động sản

Nghị quyết 68 mang đến cơ hội bứt phá do doanh nghiệp bất động sản

Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án vướng thủ tục, chậm tiến độ; đưa vào khai thác nguồn lực đất đai bị lãng phí, đất công, trụ sở cơ quan không sử dụng, đất trong các vụ việc tranh chấp kéo dài.

Ngoài ra, Nghị quyết cũng đặt ra nhiệm vụ, giải pháp là đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Trong đó có việc đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh; Nhà nước có cơ chế hỗ trợ lãi suất và khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho doanh nghiệp tư nhân vay để triển khai các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG).

Chuyên gia của VARS cho rằng, những điểm trên đã đi thẳng vào tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết 68, kết hợp với chủ trương sáp nhập, tinh giản bộ máy, nếu được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, sẽ tạo nên một cuộc cách mạng về cơ chế thực sự, giúp tháo gỡ nhanh hơn và rút ngắn hơn quy trình xử lý thủ tục cho các dự án phát triển, và chắc chắn sẽ giúp số lượng dự án được phê duyệt tăng lên.

Đặc biệt, việc đẩy nhanh và mạnh hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu có liên quan, hướng tới thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai sẽ là nền tảng quan trọng giúp nâng cao khả năng định giá chính xác cho tất cả các cấu phần tham gia thị trường.

Khi toàn bộ thông tin về thửa đất, quy hoạch, lịch sử giao dịch và hiện trạng pháp lý được chuẩn hóa, số hóa và công khai, thị trường sẽ có cơ sở để định giá tài sản dựa trên dữ liệu thực tế. Từ đó gỡ vướng cho hàng loạt dự án quan trọng.

Trong ngắn hạn, có thể xuất hiện tình trạng chậm giải quyết hồ sơ do chờ đợi chuyển giao và tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, khi bộ máy được vận hành ổn định, các thủ tục sẽ được rút ngắn, quy trình phê duyệt và phát triển dự án sẽ trở nên minh bạch, rõ ràng và hiệu quả hơn.

DOANH NGHIỆP CÓ THÊM NIỀM TIN

Tại hội thảo vừa diễn ra, ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ Phần DKRA Group bày tỏ, đây là bước ngoặt chiến lược, đặt nền tảng cho tư duy kiến tạo, mở đường cho doanh nghiệp bất động sản bước vào một giai đoạn phát triển mới với sự chủ động, sáng tạo và tận dụng tối đa nguồn lực.

Đặc biệt, với khung chính sách định hướng từ Trung ương, các doanh nghiệp sẽ có thêm niềm tin để mạnh dạn tái cấu trúc mô hình hoạt động, điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp với xu thế thị trường và yêu cầu phát triển bền vững.

"Nghị quyết 68 không chỉ tháo gỡ rào cản về thể chế mà còn tạo hành lang pháp lý vững chắc để doanh nghiệp bất động sản kiến tạo giá trị dài hạn, đóng góp tích cực vào sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng", ông Lâm bày tỏ.

Còn ông Nguyễn Văn Kế, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đắk Lắk nhấn mạnh, trong kỷ nguyên vươn mình của nền kinh tế, hàng loạt chủ trương lớn từ Đảng, Nhà nước, điển hình như Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân đã và đang mở ra cánh cửa mới cho doanh nghiệp tiếp cận cơ hội, tháo gỡ khó khăn, tái định vị vai trò trong hệ sinh thái kinh tế quốc gia.

Trong bối cảnh ấy, ông Kế cho rằng bản thân doanh nghiệp phải giữ vững vai trò là chủ thể kiến tạo tăng trưởng. Doanh nghiệp không chỉ là bên thụ hưởng chính sách mà cần thực sự làm chủ quá trình phát triển để đóng góp vào chiến lược chung. Hàng loạt cơ chế, chính sách nhằm tiếp tục tháo gỡ vướng mắc cho thị trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững đang được kỳ vọng sẽ ban hành trong thời gian tới.

"Cơ hội cũng đi kèm với thách thức. Nếu thị trường bất động sản bùng nổ một cách đồng loạt, thiếu kiểm soát, phát triển lệch pha với nhu cầu sử dụng thực tế, hệ lụy tất yếu là nguồn cung dư thừa, dự án ra đời mà không có người ở.

Từ thực tiễn đó, tôi cho rằng rất cần có một chiến lược định hướng rõ ràng, không chỉ từ cơ quan quản lý mà cả trong chính sách của doanh nghiệp, phát triển bất động sản cần phù hợp với thực tiễn từng địa phương, gắn với quy hoạch tổng thể, dân số, hạ tầng và nhu cầu thật của người dân", ông Nguyễn Văn Kế nói.

Nhìn nhận về Nghị quyết 68, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, đây là Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ bởi nội dung toàn diện mà còn bởi tầm vóc chiến lược trong việc định vị lại vai trò, vị thế và động lực phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong giai đoạn mới.

 KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng

KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang trên hành trình tái cấu trúc, phục hồi và đòi hỏi một động lực tăng trưởng mới, sự ra đời của Nghị quyết 68 không chỉ đơn thuần là một định hướng chính sách, mà chính là bước ngoặt mang tính thể chế, thể hiện rõ sự thay đổi trong tư duy quản lý và quản trị phát triển.

Đây là Nghị quyết "được lòng dân", vì không chỉ nói trúng tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp mà còn phản ánh rõ nhu cầu phát triển thực tiễn của đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, khi đang cần một môi trường chính sách cởi mở, đồng hành và dài hạn.

"Nghị quyết 68 là lời khẳng định mạnh mẽ cho tinh thần kiến tạo phát triển theo cơ chế thị trường, thúc đẩy môi trường cạnh tranh lành mạnh và nuôi dưỡng tinh thần đổi mới sáng tạo - nền tảng cốt lõi giúp doanh nghiệp bất động sản vươn lên, tạo bứt phá trong giai đoạn mới", KTS. Trần Ngọc Chính nhấn mạnh.

Mỹ Linh

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/nghi-quyet-68-nhu-mui-khoan-pha-bang-diem-nghen-thi-truong-bat-dong-san-post559925.html
Zalo