Tiếp đà tăng trưởng, xuất khẩu thủy sản quyết gỡ 'thẻ vàng' để bứt phá

Là ngành hàng được dự báo chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách thuế quan của Mỹ, song xuất khẩu thủy sản vẫn nỗ lực bứt phá tăng trưởng ngoạn mục, với kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2025 đạt kim ngạch 3,3 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ.

Tạm gác nỗi lo thuế quan, xuất khẩu thủy sản có tăng trưởng đột phá trong 4 tháng đầu năm. Ảnh ST

Tạm gác nỗi lo thuế quan, xuất khẩu thủy sản có tăng trưởng đột phá trong 4 tháng đầu năm. Ảnh ST

Đây là động lực quan trọng để toàn ngành quyết tâm khắc phục khó khăn, thực hiện các giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng, trọng tâm là gỡ “thẻ vàng” để mở rộng thị trường khi nỗi lo bị áp thuế quan vẫn còn đó.

Điểm sáng giữa tâm “bão” thuế quan

Tháng 4/2025 khép lại với nhiều tín hiệu tích cực cho ngành thủy sản Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu đạt mức tăng trưởng đáng khích lệ sau thời gian dài đối mặt với nhiều khó khăn từ thị trường và chi phí sản xuất. Theo thống kê sơ bộ từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch đạt 894,2 triệu USD tăng 15%.

Kết quả này cũng làm dày thêm tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm đạt kim ngạch 3,3 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ.

Theo các chuyên gia, những kết quả này càng đáng trân trọng, khi ngành thủy sản nằm trong nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chính sách thuế quan của Mỹ, nếu chính sách này được thực thi.

Bởi, Mỹ hiện là một trong những quốc gia nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam và đây cũng là thị trường tiếp nhận các mặt hàng hải sản chủ lực, có giá trị cao của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ trong 5 năm gần đây dao động từ 1,5 tỷ USD đến 2,1 tỷ USD mỗi năm.

Các doanh nghiệp đang đẩy mạnh xúc tiến, mở rộng thị trường cho sản phẩm thủy sản. Ảnh ST

Các doanh nghiệp đang đẩy mạnh xúc tiến, mở rộng thị trường cho sản phẩm thủy sản. Ảnh ST

Đáng chú ý, 4 tháng đầu năm, những mặt hàng chủ lực đều ghi nhận con số tăng trưởng mạnh, giúp dẫn dắt kết quả của cả ngành hàng. Trong đó, tôm tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đóng góp 1,27 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ.

Cá tra duy trì mức tăng trưởng cao, đạt 632,7 triệu USD. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng chế biến sản phẩm giá trị gia tăng như cá tra tẩm gia vị, cá tra cuộn, phù hợp nhu cầu tiêu dùng nhanh của thị trường Liên minh châu Âu (EU).

Sau giai đoạn suy giảm mạnh trong năm 2023 do lạm phát toàn cầu và suy thoái kinh tế, các thị trường nhập khẩu chính như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản đang dần ổn định trở lại. Nhu cầu thủy sản, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị cao như tôm sú, cá tra phi lê, cá ngừ và mực, đã có dấu hiệu khởi sắc.

Tuy nhiên, tăng trưởng không đồng đều giữa các nhóm sản phẩm và thị trường, trong bối cảnh bất ổn về thuế quan từ Hoa Kỳ đang tạo ra những thách thức đáng kể.

Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ 4 tháng đầu năm đạt 498 triệu USD, chỉ tăng 7%, trong khi riêng tháng 4 giảm 15% so với cùng kỳ, còn 120 triệu USD. Nguyên nhân chính là chính sách thuế quan đối ứng mà Mỹ buộc các nhà nhập khẩu trong nước cân nhắc chuyển hướng sang các nguồn cung khác như Ấn Độ và Ecuador - những quốc gia phải chịu mức thuế từ Mỹ thấp hơn so với Việt Nam.

Thông tin tại buổi họp báo mới đây của ngành nông nghiệp, lãnh đạo Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, kết quả này đến từ nhiều yếu tố thuận lợi, như bước sang quý I/2025, nhờ thời tiết thuận lợi và các chính sách hỗ trợ nuôi trồng thủy sản giúp sản lượng nuôi tôm, cá tra tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng rõ rệt. Giá nguyên liệu cá tra ổn định giúp doanh nghiệp chủ động kế hoạch chế biến và ký hợp đồng xuất khẩu.

Đặc biệt, những ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP... tiếp tục phát huy hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt các quy tắc xuất xứ, tối ưu hóa quy trình sản xuất để đáp ứng tiêu chuẩn thị trường cao cấp.

Tại thị trường EU, nhiều lô hàng thủy sản Việt Nam đã được thông quan thuận lợi nhờ hệ thống chứng nhận điện tử và truy xuất nguồn gốc được áp dụng đồng bộ.

Gỡ “thẻ vàng” - mấu chốt để mở rộng thị trường, ứng phó thách thức

Với kết quả tích cực trong tháng 4 và xu hướng phục hồi chung của kinh tế toàn cầu, dự báo kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả quý II/2025 có thể đạt từ 2,5-2,7 tỷ USD. Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng này, các chuyên gia cho rằng ngành nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vẫn còn nhiều việc phải làm.

Hiện, áp lực từ chính sách thuế quan của Mỹ cùng sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các nguồn cung khác đang đặt ra thách thức lớn cho ngành thủy sản Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng của ngành, từ đó đặt ra yêu cầu phải mở rộng thị trường, giảm thiếu rủi ro do phụ thuộc thị trường trong bối cảnh tình hình có nhiều biến động hiện nay.

Tuy nhiên, vấn đề khai thác bất hợp pháp vẫn là “nút thắt” lớn đối với xuất khẩu thủy sản trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ. Bởi, cùng với Mỹ, EU từng là một trong những thị trường tiêu thụ thủy sản lớn của Việt Nam.

Kể từ khi Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra cảnh báo thẻ vàng thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý (IUU) “thẻ vàng”, EU đã tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam (sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc).

Với đà tăng trưởng hiện tại, cùng với sự hỗ trợ từ các hoạt động xúc tiến thương mại của Chính phủ, các doanh nghiệp đang nỗ lực mở rộng thị trường. Trong đó gỡ bỏ "thẻ vàng" là yêu cầu tiên quyết để ngành Thủy sản tiếp cận các thị trường tiềm năng, đặc biệt là thị trường EU để giảm thiểu phụ thuộc vào một thị trường, từ đó hướng đến mục tiêu xuất khẩu 11 tỷ USD năm 2025

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến

Làm rõ thêm hậu quả của việc bị áp “thẻ vàng”, ông Nguyễn Hoài Nam - Tổng Thư ký VASEP cho biết, sau khi Việt Nam bị thẻ vàng, gần 100% hàng hóa bị dừng tại hải quan EU để kiểm tra, gây phát sinh chi phí rất lớn, khách hàng mất nhiều thời gian để nhận hàng, lượng hàng hóa xuất khẩu vào EU giảm đến 20 - 30%.

“Việc cảnh báo thẻ vàng gây nhiều khó khăn, thiệt hại về tài chính, về sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Hàng hóa, thủy sản xuất khẩu đến EU bị kiểm soát 100% (thay vì kiểm tra theo xác suất), chi phí doanh nghiệp cũng tăng lên” - ông Nam cho biết; thêm rằng nếu “thẻ vàng” chuyển thành “thẻ đỏ” - tức là bị áp quy chế kiểm soát chặt chẽ hơn, thiệt hại xuất khẩu riêng sang EU có thể lên đến 500 triệu USD/năm.

Đáng chú ý, việc bị áp “thẻ vàng” không chỉ cản bước sản phẩm thủy sản của Việt Nam sang EU, mà nhiều mặt hàng muốn chuyển hướng sang thị trường khác cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thêm nữa, khi các thị trường khác biết Việt Nam gặp khó ở EU cũng kiếm cớ để ép giá, sự tác động dây chuyền của thẻ vàng rất lớn.

Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư Trần Đình Luân cho biết, gỡ “thẻ vàng” là nhiệm vụ của quốc gia, và một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành nông nghiệp trong năm 2025.

"Trong bối cảnh chịu tác động của thuế quan và những biến động từ thị trường hiện nay, vấn đề gỡ "thẻ vàng" đang đặt ra yêu cầu sống còn" - ông Luân nhấn mạnh.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đang tập trung đánh giá, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật thủy sản (Luật Thủy sản 2017, Nghị định số 37/2024/NĐ-CP, Nghị định số 38/2024/NĐ-CP...) hoàn thiện hành lang pháp lý cho quản lý các hoạt động về khai thác, đánh bắt thủy sản theo ngư trường, theo mùa sinh sản và kích cỡ thủy sản khai thác; xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức; có biện pháp quản lý liên địa phương để khắc phục tình trạng quản lý cắt khúc theo lãnh thổ; bổ sung chế tài xử lý nghiêm minh vi phạm của chủ tàu, thuyền trưởng; xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý trong kiểm tra, phát hiện, lập biên bản, xử phạt hành vi vi phạm ngắt kết nối, gửi thiết bị VMS.

“Vừa qua, một số vụ việc liên quan đến vi phạm IUU lần đầu tiên bị khởi tố cho thấy sự quyết liệt vào cuộc của các cơ quan chức năng trong vấn đề này” - ông Luân cho biết.

Chống IUU là một trong những mục tiêu trọng tâm của ngành nông nghiệp để gỡ "thẻ vàng" thủy sản, từ đó giảm thiểu rủi ro do biến động thị trường. Ảnh ST

Chống IUU là một trong những mục tiêu trọng tâm của ngành nông nghiệp để gỡ "thẻ vàng" thủy sản, từ đó giảm thiểu rủi ro do biến động thị trường. Ảnh ST

Cũng theo ông Luân, Bộ đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp công nghệ thông tin, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu nghề cá, các phần mềm quản lý về nghề cá, tàu cá dùng chung, thống nhất trên toàn quốc; giám sát hành trình tàu cá, quản lý đầy đủ các đối tượng liên quan như ngư dân, thuyền trưởng, tàu cá, tàu hậu cần nghề cá, đơn vị thu mua, cơ sở doanh nghiệp chế biến...

Cùng với việc xử lý nghiêm vi phạm, các địa phương cũng đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng cá theo quy hoạch; trước mắt tập trung các cảng cá trọng điểm, phục vụ công tác chống khai thác IUU.

Đồng thời, rà soát công bố các cảng cá tư nhân đủ điều kiện để được chỉ định xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác… giúp đảm bảo sinh kế cho người dân, cũng như tạo thuận lợi hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.

N.LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/tiep-da-tang-truong-xuat-khau-thuy-san-quyet-go-the-vang-de-but-pha-40134.html
Zalo