Ông Nguyễn Chí Dũng: 'Câu chuyện phormol trong bánh phở 30 năm trước, chúng ta đã lúng túng'

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận nếu không có các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể thì khó kiểm soát được các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Sáng 10-5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (Luật TC&QCKT).

Chưa thể bỏ công bố hợp quy

Phát biểu giải trình sau phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết thời gian qua, Chính phủ đã phối hợp, bám sát các chủ trương, định hướng mới nhất của Đảng, của Bộ Chính trị, của Trung ương cũng như Nghị quyết 57, Nghị quyết 66, Nghị quyết 68… đặc biệt là Chỉ thị 38 về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, quy chuẩn và chất lượng hàng hóa của Việt Nam.

 Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: QH

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: QH

Theo ông Dũng, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh phân cấp, phân quyền xóa bỏ cơ chế xin - cho, cắt giảm các thủ tục hành chính, tăng cường chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước.

Đáng chú ý, các rào cản kỹ thuật không cần thiết đã được loại bỏ để thuận lợi cho hoạt động thương mại, rút ngắn thời gian xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm liên quan đến đổi mới sáng tạo, công nghệ cao. Loại bỏ tình trạng một đối tượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chịu sự điều chỉnh của nhiều các tiêu chuẩn, quy chuẩn khác nhau do nhiều bộ ban hành.

“Các hoạt động công bố hợp quy phải được thực hiện trên môi trường điện tử, giảm thời gian và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp”- ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Với đề xuất bãi bỏ quy định về công bố hợp quy (Điều 48) của dự thảo Luật, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng khẳng định đây là công cụ để quản lý về chất lượng sản phẩm hàng hóa trước khi đưa ra lưu thông trong thị trường. Nếu không có tiêu chuẩn để quản lý, giám sát, tiền kiểm hay hậu kiểm thì sẽ gây ảnh hưởng ngay đến an toàn sức khỏe của người dân, của cộng đồng, môi trường.

Ông Dũng dẫn chứng tổ chức tiêu chuẩn hóa ISO 1750 của quốc tế, Liên minh châu Âu hay các nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc… cũng đều có quy định này.

“Vấn đề là chúng ta quản lý loại nào, quản lý đến đâu và quản lý bằng cách nào để đảm bảo được chất lượng sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra thị trường… chứ không phải lại cản trở, gây rào cản, bớt cơ hội cho doanh nghiệp”- Phó Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng “phải quản lý” nhưng cần thay đổi phương thức, cách quản lý.

Ông Nguyễn Chí Dũng nhắc lại câu chuyện về phormol trong bánh phở cách đây hơn 30 năm. Thời điểm xảy ra sự việc, các cơ quan quản lý đã rất lúng túng và cũng vì không có những quy định nên mỗi nơi quản lý một kiểu, mỗi nơi thực hiện một kiểu. Như ở Hà Nội thì đi đóng dấu từng rổ bánh phở một nhưng ở TP.HCM lại ra tiêu chuẩn, quy chuẩn, ra các điều kiện rồi đi hậu kiểm.

Gần đây nhất là vấn đề sữa giả, kẹo bánh hay thuốc, thực phẩm chức năng giả hoặc kém chất lượng… “Vậy nếu không có các tiêu chuẩn, quy chuẩn này thì làm sao đưa sản phẩm ra thị trường”- ông Dũng nói.

Khẳng định bãi bỏ quy định này là rất khó cho công tác quản lý, tuy nhiên Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cũng đồng tình với ý kiến đại biểu là có sự phân loại. Sản phẩm nào có rủi ro cao thì bắt buộc phải tiền kiểm, có quy định và phải thực hiện ngay từ đầu trước khi ra thị trường. Còn loại nào cho thực hiện nhưng hậu kiểm thì khi các tiêu chuẩn, quy chuẩn được ban hành phải đi kiểm tra.

“Nếu không có thì không quản lý được nhưng nếu có mà lại tạo rào cản, tăng chi phí, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thì cũng không được”- ông Dũng nói và cho biết sẽ cho rà soát lại.

 Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn TP Huế). Ảnh: QH

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn TP Huế). Ảnh: QH

Đẩy mạnh hậu kiểm, tăng cường giám sát

Trước đó, tại phần thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn TP Huế) đã đề nghị bãi bỏ quy định về công bố hợp quy. Theo bà Sửu, quy định này còn nhiều bất cập như khả năng áp dụng đồng bộ còn hạn chế, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam ở một số lĩnh vực còn thiếu và chậm cập nhật.

Đơn cử như ở lĩnh vực thực phẩm và an toàn thực phẩm đang thiếu tiêu chuẩn cho một số sản phẩm thực phẩm đặc thù, như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm chế độ ăn đặc biệt…

Cạnh đó, quy định này còn có nguy cơ làm tăng chi phí tuân thủ và tạo rào cản; các doanh nghiệp phải chạy theo thủ tục mà không thực sự bảo đảm chất lượng bởi công tác giám sát hậu kiểm chưa đủ mạnh, việc chứng nhận đang bị thương mại hóa, thiếu sự độc lập và minh bạch.

Một nguy cơ nữa, theo đại biểu Sửu, là sự tương thích giữa quy chuẩn quốc gia và quốc tế, khu vực còn hạn chế.

Từ thực tiễn đó, bà đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh Điều 48 theo hướng rà soát, cập nhật hệ thống quy chuẩn nhanh, hài hòa với quy chuẩn quốc tế để tăng hiệu quả áp dụng và hội nhập.

Ngoài ra cần cải tiến quy trình công bố hợp quy theo hướng điện tử hóa, rút gọn thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đẩy mạnh hậu kiểm, tăng cường giám sát thực chất thay vì quá chú trọng tiền kiểm nhằm bảo đảm hiệu lực thực tiễn của quy định hợp quy.

Đặc biệt, bà Sửu cho rằng các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuộc đối tượng phải áp dụng quy chuẩn kỹ thuật phải có trách nhiệm công bố quy chuẩn áp dụng tương ứng đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình môi trường.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ong-nguyen-chi-dung-cau-chuyen-phormol-trong-banh-pho-30-nam-truoc-chung-ta-da-lung-tung-post849027.html
Zalo