Nghị quyết 68: Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, động lực để doanh nhân hăng hái tiến lên
Nghị quyết 68 khẳng định rõ không hình sự hóa các hành vi kinh tế và quan hệ dân sự nếu chưa đến mức cần thiết. Quan điểm này sẽ tạo môi trường pháp lý an toàn và tin cậy cho doanh nghiệp, tạo động lực mạnh mẽ để doanh nhân hăng hái tiến lên.
Tổng Bí thư Tô Lâm vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 68 - văn kiện được đánh giá là dấu mốc chính trị quan trọng, khẳng định vai trò của khu vực kinh tế tư nhân như một động lực quan trọng nhất trong nền kinh tế quốc dân. Nghị quyết này được đánh giá như một cam kết mạnh mẽ của Đảng trong việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng và an toàn hơn cho khu vực doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp tư nhân.
Cú hích quan trọng thúc đẩy kinh tế tư nhân
Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, ĐBQH Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội nhấn mạnh, kinh tế tư nhân đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đang chiếm trên 80% lực lượng lao động và chiếm phần lớn số lượng doanh nghiệp ở Việt Nam. Trong kỷ nguyên mới, khu vực kinh tế tư nhân có ưu thế vượt trội nhờ vào sự linh hoạt, khả năng tiếp cận rủi ro và sẵn sàng tiếp cận cái mới.
"Đây sẽ là lực lượng tiên phong, đi đầu trong ứng dụng các thành tựu mới của KHCN vào sản xuất và kinh doanh. Vì vậy, Nghị quyết số 68 ra đời sẽ huy động được hết tiềm năng, lợi thế của kinh tế tư nhân để tạo ra sự phát triển vươn mình của đất nước", ĐBQH Hoàng Văn Cường nói.

ĐBQH Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội.
Qua nghiên cứu Nghị quyết 68, ông Hoàng Văn Cường phân tích những điểm mới và được kỳ vọng sẽ là cú hích quan trọng thúc đẩy kinh tế tư nhân. Nghị quyết 68 khẳng định lấy kinh tế tư nhân trở thành lực lượng tiên phong cho quá trình đổi mới sáng tạo, tái cấu trúc nền kinh tế. Nghị quyết cũng khẳng định khu vực tư nhân là lực lượng nòng cốt trong xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, Nghị quyết 68 đưa ra rất nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và các hộ kinh doanh, đặc biệt là hỗ trợ các hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp. Hiện nay các đối tượng đó đang gặp khó khăn, trong đó có việc tiếp cận nguồn lực, khả năng cạnh tranh… nên thường ở vị thế yếu hơn so với doanh nghiệp lớn. Nghị quyết 68 đã xác định rõ cần có các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm doanh nghiệp này phát triển.
"Nghị quyết yêu cầu các khu công nghiệp tại các địa phương phải dành ít nhất 30% quỹ đất để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, tùy vào điều kiện từng địa phương, còn có thể có các hình thức hỗ trợ cụ thể hơn như quỹ bảo lãnh tín dụng, vốn vay ưu đãi, hay chính sách thuế phù hợp để giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn lực", ĐBQH Hoàng Văn Cường nêu ví dụ.

Nghị quyết 68 đưa ra rất nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và các hộ kinh doanh.
Nghị quyết cũng đặt vấn đề về cải cách hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý thuế. Hiện nay, nhiều hộ kinh doanh cá thể không muốn chuyển thành doanh nghiệp do lo ngại các thủ tục phức tạp và chi phí tăng cao như kê khai thuế, thuê kế toán và báo cáo định kỳ ngay cả khi không phát sinh doanh thu. Điều này trở thành rào cản lớn, vì vậy, Nghị quyết yêu cầu loại bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và chuyển đổi.
Kỳ vọng sẽ tạo ra những "con chim đầu đàn"
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng đề cập đến cơ chế pháp lý. Cụ thể, cần rà soát lại hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo nguyên tắc không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Việc đó, sẽ thúc đẩy các doanh nhân yên tâm, mạnh dạn dấn thân vào đầu tư kinh doanh, có thể thất bại thì vẫn có cơ hội làm lại, thay vì lo ngại các rủi ro pháp lý không cần thiết.
"Đây là động lực rất mạnh để cho doanh nghiệp, doanh nhân hăng hái tiến lên. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp, doanh nhân cũng nhìn thấy cơ hội, khung khổ pháp lý rất lớn mở ra cũng như kỳ vọng đặt ra thì bản thân doanh nghiệp cũng phải tự mình vươn lên", ông Cường kỳ vọng.
Theo vị ĐBQH đoàn Hà Nội: Chúng ta kỳ vọng sẽ tạo ra những "con chim đầu đàn". Từ con chim đầu đàn đó sẽ kéo được các doanh nghiệp khác đi theo và sẽ liên kết các doanh nghiệp tư nhân và làm nên sức mạnh tổng thể.
Để thực hiện hóa tinh thần Nghị quyết 68, đại biểu cũng phân tích, đưa ra những việc, hành động cụ thể để triển khai ngay. Trước tiên đó là cần hoàn thiện khung pháp lý để tạo hành lang thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Nghị quyết đặt ra mục tiêu rất rõ không chỉ tăng số lượng doanh nghiệp, mà còn phải có doanh nghiệp lớn, có tầm cỡ quốc tế, những doanh nghiệp có khả năng quản trị toàn cầu và trở thành trụ cột của ngành, lĩnh vực.
Đồng thời, Nghị quyết 68 cũng chỉ ra các giải pháp cần phải hành động, cần cải cách thể chế mạnh mẽ, xóa bỏ tư duy "xin - cho", chuyển từ cơ chế quản lý sang cơ chế kiến tạo phát triển. Ngoài ra, Nhà nước cần đóng vai trò tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp tự do kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật. Cơ quan quản lý cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt xem doanh nghiệp cần gì và đáp ứng, giải quyết những yêu cầu đó...
Kinh tế tư nhân được đặt ở vị trí quan trọng
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương khẳng định, Nghị quyết 68 đánh dấu bước ngoặt rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế tư nhân. Quan điểm của Đảng ta đã xác lập một vị trí, chỗ đứng mới cho kinh tế tư nhân.
Với quan điểm chỉ đạo mới của Đảng, cụ thể là Nghị quyết 68 thì kinh tế tư nhân được đặt ở vị trí, vai trò quan trọng. Và đây là khu vực kinh tế có đóng góp nhiều, năng động, tiếp cận nhanh với sự thay đổi… để phát triển. Đây là những nhìn nhận rất cởi mở và đúng mực với các quan hệ kinh tế. Khi chúng ta không hình sự hóa các quan hệ kinh tế cũng sẽ tạo được tâm lý thoải mái, khuyến khích sự dám nghĩ, dám làm trong việc phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân.