Khoa học, công nghệ và chuyển đổi số: Đột phá chiến lược của Bình Thuận

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tỉnh ủy Bình Thuận đã nhanh chóng ban hành chương trình hành động cụ thể, tạo nền tảng cho những bước đi mạnh mẽ, quyết liệt của địa phương trong lĩnh vực này. Tỉnh xác định đây không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là 'chìa khóa' để phát triển ba trụ cột kinh tế gồm du lịch, năng lượng và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bình Thuận sẽ phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ nhằm ứng dụng vào các sản phẩm chủ lực của địa phương. Ảnh: ST

Bình Thuận sẽ phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ nhằm ứng dụng vào các sản phẩm chủ lực của địa phương. Ảnh: ST

Tăng tốc số hóa trên ba trụ cột kinh tế

Sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị cùng các giải pháp đồng bộ đang tạo ra xung lực mới cho Bình Thuận trên hành trình phát triển nhanh, bền vững, hiện đại hóa nền kinh tế gắn với ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.

Tại Hội thảo “Định hướng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, nhiều chuyên gia và nhà quản lý nhận định Bình Thuận đang có cơ hội lớn để chuyển mình bằng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.

Đại diện Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đánh giá: Bình Thuận sở hữu nhiều tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, nhất là dư địa lớn trong phát triển năng lượng tái tạo, du lịch biển và nông nghiệp bền vững. Nếu ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số đồng bộ vào ba lĩnh vực này, địa phương có thể vươn lên mạnh mẽ trong khu vực.

Nhiều ý kiến tại Hội thảo cũng chỉ rõ, Bình Thuận cần đẩy mạnh số hóa hoạt động quản lý, điều hành trong các lĩnh vực trụ cột. Chẳng hạn, trong du lịch, việc ứng dụng bản đồ số, công nghệ thực tế ảo (VR) và AI sẽ giúp nâng cao trải nghiệm du khách và thúc đẩy quảng bá.

Trong nông nghiệp, các mô hình canh tác thông minh, truy xuất nguồn gốc bằng blockchain, phân tích dữ liệu lớn để tối ưu sản lượng, tiết kiệm tài nguyên là xu hướng tất yếu. Đặc biệt, lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu quản lý bằng các nền tảng IoT và dữ liệu thời gian thực.

100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận được phủ sóng internet băng rộng, tốc độ truy cập trung bình đạt 80 Mb/s.

Hoàn thành kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng đến cấp xã, hỗ trợ hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ đến 100 triệu đồng/năm để thuê, mua giải pháp chuyển đổi số...

Mới đây, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và thực hiện hiệu quả Đề án 06 về phát triển dữ liệu dân cư và định danh điện tử, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo do Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Hữu Huy làm Trưởng ban.

Đây được xem là bước đi chiến lược, thể hiện quyết tâm chính trị cao của tỉnh trong việc hiện đại hóa nền hành chính và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng số hóa, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu, phát triển hạ tầng số

Tỉnh ủy Bình Thuận xác định, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 sẽ thuộc nhóm 20 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, với kinh tế số đóng góp ít nhất 30% GRDP, năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp trên 50% tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt trên 80%, giao dịch không dùng tiền mặt cũng đạt tỷ lệ tương tự.

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, chương trình hành động của tỉnh nhấn mạnh vai trò nêu gương, chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu các cấp. Theo đó, các cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong việc ứng dụng công nghệ, thay đổi tư duy, cách làm; tạo khí thế đổi mới sâu rộng trong toàn xã hội. Đồng thời, tỉnh yêu cầu rà soát, bố trí cán bộ có chuyên môn công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật vào cấp ủy các cấp để tham mưu và triển khai hiệu quả các chương trình công nghệ và số hóa.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đỗ Hữu Huy khẳng định: Khoa học, công nghệ và chuyển đổi số là nền tảng để Bình Thuận phát triển nhanh, bền vững. Chúng tôi đặc biệt coi trọng việc phát triển hạ tầng số đồng bộ, an toàn, hiệu quả và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao. Trong đó, người dân và doanh nghiệp là trung tâm và là động lực của mọi tiến trình chuyển đổi.

Song song đó, tỉnh tích cực hợp tác với các viện, trường, tổ chức quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực, nhất là trong các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT)… Các chính sách thu hút nhân tài, khen thưởng nhà khoa học, nhà sáng chế, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cũng được triển khai quyết liệt, linh hoạt theo thẩm quyền.

Trong thời gian tới, Bình Thuận sẽ đẩy nhanh việc xây dựng và hoàn thiện Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của tỉnh, phát triển trung tâm giám sát an ninh mạng để bảo vệ dữ liệu số cá nhân và tổ chức. Cùng với đó, tỉnh cũng đang tích cực triển khai tích hợp, kết nối cơ sở dữ liệu dùng chung giữa các ngành, lĩnh vực với cơ sở dữ liệu quốc gia, hướng đến xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch, phục vụ hiệu quả hơn cho người dân, doanh nghiệp./.

MINH ANH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/khoa-hoc-cong-nghe-va-chuyen-doi-so-dot-pha-chien-luoc-cua-binh-thuan-40129.html
Zalo