TS Nguyễn Đình Cung: Cần bỏ quy định chấp thuận chủ trương đầu tư

Chấp thuận chủ trương đầu tư là một thủ tục hành chính không có mục tiêu quản lý rõ ràng, không phù hợp với cơ chế thị trường và vi phạm quyền tự do kinh doanh, gây ra nhiều tác động bất lợi đối với môi trường kinh doanh; rất cần được sớm bãi bỏ.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung trao đổi với Tuần Việt Nam xung quanh Nghị quyết 68 của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân.

Mỗi năm phải có thêm 200.000 doanh nghiệp

Nghị quyết 68 đặt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp đến năm 2030. Nghị quyết 10 năm 2017 đã đặt ra mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020 và 1,5 triệu doanh nghiệp sau đó, nhưng rồi không đạt được. Đến nay, Việt Nam mới chỉ có 940.000 doanh nghiệp. Làm sao có thêm 1 triệu doanh nghiệp trong 5 năm nữa, thưa ông?

TS Nguyễn Đình Cung: Mục tiêu đặt ra đến năm 2030 là có 2 triệu doanh nghiệp, có nghĩa là chưa đầy 5 năm tới, cả nước sẽ phải có thêm 1 triệu doanh nghiệp hoạt động.

Như vậy, trung bình mỗi năm chúng ta phải có thêm 200.000 doanh nghiệp. Tôi hình dung, để đạt được con số đó, tốc độ tăng trưởng số lượng doanh nghiệp phải là 20% trong năm thứ nhất, 16% năm thứ hai, 14% năm thứ ba và 10% vào năm 2030. Vấn đề là tốc độ tăng trưởng số doanh nghiệp đăng ký hiện chỉ khoảng 3–4%, thậm chí có năm còn âm.

Tôi cho rằng, để có thêm 200.000 doanh nghiệp mỗi năm, việc cần làm đầu tiên là cải thiện triệt để thủ tục thành lập doanh nghiệp. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, môi trường kinh doanh phải tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả mọi người, mọi doanh nghiệp cùng tham gia vào sản xuất, kinh doanh, tạo ra sản phẩm cho xã hội; môi trường đó phải thực sự thuận lợi và bảo đảm an toàn cho hoạt động kinh doanh, đầu tư.

Để có thêm 200.000 doanh nghiệp mỗi năm, việc cần làm đầu tiên là cải thiện triệt để thủ tục thành lập doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Hà

Để có thêm 200.000 doanh nghiệp mỗi năm, việc cần làm đầu tiên là cải thiện triệt để thủ tục thành lập doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Hà

Tôi đề nghị, trong kế hoạch hành động, Chính phủ cần giao nhiệm vụ cho một bộ cụ thể, gắn với trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu trong việc thực hiện mục tiêu; có đánh giá kết quả thực hiện theo tháng, theo quý, sáu tháng và hàng năm.

Mỗi năm có thêm 200.000 doanh nghiệp, nghĩa là mỗi tháng phải có thêm khoảng 17.000 doanh nghiệp. Bộ được giao nhiệm vụ cũng cần nắm được ngay số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là ít hay nhiều, tăng hay giảm, và vì lý do gì. Từ đó, bộ này cần có giải pháp thúc đẩy hoặc tháo gỡ ngay.

Tóm lại, cần một gói giải pháp tổng thể nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất – kinh doanh, tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai, tiếp cận khoa học – công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm...

Đề xuất tổ công tác đặc biệt

Chủ trương của Đảng là ngay trong năm 2025 phải cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo. Làm sao để loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân, thưa ông?

Rà soát điều kiện kinh doanh (ĐKKD) – ai sẽ làm việc này? Liệu các bộ có thực sự làm không? Nếu mục tiêu là giảm 30% tổng chi phí, thì cần bãi bỏ bao nhiêu thủ tục hành chính để đạt được mức giảm đó?.

Cần tập hợp tất cả các rào cản mà doanh nghiệp đang gặp phải như hoàn thuế VAT và nhiều thủ tục khác. Năm nay, cần xử lý dứt điểm các rào cản mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu. Nếu làm được điều này thì sẽ là một khởi đầu quan trọng, thể hiện sự khác biệt giữa “có” và “không có” nghị quyết.

Nếu không ai rà soát thì sẽ không thực hiện được. Các bộ tự rà soát thì khó đảm bảo tính triệt để. Giả sử đã làm xong, cần biết tổng số ĐKKD hiện có là bao nhiêu, chi phí liên quan là bao nhiêu. Nếu kết quả không đạt kỳ vọng thì sẽ xử lý ra sao?

TS Nguyễn Đình Cung: Tôi rất ấn tượng với chủ trương phân định rõ ràng giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, dân sự

TS Nguyễn Đình Cung: Tôi rất ấn tượng với chủ trương phân định rõ ràng giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, dân sự

Tôi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nên thành lập một tổ công tác đặc biệt với thành phần chủ yếu là các chuyên gia độc lập, có kinh nghiệm, có trải nghiệm, có tâm huyết và có kiến thức trong cải cách pháp luật, cải cách thể chế. Tổ này cũng cần có sự tham gia của đại diện doanh nghiệp, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện việc rà soát. Có như vậy, năm 2025 mới có thể hoàn tất yêu cầu rà soát tất cả các quy định về điều kiện kinh doanh.

Việc này rất quan trọng, vì để thực hiện được mục tiêu bãi bỏ 30% điều kiện kinh doanh, giảm 30% chi phí tuân thủ, thì trước tiên phải xác định rõ "30% của con số nào".

Các nhiệm vụ tương ứng khác cũng nên được thực hiện theo cách tương tự, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Có như vậy mới đảm bảo được tiến độ nhanh, sự nhất quán, đầy đủ, quyết liệt – và như vậy mới có thể đạt được mục tiêu đã đề ra.

"Không hình sự hóa" là chủ trương cực kỳ ấn tượng

Ngoài chủ trương “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng”, ông còn ấn tượng với chủ trương nào nữa không?

Tôi rất ấn tượng với chủ trương phân định rõ ràng giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, dân sự – hay nói cách khác là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Nghị quyết lần này đề cập khá đầy đủ, cụ thể, với những yêu cầu và giải pháp rõ ràng về một vấn đề vốn rất nhạy cảm.

Doanh nghiệp (DN) lâu nay kinh doanh luôn mang nỗi lo rủi ro pháp lý – không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong hệ thống pháp luật hiện nay, doanh nghiệp không được tự do kinh doanh hoàn toàn mà phải “kinh doanh theo quy định”. Điều này làm triệt tiêu sự sáng tạo. Các quy định lại nằm rải rác ở nhiều luật khác nhau, vừa chồng chéo, vừa mâu thuẫn. Nhiều khi tuân thủ luật này lại vi phạm luật khác. Quy mô DN càng lớn, nguy cơ rủi ro càng cao. Một trong những rủi ro lớn nhất là bị coi là “kinh doanh trái quy định”, dẫn đến truy cứu hình sự.

Việc bị truy cứu hình sự không chỉ khiến DN mất tài sản mà còn mất cả sự nghiệp, ảnh hưởng không chỉ đến cá nhân mà còn đến gia đình, người thân, khiến người kinh doanh luôn sống trong tâm lý lo sợ.

Vấn đề này đã được Đảng nhận thấy từ trước và từng được đề cập trong Nghị quyết số 43 về đội ngũ doanh nhân. Tuy nhiên, lần này nó được thể hiện cụ thể và rõ ràng hơn bao giờ hết. Tinh thần ưu tiên khắc phục hậu quả về kinh tế thay vì xử lý hình sự là điều mà cộng đồng doanh nghiệp từ lâu đã mong chờ.

Trong những trường hợp có thể áp dụng luật để xử lý hình sự, cần có ranh giới rõ ràng để lựa chọn không xử lý hình sự. Điều này giúp giảm đáng kể áp lực. Khi xem xét xử lý hình sự, cần ưu tiên giải pháp kinh tế trước, sau đó mới cân nhắc đến truy cứu hình sự. Đây là điểm rất quan trọng, tạo cơ hội cho những người từng mắc sai lầm có thể làm lại từ đầu.

Việc phân biệt rõ giữa thể nhân và pháp nhân – tức là giữa giám đốc và doanh nghiệp cũng rất đáng lưu ý. Nếu giám đốc vi phạm thì đó là trách nhiệm cá nhân, không nên kéo theo trách nhiệm của cả doanh nghiệp. Việc niêm phong tài sản nên áp dụng với tài sản cá nhân, không nên niêm phong toàn bộ tài sản hay trụ sở của doanh nghiệp. Không thể để tồn tại tình trạng niêm phong cả nhà máy chỉ để làm vật chứng.

Về phân biệt chủ thể, cần xác định rõ đâu là tài sản hợp pháp và đâu là tài sản có nguồn gốc từ vi phạm, tránh việc kê biên toàn bộ tài sản. Điều này sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại cho cá nhân và doanh nghiệp. Những quy định mới như vậy mang lại sự an tâm rất lớn cho doanh nhân trong quá trình hoạt động.

Hiện nay, vẫn còn nhiều doanh nghiệp không muốn mở rộng quy mô vì sợ rủi ro – những người đang sở hữu vài chục hay vài trăm triệu USD tài sản thường không muốn dấn thân thêm. Nhưng Nghị quyết lần này đã mở ra cơ hội để doanh nhân yên tâm mở rộng và phát triển.

Thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư” đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với nhà đầu tư nói riêng và môi trường kinh doanh nói chung. Ảnh: Nguyễn Huế

Thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư” đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với nhà đầu tư nói riêng và môi trường kinh doanh nói chung. Ảnh: Nguyễn Huế

Hệ thống pháp luật kinh doanh: 8 “không”

Nhưng nếu doanh nghiệp, doanh nhân tuân thủ đúng pháp luật thì có gì phải lo?

Yêu cầu đầu tư, kinh doanh đúng theo quy định của pháp luật đã hạn chế quyền tự do kinh doanh, không chỉ kìm hãm mà còn có thể triệt tiêu đổi mới sáng tạo, và đặc biệt là làm gia tăng nguy cơ bị hình sự hóa.

Hệ thống pháp luật của nước ta có quá nhiều tầng nấc (luật, nghị định, thông tư,...) và thực tế cho thấy có nhiều quy định chồng chéo, trùng lặp nội dung, thiếu rõ ràng, thiếu cụ thể – có thể bị hiểu và áp dụng theo nhiều cách khác nhau bởi các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền.

Đúng như đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đã phát biểu tại phiên họp ngày 2/6/2022: “Hiện nay nhiều người cho rằng, bây giờ làm việc gì cũng sợ sai; làm xong rồi cũng không biết có sai hay không; sai cũng không biết sai ở đâu; và thậm chí không làm gì cũng có thể bị cho là sai phạm”.

Tức là do thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” mà Tổng Bí thư đã thẳng thắn chỉ ra?

Hệ thống pháp luật kinh doanh thiếu rõ ràng, thiếu cụ thể, không hợp lý, thiếu minh bạch, không thể tiên liệu trước được; lại chồng chéo, trùng lặp, thậm chí mâu thuẫn nhau. Tư duy xây dựng pháp luật vẫn thiên về quản lý là chủ yếu, “không quản được thì cấm”, năng lực cơ quan nhà nước đến đâu thì cho người dân, doanh nghiệp làm đến đó… Hệ quả là pháp luật buộc doanh nghiệp phải kinh doanh đúng quy định, chỉ được làm những gì cơ quan nhà nước cho phép, trong phạm vi hiểu biết và năng lực quản lý của cơ quan quản lý nhà nước liên quan.

Nhiều quy định trong các luật, nghị định bó buộc doanh nghiệp tư nhân không được làm tốt hơn, hay hơn, hiệu quả hơn nếu chưa có quy định hoặc chưa được cơ quan nhà nước cho phép. Nếu làm mà chưa được phép thì bị xem là “làm trái” hoặc “không đúng quy định pháp luật”.

Điều này khiến doanh nghiệp tư nhân khó đổi mới sáng tạo, không có nhu cầu nghiên cứu – phát triển, không có động lực tích lũy nguồn lực, năng lực nghiên cứu – phát triển, tiếp nhận, nắm bắt và làm chủ công nghệ...

Đó là chưa kể đến các ảnh hưởng, tác động tiêu cực của tình trạng thân hữu, doanh nghiệp “sân trước, sân sau”… trong toàn bộ thể chế và quá trình phân bổ nguồn lực, làm xói mòn văn hóa và đạo đức kinh doanh.

Cần xử lý dứt điểm các rào cản mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu. Nếu làm được sẽ là một khởi đầu quan trọng, thể hiện sự khác biệt giữa “có” và “không có” nghị quyết. Ảnh: Hoàng Hà

Cần xử lý dứt điểm các rào cản mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu. Nếu làm được sẽ là một khởi đầu quan trọng, thể hiện sự khác biệt giữa “có” và “không có” nghị quyết. Ảnh: Hoàng Hà

Tác động tiêu cực

Báo cáo thẩm tra “một luật sửa bảy luật” của Ủy ban Kinh tế – Tài chính ngày 24-4 cho biết có ý kiến đề nghị Chính phủ rà soát để bãi bỏ bớt ngành nghề cấm và đầu tư kinh doanh có điều kiện; nghiên cứu bãi bỏ thủ tục đầu tư (chấp thuận chủ trương và cấp giấy chứng nhận đầu tư), chỉ giữ lại chính sách ưu đãi đầu tư, danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và hạn chế gia nhập thị trường. Đây chính là Luật Đầu tư. Ông nghĩ sao về đề nghị này?

Nhà đầu tư hiện vẫn đang bị quản lý theo từng dự án đầu tư thông qua thủ tục hành chính gọi là “chấp thuận chủ trương đầu tư”. Thủ tục này được định nghĩa là “việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn thực hiện dự án, nhà đầu tư và hình thức lựa chọn nhà đầu tư, cũng như các cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) để thực hiện dự án đầu tư”.

Như vậy, Nhà nước đang quản lý cả mục tiêu, địa điểm, quy mô và nhà đầu tư của từng dự án cụ thể. Cách quản lý này đi ngược lại nguyên tắc cơ bản của tự do kinh doanh và cơ chế thị trường, theo đó: “sản xuất cái gì, sản xuất bao nhiêu, sản xuất ở đâu và như thế nào là do thị trường, tức là do nhà đầu tư quyết định”.

Thực tế cho thấy, thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư” này đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với nhà đầu tư nói riêng và môi trường kinh doanh nói chung: Tốn kém thời gian, chi phí; Phải nhiều lần bổ sung, điều chỉnh, nhất là về quy mô, tiến độ và thời hạn thực hiện; Gây thêm rủi ro cho nhà đầu tư nếu có thay đổi so với chủ trương đã được phê duyệt; Hạn chế đổi mới sáng tạo và làm mờ mục tiêu quản lý.

Chẳng hạn, ngay trong hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư, có yêu cầu doanh nghiệp phải nộp tài liệu chứng minh năng lực tài chính, trong đó có thể bao gồm “báo cáo tài chính hai năm gần nhất”. Điều này có nghĩa là nhà đầu tư phải tồn tại ít nhất hai năm.

Như vậy, các doanh nghiệp tư nhân mới thành lập trong vòng hai năm đương nhiên không đủ điều kiện đầu tư, thậm chí không đủ điều kiện lập hồ sơ, chứ chưa nói đến việc được chấp thuận.

Còn rất nhiều quy định và thủ tục hoàn toàn mang tính “hành chính – xin-cho”, không có mục tiêu quản lý rõ ràng, can thiệp hành chính sâu vào hoạt động đầu tư – kinh doanh, gây lãng phí nguồn lực và tạo nút thắt thể chế trong huy động, phân bổ và sử dụng vốn.

Vậy chấp thuận chủ trương đầu tư để làm gì, thưa ông?

Thủ tục này không thay thế được quản lý về đánh giá tác động môi trường; không thay thế được giấy phép xây dựng và kiểm soát chất lượng công trình; cũng không thay thế được các thủ tục tiếp cận đất đai cho dự án đầu tư.

Tóm lại, chấp thuận chủ trương đầu tư là một thủ tục hành chính không có mục tiêu quản lý rõ ràng, không thay thế được các thủ tục cần thiết khác, không phù hợp với cơ chế thị trường, vi phạm quyền tự do kinh doanh, gây nên nhiều tác động bất lợi đối với môi trường đầu tư – kinh doanh. Rất cần được sớm bãi bỏ.

Tư Giang

Lan Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ts-nguyen-dinh-cung-can-bo-quy-dinh-chap-thuan-chu-truong-dau-tu-2399592.html
Zalo