ĐBQH đề nghị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với túi nilon, ống hút, cốc nhựa dùng một lần
Trong phiên thảo luận về dự Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi diễn ra ngày 9/5, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến về việc đánh thuế lên túi nilon, ống hút và cốc nhựa dùng một lần.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, cho biết, mỗi ngày các bà nội trợ thường mang về ít nhất 10 túi nilon. Với hệ thống xử lý rác hiện nay chủ yếu là chôn lấp, bà ước tính phải mất gần 100 năm mới có thể phân hủy hết các loại rác thải nhựa này.
Bà Lệ Thủy nhận định rằng, khi các địa phương phải tự chi ngân sách cho việc xử lý chất thải rắn, trong đó bao gồm bao bì nhựa, thì đây là hiện tượng gây lãng phí tài chính và trái với nguyên tắc "người gây ô nhiễm trả tiền".
Theo bà, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với các sản phẩm nhựa dùng một lần không chỉ giúp tiết kiệm ngân sách mà còn có tác dụng điều chỉnh hành vi tiêu dùng, hướng tới phát triển bền vững.

ĐBQH cho biết mỗi ngày các bà nội trợ thường mang về ít nhất 10 túi nilon.
Theo lộ trình giảm thiểu nhựa của Việt Nam, được ghi nhận tại Nghị định 08/2022, UBND các tỉnh sẽ phải triển khai các biện pháp quản lý rác thải nhựa một cách triệt để.
Cụ thể, sau năm 2025, việc lưu hành và sử dụng túi nilon cùng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn và khu du lịch sẽ bị hạn chế, hướng tới mục tiêu dừng sản xuất và nhập khẩu đồ nhựa dùng một lần sau năm 2030.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Minh Tâm – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, trong bối cảnh thói quen sử dụng túi nilon vẫn phổ biến, nếu không áp dụng chế tài đủ mạnh, các cam kết về bảo vệ môi trường sẽ khó thực hiện. Việc đưa túi nilon và các loại đồ nhựa dùng một lần vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ góp phần thay đổi thói quen sử dụng của người dân và giảm thiểu phát thải gây ô nhiễm.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, cũng khẳng định, ô nhiễm do rác thải nhựa đang là vấn đề cấp bách đối với Việt Nam. Áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này sẽ thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào các giải pháp thân thiện với môi trường và thay đổi hành vi tiêu dùng theo xu hướng quốc tế. Tuy nhiên, bà cũng đề nghị xây dựng một lộ trình chuyển đổi hợp lý để doanh nghiệp và người dân có thời gian thích ứng.
Trong phần giải trình, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, các ý kiến của đại biểu sẽ được cơ quan soạn thảo tiếp thu và rà soát. Hiện tại, các sản phẩm nhựa dùng một lần đã bị đánh thuế ở mức cao nhất là 40.000 đồng/kg.
Dự luật về thuế tiêu thụ đặc biệt này được dự kiến sẽ được Quốc hội biểu quyết và thông qua vào ngày 13/6.