GDP Mỹ giảm – vì sao?

GDP quí 1-2025 của Mỹ giảm 0,3% trong khi quí 4-2024 vẫn còn tăng 2,4%, theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ. Điều đáng chú ý là có nhiều lý giải cho mức giảm này.

Nợ công Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden tăng lên 99% GDP. Ảnh: Reuters

Nợ công Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden tăng lên 99% GDP. Ảnh: Reuters

Thông báo của Bộ Thương mại Mỹ giải thích: “Việc sụt giảm GDP trong quí 1 phản ánh mức tăng nhập khẩu, mức giảm tốc của chi tiêu cho tiêu dùng và sự suy giảm trong chi tiêu của chính phủ”. Người ta thường tính GDP bằng cách cộng chi tiêu của người dân, tổng đầu tư, chi tiêu của chính phủ và mức xuất khẩu ròng (tức lấy xuất khẩu trừ đi nhập khẩu). Trong quí 1, nhập khẩu vào Mỹ tăng vọt vì doanh nghiệp tăng cường tích trữ hàng hóa, đề phòng thuế tăng đột ngột. Tin tức về mức tăng trưởng GDP âm làm giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán sụt mạnh.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đổ lỗi cho người tiền nhiệm, ông Joe Biden. Trên mạng xã hội Truth Social, ông viết: “Đây là thị trường chứng khoán của Biden chứ không phải của Trump. Đất nước chúng ta sẽ bùng phát nhưng chúng ta phải loại trừ ảnh hưởng còn rơi rớt lại của Biden. Sẽ mất một chút thời gian (nhưng) không liên quan gì đến thuế”.

Cố vấn kinh tế của ông Trump, Peter Navarro trả lời phỏng vấn CNBC, cũng gán sự suy giảm GDP cho hoạt động nhập khẩu tránh thuế. “Khi ta có dòng nhập khẩu đột biến như thế này, nó sẽ kéo tăng trưởng GDP xuống cỡ chừng 5%”. Ông này vẫn tỏ ra lạc quan: “Nhưng tình hình quí tiếp theo sẽ không như thế”. Nhập khẩu của Mỹ tăng đến 41,3% trong quí 1-2025.

Trong khi đó tờ New York Times lại cho rằng mức sụt giảm GDP quí 1 là do các vấn đề kỹ thuật trong tính toán chứ những thông tin đáng tin cậy hơn về chi tiêu của người dân, đầu tư của doanh nghiệp cho thấy GDP quí 1 vẫn tăng chứ không thu hẹp lại. Đó là bởi theo tờ báo này, người tiêu dùng đổ xô mua xe hơi, hàng tiêu dùng… trước khi thuế tăng và doanh nghiệp cũng vậy, đã bỏ tiền ra mua thiết bị, linh kiện, nguyên liệu để dự trữ vì sợ sau này giá sẽ tăng. Tuy nhiên tờ báo này dự báo sang các quí tới, mức tiêu dùng và đầu tư sẽ giảm mạnh khi thuế làm giá cả tăng và tình hình bất ổn làm doanh nghiệp ngưng đầu tư để nghe ngóng.

Một số nhà phân tích cho rằng nhập khẩu tăng vọt có thể lý giải cho sự sụt giảm GDP nhưng chỉ trong tạm thời. Hàng nhập vào Mỹ sẽ chảy vào tiêu dùng hay đầu tư nên trước sau gì cũng đóng góp vào tăng trưởng GDP chứ không gây ra suy giảm. Họ cho rằng khi dữ liệu được tập hợp đầy đủ hơn, rất có thể các thống kê sẽ chỉnh sửa số liệu hàng tồn kho cao hơn hoặc đưa mức tăng hàng tồn kho sang quí 2-2025.

Một phân tích khác cho rằng số liệu GDP quí 1 cho thấy hai bức tranh tương phản của nền kinh tế Mỹ. Một bên cho thấy nền kinh tế vẫn rất bền vững vì mua sắm nội địa vẫn mạnh, có thể chống chọi các bất ổn do thuế. Bên kia cho rằng động cơ tiêu dùng của Mỹ đã tăng tốc mạnh trong quí 1 nhưng vẫn không đỡ nổi sự sụt giảm trong tăng trưởng GDP. Cũng nhà tư vấn kinh tế Navarro nói với CNBC: “Khi ta lột bỏ hàng tồn kho và tác động tiêu cực của mức tăng đột biến hàng nhập khẩu vì thuế thì GDP tăng đến 3%”.

Đáng chú ý, tờ Economist lại chạy tít: “Đừng đổ lỗi nhập khẩu lên sự sụt giảm GDP của Mỹ”. Sở dĩ có tít này vì tờ báo cho rằng những người theo trường phái Trumponomics nay lại có cớ nói chính thâm hụt thương mại là xấu cho tăng trưởng. Nhưng tờ báo lập luận, cho dù nhập khẩu đúng là đã tăng vọt, đến 41%, không thể lấy đó làm căn cứ giải thích cho sự sụt giảm GDP. Cũng giống phân tích của các nhà kinh tế ở trên, Economist cho rằng nếu doanh nghiệp tích trữ hàng nhập khẩu, nó sẽ được tính là đầu tư; nếu người tiêu dùng vội vàng đi mua quần jean hay máy rửa chén nhập khẩu trước khi thuế tăng, nó sẽ được tính thành chi tiêu cá nhân. Mức tăng nhập khẩu do đó vừa có tác động làm giảm, vừa làm tăng GDP nên thật ra không có tác động gì cả.

Tờ Economist đặt câu hỏi, thế vì sao GDP Mỹ giảm trong quí 1? Có lẽ do vấn đề thống kê - hàng tồn kho và tiêu dùng cá nhân khó theo dõi hơn là số liệu nhập khẩu, thường có độ trễ trong thống kê. Cơ quan thống kê Mỹ lấy số liệu xuất, nhập khẩu trực tiếp từ hải quan; còn số liệu đầu tư và tiêu dùng phải tính gián tiếp có khi bằng phỏng đoán và khảo sát. Cũng có thể dân Mỹ muốn phòng ngừa thuế nhập khẩu nên đã giảm mua hàng nội địa, chuyển sang mua hàng nhập khẩu khi giá chưa tăng - xu hướng này cũng có thể làm méo số liệu. Tờ báo này cho rằng quí 2 sẽ có sự hồi phục do những yếu tố này nhưng chưa biết lúc đó tác động của chính sách thuế sẽ theo hướng nào.

Nguyễn Vũ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/gdp-my-giam-vi-sao/
Zalo