Nghệ thuật sống tỉnh thức giữa bão táp truyền thông

Với chủ đề 'Sống trong bão táp truyền thông', tác giả Nguyễn Tường Bách và Trần Lê Sơn Ý đã cùng MC Quốc Khánh mổ xẻ câu chuyện truyền thông, những giá trị, mặt trái và cách vượt qua cơn 'nghiện online'.

TS Nguyễn Tường Bách cho biết, từ ngàn xưa, tri thức được truyền khẩu, sau đó phát triển thành văn tự, nhưng kể từ khi có công nghệ in ấn, truyền thông mới phát triển mạnh. Đặc biệt, khi công nghệ ngày càng phát triển, con người dễ dàng tiếp nhận thông tin và "đây là thời kỳ mà con người bị ngộp trong biển thông tin, cần có bộ lọc để tránh bị ngộ độc”.

TS Nguyễn Tường Bách (phải) chia sẻ. Ảnh: Đình Long

TS Nguyễn Tường Bách (phải) chia sẻ. Ảnh: Đình Long

Đồng tình với góc nhìn này, nhà văn Trần Lê Sơn Ý cho rằng, thế giới loài người đang khủng hoảng thừa thông tin, đặc biệt là tin rác kém chất lượng. Nữ nhà văn, nhà báo Sơn Ý nói, con người đang bị dẫn dắt và cần khả năng phán đoán để có thể “gạn đục khơi trong”.

"Nghiện online" theo TS Bách là một bệnh lý nghiêm trọng có thể khiến con người gặp nhiều hệ lụy khác, đặc biệt, với tính nặc danh của người dùng mạng xã hội, những tâm ý xấu, “những con quái thú” trong mỗi người có cơ hội bộc lộ, trở thành mối nguy cho cộng đồng khi tiếp xúc, tiếp nhận.

Nhà văn cũng là nhà khoa học sống tại Đức nhận định, tham gia mạng xã hội, con người có xu hướng tự đánh bóng khiến cộng đồng nghĩ rằng ai cũng đẹp, cũng thành công, còn mình yếu kém. TS Nguyễn Tường Bách cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân đưa đến trầm cảm và là nguồn cơn của vấn nạn tự tử.

TS Nguyễn Tường Bách gợi ý 3 cách để kéo con người ra khỏi sự chết ngộp trong online, mạng xã hội, bên cạnh quăng mình vào thiên nhiên, nghệ thuật và thể thao là 2 khía cạnh tinh thần, thể chất có thể giúp cân bằng cuộc sống, mang tới niềm hỷ lạc bền chắc.

Nhà văn Trần Lê Sơn Ý (giữa) nói, kết nối con người với con người là quan trọng nhất. Ảnh: Đình Long

Nhà văn Trần Lê Sơn Ý (giữa) nói, kết nối con người với con người là quan trọng nhất. Ảnh: Đình Long

Trong khi đó, nhà văn Trần Lê Sơn Ý cho rằng tình thương, mối quan hệ tình cảm sâu sắc giữa con người với người, giữa các thành viên và đặc là trở về với chính mình chính là một cách thoát ra bão truyền thông, mạng xã hội.

Nữ nhà văn nói vui, “bạn bè tôi lâu ngày gặp lại đều bảo, ai rồi cũng tu”. Theo chị, việc tu ở đây chính là trở về tự chữa lành bằng cách hòa giải với bản thân, các mối quan hệ thân gần và hóa giải các xung đột tự thân, ham muốn bản năng với lý trí, giá trị đạo đức của con người.

TS Nguyễn Tường Bách nhấn mạnh, đạo lý con người là sợi chỉ đỏ để giữ gìn phẩm giá, giúp con người không rơi vào mê đắm, biến mình thành chiếc máy. Trong thời đại mà trí tuệ nhân tạo có thể hiểu con người nhanh chóng, việc trở lại hiểu mình, tìm thấy giá trị bản thân, bản thể hạnh phúc sẵn có là con đường tất yếu.

Buổi giao lưu "Sống trong bão táp truyền thông" với 2 tác giả Nguyễn Tường Bách và Trần Lê Sơn Ý do PhanBook tổ chức. Ảnh: Đình Long

Buổi giao lưu "Sống trong bão táp truyền thông" với 2 tác giả Nguyễn Tường Bách và Trần Lê Sơn Ý do PhanBook tổ chức. Ảnh: Đình Long

Trước rất nhiều băn khoăn chung của thời đại mà “bão truyền thông” đang cuồng nộ khắp toàn cầu, cả hai nhà văn đều thống nhất việc về neo lòng mình bằng sự tỉnh thức. Sống chung với bão cần kỹ năng và độ sâu sắc để có thể dừng phản ứng, tăng yêu thương…

Nguyễn Tường Bách là tác giả nhiều tập truyện ngắn, du ký, tiểu luận nổi tiếng như Mùi hương trầm, Mộng đời bất tuyệt, Đường rộng thênh thang,… Ông là tiến sĩ kỹ thuật, cũng là dịch giả của Con đường mây trắng, Đạo của vật lý… Còn Trần Lê Sơn Ý sở hữu tập thơ Con ngạt thở tình cờ, các tập tản văn như Sao con hỏi mà con kiến không trả lời, Yêu thương là tự do, Thương một tình thương

Lưu Đình Long

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nghe-thuat-song-tinh-thuc-giua-bao-tap-truyen-thong-2361785.html
Zalo