Hương xuân chưa phai

Ngoại nói với tôi, dù tuổi ngoại đã cao, sức ngoại đã yếu, song ngoại vẫn còn 'ham' Tết lắm!

Ngoại nói với tôi, dù tuổi ngoại đã cao, sức ngoại đã yếu, song ngoại vẫn còn “ham” Tết lắm!

Tôi cười: - Con nghe người ta nói, càng lớn lên, người ta càng thấy Tết bình thường, chẳng còn thú vị như khi người ta còn nhỏ. Vậy mà ngoại vẫn thích Tết, nghĩ cũng lạ!

Ngoại cũng cười giòn giã, để lộ hàm răng đã rụng gần hết:

- Cha mày! Già thì già chứ Tết ngoại vẫn ham. Ngoại còn mấy lần đón Tết nữa đâu?

Nghe ngoại nói vậy, tự dưng tôi buồn ngang xương. Mấy lần ngoại hỏi tôi:

- Lài, chừng nữa ngoại không còn, con ở với ai?

Tôi nhìn ngoại đăm đăm, mắt tôi từ từ trĩu xuống, lòng buồn miên man. Lạc giọng. Tôi lắc đầu:

- Con không biết. Ngoại, ngoại sống hoài với con, nghen ngoại!

Tôi nói, gần như năn nỉ, dù biết quy luật cuộc sống mình không thể nào thay đổi được. Sinh, lão, bệnh, tử là chuyện hiển nhiên của cuộc đời, ai rồi cũng phải trải qua. Như cái cây, cọng cỏ cũng phải chịu như vậy. Sau mùa Tết thì đám sao nhái trước sân cũng lụi tàn dần dần, tôi tiếc đứt ruột cũng chẳng thể nào níu giữ sự sống của chúng nó được.

Tết với tôi vui lắm. Tôi tự hỏi lòng mình Tết có gì vui mà tôi lại thích. Chắc vì cái nắng vàng rực rỡ, cái ngọn gió se se thơm mùi hoa mai nở mỗi sớm ùa vào cửa nhà khi cánh cửa vừa bật mở, cái sắc hoa mai, hoa sao nhái thắp lửa trước hàng hiên... Chỉ vậy thôi! Còn với ngoại, Tết trong mắt ngoại như thế nào nhỉ?

- Ngoại nè, sao ngoại thích Tết ha?

Ngoại tôi cười móm mém:

- Ngoại thích Tết chỉ vì Tết thì đám con cháu mới sum vầy. Một năm xa cách, tao chỉ chờ đến giây phút đoàn viên...

Tôi mủi lòng quá. Không hiểu sao tự dưng tôi lại muốn ôm ngoại tôi mà khóc quá! Chắc vì tôi cũng mong hệt như ngoại, mong cho những người phương xa trở về đoàn tụ cùng gia đình, con cháu sum họp cùng ông bà, gia đình lúc nào cũng rôm rả tiếng cười, tiếng nói...

Tôi cứ đợi. Mỗi lần Tết đến, làng tôi lại xôn xao hẳn lên. Láng giềng tôi nhà nào cũng tưng bừng rộn rã từ trong ra ngoài, trẻ con tíu tít chạy xun xoe dưới bóng mát bụi tầm vông trước nhà. Tết tôi cũng ngồi ngoài thềm nhà trông trông ngóng ngóng, ngoại hỏi tôi làm gì mà cứ “ngóng cổ cò” ra sân hoài, tôi cười bảo đợi mai vàng nở rộ. Ngoại tôi ra chiều bĩu môi, đon đả đi vào trong bếp. Năm nào chú út tôi cũng về. Mấy năm trước, làng mất mùa, lại gặp bão to nên chú tôi quyết định đi làm ăn xa. “Chị hai mày đi rồi, mày định bỏ mẹ đi tiếp hả út?” - Câu nói của ngoại trước lúc chú tôi rời nhà cứ ám ảnh tôi hoài. Chú út cười xòa, ôm ngoại thật chặt rồi an ủi ngoại đừng buồn, chú út có đi luôn đâu, chú sẽ về sớm thăm ngoại và tôi, về sửa lại chái bếp bị gió xốc tơi tả, về sửa lại mấy chậu kiểng trước nhà sau mùa bão giông gãy đổ.

Chú tôi đi. Năm nào chú cũng về trước Ba mươi Tết hoặc muộn thì cũng trong đêm Ba mươi, trước khoảnh khắc giao thừa pháo nổ giòn rụm. Năm ngoái, chú tôi về trước lúc ngoại bày biện bánh mứt trên bàn thờ cúng tổ tiên, trời đất... Chú về cùng một giò lan hồ điệp trông đẹp và kiêu sa vô cùng. Có chú, căn nhà đỡ quạnh vắng hơn. Tâm lý của mấy đứa trẻ ở quê như tôi là vậy, thường có người xa trở về là háo hức, đến khi Tết sang, họ đi mình lại tiếc nuối, nhớ nhớ, thương thương...

Nhưng tôi không chỉ mong đợi chú út, bởi chú út đi rồi sẽ về. Tôi mong đợi mẹ tôi hơn, vì đã mấy mùa xuân qua mẹ tôi vẫn chưa về, có thể là mẹ sẽ đi biệt. Mấy lần ngoại nói với tôi ngoại nhớ mẹ tôi da diết, tôi giả vờ cứng rắn, bảo ngoại mẹ giờ ấm êm phần mẹ, chắc không lận đận như hai bà cháu tôi ở cái làng buồn tẻ chỉ vui mấy ngày Tết đến. Vậy mà mỗi lần nhớ đến mẹ, nhất là những ngày giáp Tết thấy ai cũng trở về đoàn tụ với gia đình, tôi lại chạnh lòng đến nỗi muốn bật khóc thật to cho vơi niềm nhung nhớ.

Với sự từng trải của mình, ngoại biết tôi buồn. Chiều bà cháu tôi xách nước tưới đám vạn thọ trước nhà, dưới làn nước mát lành, đám vạn thọ rung lên vì sảng khoái. Trong bóng chiều mùa xuân êm ả phủ lên miền quê yên bình, bà tôi thủ thỉ hỏi:

- Nhớ mẹ không Lài?

Tôi giật mình, nhìn ngoại, rồi tôi nhìn vào bóng chiều xuân lòa xòa trên ngọn tre cuối làng, thì thào:

- Nhớ, nhớ lắm, ngoại!

Ngoại tôi thở dài:

- Lâu rồi, từ ngày mẹ mày bỏ nhà đi... Trời ơi! Sao lại phải cực khổ như vậy? Ở xứ mình vẫn tốt hơn chứ!

Tôi không muốn nhớ nhưng không thể không nhớ được, buổi chiều mùa xuân mà mẹ rời khỏi làng đã trở thành vệt ký ức khắc sâu trong tâm trí tôi, nó khiến tôi nhói đau mỗi lần nhớ lại.

Ngày đó, sau Tết, khi những cánh mai vàng vẫn chưa kịp rụng hết xuống sân thì mẹ tôi đã xếp gọn quần áo, gội đầu cho tôi bằng bồ kết đen quánh cho thơm, hôn lên trán tôi rồi xách vali đi khỏi nhà trong tiếng gọi từ đằng sau của ngoại.

Người ta nói mẹ tôi là người của phố thị, bởi vậy mẹ không thể sống ở cái vùng quê tẻ nhạt, u buồn, quẩn quanh, tù đọng này. Dang dở trong chuyện tình yêu, mẹ tôi sinh tôi ra trong hoàn cảnh cơ cực khôn cùng. Bởi vậy, những vất vả, lận đận trong đời đã trở thành nỗi ám ảnh sâu đậm trong tâm trí mẹ.

Sống ở làng, cái làng tẹp hẹp nằm bên con sông rẽ nhánh chảy về muôn phương. Vậy mà mẹ tôi vẫn thích chưng diện cho đẹp rồi đi ra đi vào, người ngoài chợ khen dáng mẹ đẹp, thướt tha, yêu kiều, nói mẹ sống ở cái làng buồn hiu hắt này thì tiếc lắm. Mẹ tôi phải là người của phố thị! - Ý niệm đó vừa ghim sâu vào lòng mẹ, vừa trở thành nỗi lo lắng trong tôi.

Một chiều cuối xuân, mẹ đi. Ngoại khóc hết nước mắt. Mẹ nói lên thành phố làm ít tháng, kiếm chút tiền về mở tiệm tạp hóa để mấy mẹ con có việc làm, có cái ăn. Nhưng rồi mẹ đi luôn, tôi biết vậy, bởi mấy mùa xuân sau mẹ tôi không về. Hàng xóm bảo mẹ tôi sang nước ngoài lấy chồng để đổi đời, không thèm về cái làng buồn hắt hiu, khổ nghèo này nữa...

Tôi nghe mà bủn rủn tay chân. Tôi biết từ đây, chuyện gặp lại mẹ chỉ còn là một giấc mơ, một giấc mơ thôi!

Nhiều lần tôi gọi mẹ trong cơn mơ chập chờn. Tôi thấy mẹ bước lên chiếc xe ô tô sang trọng rồi chiếc xe vụt chạy đưa mẹ tôi khỏi làng... Tôi bật dậy. Bên tôi là ngoại. Ngoại đang ngủ say dưới ánh trăng mùa xuân rọi qua khe cửa sổ. Tôi ngắm ngoại ngủ, nửa vui, nửa sợ. “Lài, một ngày nào ngoại không còn, con ở với ai?” - Câu nói của ngoại cứ văng vẳng bên tai tôi, khiến tôi lo sợ.

Xuân này mẹ có về không? - Tôi tự hỏi lòng như thế, khi nhìn những cánh mai vàng trước sân đã bung xòe. Tết, vuông sân nhà tôi đẹp lắm, ngoại cứ ra ngắm hoài. Ngoại giờ cũng yếu hơn rồi, đôi lần phải chống gậy mới vững. Những đêm lạnh, ngoại cũng thường ho khan. Ngoại như cánh mai cuối mùa rung rinh trong gió dữ...

Tôi ngồi trước thềm nhà nhìn ra sân. Chú út đã về từ mấy hôm trước mang về cho ngoại và tôi bao nhiêu là quà bánh, lan hồ điệp. Tôi thích đám hồ điệp sặc sỡ trước hàng hiên. Thấy tôi ngồi chống tay lên hàm, chú trêu:

- Lài, Tết nhứt làm gì buồn so vậy con? Vui lên chứ!

Tôi giả vờ cười hề hà, nhưng lòng tôi như có gió. Nhớ mẹ, lo cho mẹ giờ này không biết lang bạt đến phương nào, có còn nhớ đến cái làng nhỏ này không...

Rồi mai vàng cũng bung xòe những búp hoa đẹp nhất, rực rỡ nhất để đón Tết. Sáng hôm ấy, khi nghe bên nhà láng giềng mở nhạc xuân vang rền và tiếng chặt thịt gà, thịt vịt đều đặn chuẩn bị cỗ Tết, tôi vào trong mặc bộ đồ đẹp có hoa cúc nhỏ xíu rải đều khắp trên mặt vải.

- Nay con đẹp, ra dáng thiếu nữ quá Lài! - Ngoại ngắm tôi, mắt sáng lên rồi khen làm tôi ngượng chín mặt.

- Con Lài càng lớn càng giống chị hai, mẹ ha! - Chú út tôi chêm vào.

Nụ cười trên môi ngoại tôi héo dần. Nhắc đến mẹ, ngoại tôi đầy nỗi thương niềm nhớ.

Tôi cắt ngang câu chuyện bằng việc đi đon đả ra ngoài sân, lại chỗ đống rơm vàng nhặt cái trứng gà con mái mơ vừa “cục ta cục tác” rồi đẻ bậy, nói vống:

- Con gà hư, Tết nhứt đi đẻ bậy!

Trong nhà, chú út tôi cười ríu ran. Còn tôi thì đang đăm đăm nhìn ra phía đường làng, phía con ngõ rẽ vào nhà có bụi tầm vông che mát, có đôi mai vàng khoe sắc mà tôi đã lấy vải đỏ cột dưới gốc từ chiều hôm trước cho đẹp. Ở đó, tôi thấy có người phụ nữ đã trải qua những biến động buồn vui trong đời nhưng mặt vẫn còn xuân sắc lắm! Mắt tôi nhòa nước, môi lắp bắp quay vào trong nhà định gọi ngoại ơi, nhưng ngoại đã đứng ở phía sau lưng tôi từ bao giờ. Ngoại cũng chan chứa nước mắt giống như tôi vậy!

- Lài ơi! Mẹ về rồi đây! Về với con, với ngoại rồi đây...

Những giọt nước mắt sóng sánh chảy xuống khuôn mặt người mẹ yêu dấu của tôi, khô nhanh trong nắng xuân dịu dàng ấm áp...

HOÀNG KHÁNH DUY

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/huong-xuan-chua-phai-150329.html
Zalo