Người đàn ông trẻ cấp cứu sau khi ăn lẩu, bác sĩ cảnh báo 2 điều
TRUNG QUỐC - Sau khi ăn lẩu, người đàn ông đi ra ngoài trời lạnh giá rồi đột ngột ngất xỉu, phải đi cấp cứu.
Trong những ngày rét, nhiều người thích quây quần cùng nhau thưởng thức lẩu. Nhưng ăn lẩu không đúng cách có thể gây ra sự cố sức khỏe cho chúng ta.
Mới đây, bác sĩ tim mạch Trần Quán Nhiệm (Trung Quốc) chia sẻ về một trường hợp phải nhập viện liên quan tới món lẩu. Sau khi ăn, người đàn ông đi ra ngoài trời rét buốt. Đột nhiên, anh ngã xuống đất, ngất xỉu. Khi tới phòng cấp cứu, bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp.
Bác sĩ Trần giải thích ăn lẩu giúp giữ ấm cơ thể nhưng người dân cần lưu ý 2 điều khi thưởng thức món ăn phổ biến vào mùa đông.
Thứ nhất, đừng ăn lẩu chứa quá nhiều muối và đường. Thực phẩm quá béo, quá mặn hoặc quá ngọt có thể dẫn đến huyết áp cao, lượng đường trong máu cao và lipid máu cao.
Thứ hai, sau khi ăn lẩu phải giữ ấm cơ thể trước khi ra khỏi phòng. Món ăn nóng khiến cơ thể có cảm giác ấm áp hơn, đặc biệt với những người uống thêm rượu. Bởi vậy, một số người chủ quan không mặc áo khoác khi ra ngoài. Bác sĩ Trần đã gặp nhiều trường hợp lên cơn đau tim do mặc phong phanh ra ngoài trời, có người chỉ hơn 30 tuổi. Chênh lệch nhiệt độ tức thời quá lớn có thể gây co thắt mạch máu, gây ra các tai nạn như đau tim và nhồi máu cơ tim. Đối với những người bị huyết áp cao và có thói quen hút thuốc, mạch máu mỏng manh, việc giữ ấm đầu và cổ càng quan trọng hơn.
Bác sĩ Trần Duệ Sinh (chuyên khoa phẫu thuật kinh) từng điều trị cho một người đàn ông trung niên bị đột quỵ sau khi ăn một bữa rất no với bạn bè và đi thẳng ra ngoài trời lạnh lẽo. Bác sĩ cho biết: “Ở cổ có những mạch máu lớn. Nếu chúng ta đi sang môi trường quá lạnh có thể khiến lưu lượng máu bị ảnh hưởng, nguy cơ dẫn tới đột quỵ”.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội, nhà dinh dưỡng học Cao Mẫn Mẫn đã chỉ ra rằng các trường hợp đột tử vào mùa đông thường liên quan đến việc "không giữ ấm cổ và tai đúng cách".
Để thưởng thức lẩu vừa ngon miệng vừa bảo vệ sức khỏe, bạn lưu ý những điều sau:
1. Chọn nước dùng nhẹ nhàng: Theo Healthxchange, hãy ưu tiên nước dùng thanh đạm như nước nấm hoặc cải thảo, ít muối và chất béo bão hòa hơn so với các loại nước lẩu cay đậm.
2. Ưu tiên nguyên liệu tươi: Chọn rau tươi, thịt nạc và hải sản thay vì các thực phẩm chế biến sẵn như cá viên hay bò viên, vốn chứa nhiều muối và chất bảo quản. Bổ sung đa dạng rau củ cung cấp chất xơ và dinh dưỡng thiết yếu.
3. Đảm bảo an toàn thực phẩm: Tách riêng thực phẩm sống và chín để tránh nhiễm khuẩn chéo. Sử dụng dụng cụ riêng biệt, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và đảm bảo mọi nguyên liệu được nấu chín hoàn toàn.
4. Hạn chế các thành phần nhiều chất béo và natri: Cẩn thận với nước chấm và nước lẩu chứa nhiều muối và chất béo. Chọn nước chấm thanh và tránh uống nhiều nước lẩu, đặc biệt loại cay đậm.
5. Ăn uống có kiểm soát: Ăn chậm, nhai kỹ để cơ thể nhận biết cảm giác no, tránh ăn quá nhiều. Cách thưởng thức này cũng hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn.