Cặp vợ chồng sống thọ trên 110 tuổi, thích nghe hát chèo mỗi ngày
Cụ ông Đặng Văn Tiền, cụ bà Nguyễn Thị Ngách cùng sống thọ trên 110 tuổi, nhưng vẫn minh mẫn, tự ăn uống, sinh hoạt và đặc biệt rất thích nghe hát chèo.
Trên đường dẫn chúng tôi vào nhà cụ ông Đặng Văn Tiền (114 tuổi) và cụ bà Nguyễn Thị Ngách (110 tuổi), chị Đặng Thị Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Hồng Quang, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương (cháu dâu của hai cụ) cho biết, hai cụ là cặp vợ chồng sống thọ nhất ở xã Hồng Quang.
Địa phương cũng có cụ sống trên 100 tuổi nhưng chỉ cụ ông hoặc cụ bà. Gia đình chị Nga rất hạnh phúc khi cả hai cụ cùng trường thọ với số tuổi xưa nay hiếm. Theo căn cước công dân, bước sang năm mới 2025, tuổi của hai cụ cộng lại là 224 tuổi.
Những hôm rảnh rỗi, chị Nga lại mua đồ ăn sáng cho hai cụ, hôm gói xôi, hôm bát cháo. Chị bảo, tuổi cao nhưng hai cụ sống rất tình cảm, chưa bao giờ to tiếng với nhau. Có miếng bánh, quả cam tới chén nước chè, hai cụ vẫn để dành cho nhau.
Hôm nào cụ ông thấy người mệt, ăn ít, cụ bà ngồi bên động viên, nhắc "ông ăn đi, ăn cho khỏe". Con cháu đến chơi, cụ bà lại dặn “ông ấy yếu đấy”.
“Có những lần cụ ông trở mệt, nửa đêm cụ bà thức giấc, lần từng bước sang giường cụ ông nằm, nhẹ nhàng đặt tay lên mũi để theo dõi nhịp thở của chồng”, chị Nga kể.
Nghe hát chèo mỗi ngày
Căn phòng nơi hai cụ sinh sống rộng gần 25m2 tại thôn Hữu Chung, xã Hồng Quang. Bên trong, hai cụ đang chăm chú nghe từng làn điệu chèo vọng ra từ chiếc tivi đặt ngay ngắn trên mặt kệ.
Ngồi nghe hát chèo, chốc chốc cụ ông lại nhìn sang cụ bà, hết đưa bánh, cụ lại mời vợ chén nước chè tươi rồi nhẹ nhàng nhắc “bà ăn đi”.
Nghe tiếng bước chân vào nhà và tiếng chào lớn, hai cụ khẽ xoay người lại. Hai tấm lưng còng, mái tóc bạc trắng, làn da đồi mồi đặc trưng ở tuổi già nhưng các cụ vẫn nghe rõ từng câu hỏi của người đối diện.
“Tên tôi à? Tôi tên là Đặng Văn Tiền, ở thôn Hữu Chung, xã Hồng Quang. Năm nay tôi 114 tuổi rồi. Vợ là Nguyễn Thị Ngách, quê Thái Bình, kém tôi 4 tuổi. Bà ấy vẫn tự ăn cơm, ăn đến no thì thôi”, cụ Tiền cười, khẽ hướng đôi mắt về phía vợ.
Thời tiết thay đổi, cụ bà có phần mệt, ít nói hơn nhưng vẫn cùng người bạn đời ngồi nghe những làn điệu đã làm đẹp tâm hồn họ suốt bao năm tháng qua.
Tiếng hát chèo của nghệ sĩ vừa dứt, cụ Tiền gật gù rồi nhấp ngụm nước chè tươi. Được con cháu gợi ý hát vài câu chèo cho cả nhà nghe, cụ cười lắc đầu: "Phải bế cháu, cháu khóc mới hát được".
Thế nhưng khi có người gợi ý bài về anh Trương Chi, cụ Tiền "à" và cất giọng hát: “... Trương Chi có chiếc thuyền chài/Chèo thuyền ngang dọc hôm mai dãi dầu/Trương Chi mới hát một câu/Gió đưa phảng phất tới lầu Mị Nương/Mị Nương nghe hát thì thương/Nhưng trông thấy mặt anh chường lại chê”.
Dứt câu hát, cụ ông 114 tuổi cười thành tiếng, tấm tắc khen “hát chèo hay lắm”.
Bí quyết "3 sạch" giúp sống thọ
Ngồi nhâm nhi ly trà xanh, ông Đặng Xuân Chàng (75 tuổi, con thứ 3 của hai cụ) luôn dõi mắt về phía bố mẹ, cười hạnh phúc. Ông bảo, hai cụ thích nghe chèo lắm. Cụ ông viết chữ Nho, chữ Quốc ngữ đều đẹp, hát chèo cũng rất hay. Bây giờ không thể hát tròn vành vạnh từng câu, từng chữ như ngày trước nhưng cụ vẫn nhớ và đọc được một số đoạn lời trong vở chèo mình yêu thích.
Nhắc lại mối tình của bố mẹ, ông Chàng kể, ở tuổi xuân thì, cụ Ngách từ Thái Bình ra Hải Phòng làm ruộng thuê và quen cụ Tiền, một thanh niên ưu tú của làng. Hai người nên duyên vợ chồng, sinh được 5 người con gồm 3 trai, 2 gái và hiện có gần 40 cháu, chắt. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, ngôi nhà lại đông vui, tràn ngập tiếng cười nói.
Cụ bà Nguyễn Thị Ngách là Mẹ Việt Nam Anh hùng, hai con trai lớn của cụ hy sinh khi tuổi đời còn trẻ. Con trai của hai cụ là liệt sỹ Đặng Ngọc Thóc (SN 1936), con thứ hai là liệt sỹ Đặng Văn Bằng (SN 1947). Hai con gái của cụ, người lấy chồng có gia đình riêng, người mất đã 4 năm.
Những năm gần đây, ông Chàng chăm sóc, gần gũi bố mẹ trong từng bữa ăn, giấc ngủ.
“Điều kiện sống của hai cụ bây giờ phải "3 sạch", tức ăn sạch, uống sạch, ở sạch. Trước đây, các cụ chủ yếu ăn muối vừng, mắm tép. Bây giờ, hai cụ ăn nhiều rau, thịt, cá. Vợ tôi thường thái thịt thành các lát nhỏ, cho vào nồi cơm hấp để mềm thức ăn, thỉnh thoảng lại đổi món trứng, đậu.
Ở làng có cụ 80 tuổi đã lẫn, cơm ăn con cháu xúc từng thìa nhưng hai cụ nhà tôi vẫn minh mẫn lắm. Đặc biệt, hai cụ rất thích uống nước chè tươi và vẫn tự ăn cơm, ăn rất khỏe”, ông Chàng chia sẻ bí quyết giúp hai cụ trường thọ song toàn, sống vui cùng con cháu.
Theo lời kể của con cháu, cụ ông ông Đặng Văn Tiền không hút thuốc, không uống rượu, gia vị cay, nóng cũng không ăn được. Hàng ngày, cụ đi bộ hoặc tập vài động tác thể dục nhẹ nhàng để duy trì sức khỏe.
Ngồi bên cạnh, bà Trần Hải Yến (vợ ông Chàng) cũng hồ hởi kể, sáng nay, hai cụ ăn hết bát cháo, trưa ăn hết tô cơm và 6 miếng khoai tây.
Mái tóc con trai, con dâu thứ 3 của cụ Tiền, cụ Ngách đã bạc trắng. Ở độ tuổi của ông bà, bố mẹ hầu như đều mất hết nhưng ông Chàng, bà Yến rất vui vì mỗi khi tỉnh giấc, họ vẫn thấy bố mẹ mạnh khỏe, cùng nhau ngồi trước tivi để nghe hết vở chèo này sang vở chèo khác.
Không chỉ minh mẫn, đôi mắt hai cụ vẫn rất tinh tường, chưa từng phải mổ hay thay thủy tinh thể. Những năm tháng tuổi trẻ gắn bó với ruộng đồng, lao động luôn chân luôn tay nhưng 2 cụ vẫn có chế độ ăn, nghỉ khoa học giúp duy trì sức khỏe. Trên 110 tuổi nhưng hai cụ rất ít ốm vặt.
“Hiện tại, hai cụ chỉ do tuổi cao sức khỏe yếu hơn còn không bệnh tật gì. Mỗi năm hai lần, cán bộ Hội Phụ nữ đưa Mẹ Việt Nam Anh hùng đi khám sức khỏe định kỳ. Dịch bệnh hay thời tiết, cụ không đi được, chúng tôi lại mời nhân viên phòng khám về tận nhà”, chị Nga chia sẻ.
Khi chúng tôi ra về, những làn điệu chèo vẫn vang lên khiến không gian càng thêm ấm cúng. Cụ bà kéo nhẹ chiếc chăn rồi ngả lưng xuống giường, cụ ông vẫn ngồi đó, vừa nhâm nhi chén nước chè tươi, vừa say sưa nghe hát chèo.