Ngân vang thanh âm của dân tộc
Khi đất trời vào xuân, những người đam mê văn hóa nghệ thuật dân gian lại quây quần bên nhau cùng cất lên lời ca, tiếng hát. Đó là âm hưởng mượt mà sâu lắng trong điệu chèo vùng đồng bằng Bắc Bộ; là réo rắt, vui nhộn tiếng đàn tính, hát then đặc trưng của đồng bào Tày, Nùng; là âm vang sống động núi rừng, thiên nhiên hoang dã từ bộ cồng chiêng của đồng bào S'tiêng. Tất cả thanh âm vốn riêng biệt ấy đã hòa hợp lại làm sinh động bức tranh văn hóa dân tộc đa dạng tỉnh Bình Phước.
Đặc sắc nghệ thuật dân gian
Trong không khí họp mặt sum vầy ấm áp, khúc chào xuân dưới giọng hát chèo ngọt ngào của nghệ nhân quê lúa Thái Bình Vũ Thị Diệp, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) hát chèo Tiến Hưng, TP. Đồng Xoài và những vũ điệu thướt tha của nhóm múa trong trang phục áo tứ thân càng tôn thêm giá trị văn hóa nghệ thuật phi vật thể quốc gia trên quê hương Bình Phước những ngày tết đến, xuân về. Bà Diệp cho biết: Gặp nhau trên mảnh đất Bình Phước, những người con quê Thái Bình, Nam Định, Hà Nam dịp tết đến, xuân về lại nhớ quê hương và điệu chèo sẽ giúp nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà. Vì vậy, mỗi độ xuân về, các thành viên CLB cùng nhau ca múa về mùa xuân, quê hương, đất nước và tuổi trẻ… Những bài hát, điệu múa phù hợp, hòa quyện vào nhau tạo không khí vui tươi, rộn rã.
Trang phục quần the, áo tứ thân cách điệu, cụ bà Trần Thị Lộc (74 tuổi) sửa soạn từ sáng sớm đến điểm hẹn CLB hát chèo Tiến Hưng sinh hoạt chào đón xuân Ất Tỵ 2025. Cụ Lộc là thành viên không thể thiếu trong ban nhạc CLB. Cụ Lộc cho biết: Tôi sinh ra tại quê lúa Thái Bình, cái nôi của nghệ thuật hát chèo. Từ thời con gái, tôi đã đam mê hát chèo và tham gia hội diễn ở làng. Kể cả lúc đi thanh niên xung phong, tôi vui vẻ hát chèo phục vụ anh chị em. Nhưng sau này cổ họng tôi có vấn đề không thể hát chèo được nên chuyển sang gõ mõ. Nhờ nghệ thuật hát chèo mà tôi sống vui, sống khỏe.
Nghệ thuật hát chèo được du nhập vào Bình Phước từ sớm, tạo nên bức tranh văn hóa hài hòa, đa dạng và đặc sắc. Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều CLB hát chèo. Bằng tình yêu, đam mê nghệ thuật, văn hóa truyền thống của dân tộc, hát chèo đang góp sắc màu vào bức tranh văn hóa chung của tỉnh Bình Phước.
Cùng với hát chèo Thái Bình, ví dặm xứ Nghệ, bài chòi Quảng Nam và đờn ca tài tử Nam Bộ, đàn tính, hát then của đồng bào Tày, Nùng vùng núi phía Bắc mang đến hơi thở mới, giao thoa tạo thành không gian văn hóa nghệ thuật đặc sắc trên quê hương Bình Phước. Hòa hợp trong bức tranh văn hóa 41 dân tộc anh em, đàn tính, hát then của người Tày, Nùng ở Bình Phước đang đem lại những thanh âm lắng đọng trong lòng người nghe và biểu diễn. Theo những thành viên CLB đàn tính, hát then ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp, hát then có mặt trong mọi hoạt động của đời sống đồng bào Tày, Nùng vùng núi phía Bắc. Và trên quê hương Bình Phước, đồng bào Tày, Nùng đã thành lập nhiều CLB tập hợp những người yêu thích đàn tính, hát then. Họ tập luyện, biểu diễn, giao lưu để thỏa niềm đam mê. Qua đó, gìn giữ và lưu truyền giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Trong bức tranh văn hóa các dân tộc Việt Nam trên địa bàn Bình Phước không thể thiếu những âm thanh sinh động của cồng chiêng mà đồng bào S’tiêng đang từng ngày gìn giữ và lưu truyền. Giá trị của văn hóa cồng chiêng mang đậm ý nghĩa tâm linh. Cồng chiêng được xem là nhạc cụ nghi lễ. Các bài nhạc được vang lên bởi cồng chiêng đều đáp ứng yêu cầu của từng nghi lễ. Mỗi nhịp điệu cồng chiêng giúp đồng bào giao tiếp với thiên nhiên, thần linh, tổ tiên và có khi nói lên tiếng lòng mình. Bà Thị Nhom (64 tuổi) ở khu phố Hưng Phú, phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long chia sẻ: 8 tuổi tôi đã biết những điệu múa theo tiết tấu cồng chiêng. Chúng tôi nhảy múa trong lễ hội, tết cổ truyền, rộn ràng nhất là dịp mừng lúa mới. Tiếng cồng chiêng càng thôi thúc bước chân và nhịp tay lượn vòng trong các trò chơi dân gian độc đáo của dân tộc mình. Chúng tôi thường múa mừng lúa mới lên chòi, múa cò ăn cá… cầu mong năm mới thắng lợi, mùa màng bội thu.
Nhân lên sức mạnh mềm
Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 20-11-2023 của Tỉnh ủy Bình Phước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đưa ra quan điểm: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước; cần phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa”. Ở một tỉnh hội tụ 41 dân tộc với đủ loại hình văn hóa nghệ thuật các miền Bắc, Trung, Nam và Trường Sơn - Tây Nguyên như Bình Phước càng là cơ sở, “ngọn đuốc soi đường” để đi tới sự phát triển toàn diện. Chính hoạt động văn hóa, văn nghệ là "chìa khóa" thăng hoa cảm xúc, khơi dậy "sức mạnh mềm" đưa mỗi gia đình, cơ quan, tổ chức và địa phương vươn lên phát triển.
Lớn lên ở Bình Phước, tôi cảm nhận rất sâu sắc tình cảm, con người, văn hóa, nghệ thuật tại vùng đất “miền Đông gian lao mà anh dũng”. Các cộng đồng dân tộc ở đây thương yêu, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau. Trên vùng đất có nhiều cộng đồng cùng cư trú mà không có sự yêu thương, đùm bọc sẽ rất khó để xây dựng mối đoàn kết và thi đua phát triển. Sự thật gần 30 năm nay và thời gian trước đó nữa, Bình Phước phát triển ổn định là do sự đùm bọc, yêu thương của các cộng đồng dân tộc nơi đây. Những đặc trưng văn hóa dân tộc cũng góp phần tạo nên sức mạnh to lớn trong sự phát triển của tỉnh.
Thạc sĩ PHẠM HỮU HIẾN, giảng viên Trường đại học Bình Dương
Nghị quyết số 14 của Tỉnh ủy chú trọng gắn kết bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa với phát triển du lịch; tiếp tục huy động các nguồn lực cho công tác tu bổ, tôn tạo, số hóa di sản để phát huy giá trị di tích. Có kế hoạch nghiên cứu, sưu tầm những giá trị văn hóa của địa phương, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về văn hóa; bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế - xã hội; huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và vùng miền khác để làm giàu văn hóa địa phương; tạo dựng các sản phẩm văn hóa đặc trưng của Bình Phước.
Chị Điểu Thị Hoa, Trưởng nhóm Văn hóa cộng đồng Vườn quốc gia Bù Gia Mập chia sẻ: Khi được các cấp, ban, ngành quan tâm, tạo điều kiện, nhóm múa cồng chiêng ở đây được đi giao lưu, biểu diễn trong và ngoài tỉnh, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình, thỏa đam mê nghệ thuật cồng chiêng. Hơn nữa, khi có những hoạt động gắn kết du lịch vườn với văn hóa truyền thống, mỗi thành viên trong nhóm còn có thể tăng thu nhập từ hoạt động này.
Ông Nguyễn Khắc Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, giải pháp để phát huy hiệu lực, hiệu quả, sức mạnh của văn hóa phải tập trung nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc, nhân dân trong tỉnh hiểu sâu về văn hóa, làm sao để mọi người cùng nhận thức chung vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của họ trong sự phát triển đất nước. Đồng thời phải nâng cao chất lượng đời sống văn hóa trong đồng bào dân tộc thiểu số, tạo nên sự hài lòng và tin tưởng. Cùng với đó, hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tập trung bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc qua việc phục dựng các lễ hội… Từ đó càng phát huy được sức mạnh mềm văn hóa trong sự phát triển chung của tỉnh và đất nước.