'Phố Ông Đồ' tại TP. HCM: Khi người trẻ tiếp nối việc giữ gìn phong tục truyền thống

Đến hẹn lại lên, vào dịp Xuân mới, Nhà Văn hóa Thanh niên TP. HCM lại tổ chức Lễ hội Tết Việt với 'Phố Ông Đồ' nô nức một góc đường. Năm nay, 'Phố Ông Đồ' rực rỡ sắc màu với sự góp mặt của nhiều 'ông đồ', 'bà đồ' trẻ tuổi, như một tín hiệu đáng mừng cho việc người trẻ tiếp nối văn hóa dân tộc.

Tình yêu với nghệ thuật thư pháp

Võ Tuấn Xuân Thành (Vũng Tàu), là một trong gần 50 'ông đồ', 'bà đồ' trẻ tuổi họp mặt tại ‘Phố Ông Đồ’ năm nay. Dù sinh năm 1999 nhưng Xuân Thành đã có 18 năm theo đuổi nghệ thuật thư pháp, có kinh nghiệm 12 năm ngồi tại ‘Phố Ông Đồ’ mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Tình yêu dành cho thư pháp được Xuân Thành ấp ủ khi anh mới chỉ là cậu bé 7, 8 tuổi. Năm 2007, Xuân Thành được ba mẹ dẫn đi chơi xuân tại Nhà Văn hóa Thanh Niên TP. HCM, anh nhanh chóng bị thu hút bởi những dòng thư pháp trong không gian lễ hội ở phố Ông Đồ. Từ đó, anh mày mò, tìm hiểu, tự học viết thư pháp. Thành bộc bạch, có hai lý do để anh theo đuổi thư pháp. Thứ nhất, anh vốn yêu tiếng Việt, trân quý và tự hào về ngôn ngữ của đất nước nơi mình sinh ra và lớn lên. Lý do thứ hai là ngay từ khi còn rất nhỏ, Thành đã có hứng thú và say mê với văn hóa truyền thống dân tộc.

Võ Tuấn Xuân Thành là một trong 50 'ông đồ', 'bà đồ trẻ tuổi tại 'Phố Ông Đồ' năm nay.

Võ Tuấn Xuân Thành là một trong 50 'ông đồ', 'bà đồ trẻ tuổi tại 'Phố Ông Đồ' năm nay.

“Với mình, thư pháp không chỉ là một bộ môn nghệ thuật mà còn là phương tiện kết nối con người. Khi mình đã theo nghề một thời gian đủ dài và tích lũy được nhiều trải nghiệm, mình nhận ra rằng thư pháp không chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ, mà còn mang nặng tính giáo dục và sự kết nối. Thư pháp kết nối giá trị tinh thần của những người yêu chuộng giá trị văn hóa, và giúp cho mọi người thêm hiểu và thêm yêu tiếng nói dân tộc mình. Đó là lý do mình yêu và quyết định theo đuổi thư pháp”, Thành bày tỏ.

Thủy Tiên (34 tuổi, Q. Bình Thạnh) cũng là bạn trẻ theo đuổi thư pháp được một thời gian dài. Đồng thời, chị còn là một trong những 'bà đồ' nổi tiếng tại ‘Phố Ông Đồ’ những năm gần đây. Xem thư pháp như “một cuộc dạo chơi nghiêm túc” bên cạnh công việc chính của mình, Thủy Tiên dành cho thư pháp một sự trân trọng xứng đáng với những giá trị nó mang lại. Thủy Tiên kể, chị theo đuổi bộ môn này vì yêu thích cái đẹp và say mê nhìn ngắm những 'ông đồ', 'bà đồ' viết chữ.

Các 'ông đồ' trẻ cho chữ đầu năm.

Các 'ông đồ' trẻ cho chữ đầu năm.

Hơn hết, Thủy Tiên bộc bạch, chị ngồi tại ‘Phố Ông Đồ’ đến nay đã được 6 năm. Trong 6 năm qua, mục đích mở gian hàng không phải vì lợi nhuận hay tiền bạc. Mà đối với chị, đây là hoạt động mang đến niềm vui nhỏ với mục đích lớn nhất là trao nét chữ của mình đến mọi người. “Mình cho rằng, ngồi ở đây vào dịp đầu năm cũng là cơ hội để gặp được nhiều người có cùng đam mê thư pháp, trân quý nét chữ. Qua đó, mình được dịp chia sẻ những câu chuyện. Đó là một nguồn năng lượng tích cực để thay đổi chính cuộc sống của mình”, Thủy Tiên nói.

Đúng cách trong giữ gìn và phát huy

Xuân Thành khẳng định, thư pháp mang lại nhiều giá trị tốt đẹp cho thế hệ trẻ, nếu thật tâm muốn theo đuổi loại hình nghệ thuật này. Thành chia sẻ, nhờ thư pháp, Thành điềm tĩnh hơn, không còn hiếu thắng. Đồng thời, anh cải thiện được khả năng giao tiếp và nâng cao hiểu biết của bản thân về văn hóa, phong tục Việt Nam.

Không những vậy, trải qua 18 năm luyện tập và cố gắng, Thành đã nhận về thành quả xứng đáng. Từ những tác phẩm ban đầu của một cậu nhóc, với giá chỉ vài chục ngàn đồng, tới thời điểm hiện tại, những tác phẩm của Thành có mức giá lên đến vài chục, thậm chí vài trăm triệu đồng. Đó chính là thành tựu cho sự nỗ lực, cố gắng trong suốt khoảng thời gian hoạt động nghệ thuật không ngừng. Hơn hết, thư pháp không chỉ mang lại cho Thành lợi nhuận về kinh tế để anh tiếp tục thực hiện những dự án nhằm nuôi dưỡng đam mê, mà nó còn đem đến cho anh những giá trị vô giá về đạo đức, lối sống, sự kết nối giữa người với người.

Còn theo Thủy Tiên, "Phố Ông Đồ' năm nay tràn ngập sự tươi mới, do có sự góp mặt của nhiều 'ông đồ', 'bà đồ' trẻ tuổi. Xu hướng các bạn trẻ tham quan ‘Phố Ông Đồ’ ngày càng đông đúc qua từng năm là một tín hiệu đáng mừng cho thấy phong tục xin chữ, cho chữ ngày Tết được đến gần hơn với người trẻ. Trong 5 năm gần đây, gian hàng của Thủy Tiên đón rất nhiều bạn trẻ đến phố, trong đó có nhiều bạn trẻ trở thành khách hàng quen thuộc.

'Bà đồ' Phạm Thị Thủy Tiên có sáu năm ngồi 'Phố Ông Đồ'.

'Bà đồ' Phạm Thị Thủy Tiên có sáu năm ngồi 'Phố Ông Đồ'.

Nói về việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật thư pháp nói chung và phong tục cho chữ nói riêng, Thành khẳng định, thế hệ trẻ vẫn đang và sẽ tiếp nối những nét văn hóa truyền thống của dân tộc. “Hiện nay, các bạn trẻ học và theo đuổi thư pháp rất đông. Xung quanh mình cũng có rất nhiều người trẻ có đam mê với bộ môn nghệ thuật này. Đó là điều rất tốt. Tuy nhiên, cũng cần phải có sự chọn lọc, bồi dưỡng, phát triển nhân lực để nét văn hóa này được giữ gìn một cách đúng đắn”, Thành nói.

Thủy Tiên cũng đồng quan điểm với Xuân Thành trong vấn đề này. Tiên cho biết, chuyện người trẻ theo đuổi thư pháp là không hiếm. Điều các bạn trẻ cần làm là cố gắng trau dồi, nghiêm túc với nghề và hiểu được bút lực của bản thân. Có như vậy, người trẻ mới thực sự duy trì được văn hóa truyền thống, mới thực sự truyền tải được hồn cốt văn hóa dân tộc qua con chữ và thực sự làm bản thân người viết bay bổng và thăng hoa.

Ngọc Anh

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/pho-ong-do-tai-tp-hcm-khi-nguoi-tre-tiep-noi-viec-giu-gin-phong-tuc-truyen-thong-post1712603.tpo
Zalo