Hương vị tết của người Tày, Nùng trên đất Bình Phước

Tết Nguyên đán cũng là tết truyền thống của người Tày, Nùng. Thời điểm này, đồng bào Tày, Nùng sinh sống trên địa bàn tỉnh Bình Phước cũng đang tất bật chuẩn bị rất nhiều hoạt động mang đậm màu sắc văn hóa riêng có của dân tộc mình, trong đó có việc làm ra các loại bánh dành riêng cho tết.

Hương xuân từ vị bánh

Một trong những hương vị tết bình dị của đồng bào Tày, Nùng là làm cốm và bánh khô. Trong đó có món dùng để dâng cúng ông bà tổ tiên, có món để trẻ con thưởng thức trong những ngày tết. Tất cả đều được làm thủ công.

Cốm ở đây được làm từ 2 loại hạt là bắp hoặc gạo nếp. Để có được một mẻ cốm nóng hổi, thơm giòn, nguyên liệu sẽ được cân và bỏ vào trong một chiếc ống bằng sắt và đặt trên lò than hồng khoảng 20 phút. Dưới áp suất của hơi nóng, sau một tiếng nổ “bùm”, những hạt cốm đã được hình thành. Bên cạnh là một chiếc chảo lớn đang nấu đường, mạch nha và gừng. Sau khi hỗn hợp này tan chảy hết, hạt cốm được cho vào trộn đều và đưa ra khuôn để ép, cắt thành những thanh cốm hình chữ nhật với kích thước phù hợp. Và đó cũng là công việc gia đình ông Đàm Xuân Lựu duy trì 25 năm qua tại xã Tân Phước, huyện Đồng Phú.

Lò nổ cốm thủ công của ông Đàm Xuân Lựu ở xã Tân Phước, huyện Đồng Phú

Lò nổ cốm thủ công của ông Đàm Xuân Lựu ở xã Tân Phước, huyện Đồng Phú

Vừa sấy nóng lại mẻ bắp đã nổ tối qua để kịp ép khuôn giao cho khách, ông Đàm Xuân Lựu chia sẻ với chúng tôi: “Bình thường lò dùng để nổ cốm bắp cho thương lái. Đến tháng Chạp hằng năm mới nhận làm thêm cốm gạo nếp cho bà con. Mấy hôm nay là thời gian cao điểm nhất trong năm, bà con đến nổ cốm rất đông. Các thành viên trong gia đình tôi phải làm cả ngày, thậm chí phải mướn thêm một, hai người phụ mới kịp đáp ứng nhu cầu cho bà con. Thường lò cốm chỉ nhộn nhịp từ mồng 10 tháng Chạp, đông dần lên đến ngày 25, 26 và ngày 27 tết là chúng tôi nghỉ không làm nữa”.

Điều đặc biệt ở lò cốm này là người đến làm cốm thường mang theo cả bắp và nếp do mình tự chọn. Lò cốm sẽ tự gia giảm phụ liệu đường, mạch nha và gừng rồi cho ra thành phẩm. Vì thế ông Lựu chỉ lấy tiền công nổ và phụ liệu đi kèm. Khách có thể thoải mái tham gia vào công đoạn đóng gói để cho ra thành phẩm. Đây cũng là lò cốm làm thủ công duy nhất của cộng đồng người Tày trên địa bàn tỉnh Bình Phước nên mùa tết khách hàng ở những huyện, thị khác cũng tìm đến đây để nổ cốm.

Chị Bế Thị Lê ở xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng cùng chị gái đã vượt hơn 80km chỉ để nổ mỗi nhà 3kg gạo nếp và 2 kg bắp. Chị cho biết, gần tết rồi nên xuống đây làm cốm vì tết trẻ con nhà mình rất thích ăn món này, thay cho bánh kẹo ngoài hàng quán. 3kg gạo nếp nếu gạo nổ tốt, ra được nhiều cốm thì làm được 4 mẻ, còn không thì được 3 mẻ, bắp thì mình cũng làm 2kg, mang về cho trẻ con ăn tết.

Các công đoạn để làm ra một mẻ cốm thành phẩm

Các công đoạn để làm ra một mẻ cốm thành phẩm

Ngoài các loại cốm, tết Nguyên đán của người Tày còn nổi tiếng với món bánh khảo. Bánh được làm từ nguyên liệu chính là gạo nếp đã được bung nổ, sau đó xay thành bột. Bánh có 2 lớp ngoài cùng là bột nếp, ở giữa nhân có đường và đậu phộng. Sau khi ép thành khuôn, bánh được cắt thành những thanh dài, ngắn hoặc hình tam giác, rồi gói lại bằng giấy màu. Đây là loại bánh gần như gia đình người Tày nào cũng phải có trên bàn thờ gia tiên ngày tết, với quan niệm mong cầu những điều may mắn, tốt đẹp trong năm mới.

Các công đoạn làm ra món bánh khảo của người Tày, Nùng

Các công đoạn làm ra món bánh khảo của người Tày, Nùng

Bà Nông Thị Phùng ở xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, người vẫn duy trì việc làm bánh khảo vào dịp tết suốt 17 năm qua để cung cấp cho bà con trong vùng chia sẻ: “Cứ khoảng tháng 11 là tôi phải chuẩn bị nguyên liệu, tháng Chạp là bắt tay vào làm, ngoài quê thì loại bánh này có quanh năm nhưng ở trong miền Nam số người ăn ít nên tôi chỉ làm vào những tháng giáp tết. Tuy nhiên, nhà nào dù ít hay nhiều cũng phải có mấy thanh bánh này để chưng lên bàn thờ trong mấy ngày tết.

Do chỉ dùng trong những ngày tết nên với người Tày, người Nùng khi thấy cốm bắp, cốm nếp, bánh khảo… xuất hiện đồng nghĩa với hương xuân, vị tết cũng đang đến rất gần trong mỗi nếp nhà.

Khám phá nồi bánh tết của người Tày, Nùng

Tết Nguyên đán, nhà nhà, người người gói hoặc đặt mua bánh chưng, bánh tét để dâng cúng lên bàn thờ tổ tiên. Với đồng bào Tày, Nùng những loại bánh này cũng có nhiều điểm tương đồng và khác biệt so với đại bộ phận các dân tộc Việt.

Vẫn là những nguyên liệu được chuẩn bị rất tươm tất từ thịt ba chỉ, đậu xanh và gạo nếp, vẫn là những chiếc lá dong đã được rửa sạch để ráo nước. Những ngày giáp tết, người lớn tuổi trong xóm lại quây quần bên nhau, vừa gói bánh vừa râm rang những câu chuyện về những cái tết xưa của dân tộc. Điều dễ nhận thấy là bánh chưng, bánh tét của người Tày hoàn toàn giống với bánh của người Kinh, nhưng bánh tét của người Nùng có thêm một kiểu gói khác lạ nữa là chiếc bánh được gói dẹp 2 đầu, ở giữa gù lên và họ gọi đó là bánh lưng gù. Bà Nông Thị Thảo ở xã Tân Phước, huyện Đồng Phú vừa hoàn thành chiếc bánh lưng gù trên tay vừa giải thích: Bánh này người Kinh gọi là bánh tét, người Nùng gọi là bánh lưng gù, từ rất xa xưa người Nùng chúng tôi đã gói loại bánh này như thế, bây giờ mình cũng tiếp tục giữ gìn.

Những chiếc bánh vừa lạ, vừa quen trong nồi bánh tết của đồng bào Tày, Nùng

Những chiếc bánh vừa lạ, vừa quen trong nồi bánh tết của đồng bào Tày, Nùng

Ngoài bánh chưng và bénh tét, trong nồi bánh tết của người Tày, Nùng còn có 2 loại bánh có hình thù khác lạ nữa, đó là bánh sừng bò và bánh tro, được làm từ những nguyên liệu của bánh chưng, bánh tét. Để gói ra 2 loại bánh này bà con thường dùng những lá dong có kích thước nhỏ hơn hoặc chỉ nửa lá. Với người Tày, Nùng, mỗi loại bánh này đều có ý nghĩa riêng, dành cho những thế hệ khác nhau trong gia đình. Bà Nông Thị Ngậm ở xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, chia sẻ: Bánh sừng bò là loại bánh dành cho trẻ con, cách gói bánh sừng bò giống như cách gói bánh ú, nhưng phần đầu nhọn được làm cho dài ra như cái sừng bò. Mục đích là để trẻ con dễ cầm, không bị rơi. Bánh này cũng nhỏ, mỗi trẻ ăn một chiếc là vừa. Còn bánh tro bên trong không có nhân, gạo nếp được ngâm với than lá tre, để người già ăn cho mát.

Mỗi món ăn đều gắn liền với lịch sử phát triển và đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc, được truyền thừa tiếp nối qua bao thế hệ đã làm nên vị tết rất riêng của đồng bào Tày, Nùng trong cái tết chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Ly Na - Từ Huy

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/168539/huong-vi-tet-cua-nguoi-tay-nung-tren-dat-binh-phuoc
Zalo