100 năm 'gói bánh' chưng

Là làng có truyền thống trồng lá dong hàng trăm năm tuổi, Tràng Cát (xã Kim An, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội) ngày nay đã trở thành một trong những vựa lá dong lớn tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, cung cấp lá dong cho Hà Nội và vùng lân cận. Những ngày này, người dân ở đây lại tất bật ra vườn cắt lá để kịp phục vụ nhu cầu gói bánh chưng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Ngôi làng Tràng Cát nằm ở một địa thế đắc địa, ba bên bao quanh bởi sông Đáy. Vùng đất bãi bằng phẳng kéo dài từ bờ sông đến rìa làng hình vòng cung trù mật. Đến làng Tràng Cát, khắp các nẻo đường làng, ngõ xóm, những vườn lá dong xanh mướt mắt báo hiệu một vụ mùa bội thu. Lá dong được các nhà vườn trồng san sát khắp nơi trong làng. Lá dong dung dưỡng những cánh đồng bồi bãi với màu xanh bao trùm cả ngôi làng. Sắc xanh của lá dong trở thành biểu tượng thiêng liêng trong đời sống cộng đồng.

Ở đây, không khí Tết đến rất sớm, ngay từ những ngày đầu tháng Chạp bởi lẽ đây là lúc bà con rộn ràng tất bật vào vụ thu hoạch lá dong để phục vụ nhu cầu đón Tết. Từ đầu làng đến cuối xóm không khí tấp nập, rộn ràng người mua kẻ bán bởi từ lâu lá dong Tràng Cát đã nổi tiếng gần xa. Bà Nguyễn Thị Phương (huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội) tay thoăn thoắt chọn lựa kỹ lưỡng từng chiếc lá dong và bó lại gọn gàng, chia sẻ: “Nghe nói lá dong Tràng Cát là ai cũng thích mua vì lá dong Tràng Cát là giống dong nếp, bầu lá tròn và dai. Lá có màu xanh non, cuống dài. Khi luộc chín, bánh có màu xanh lá tự nhiên, đẹp mắt và có vị thơm đặc trưng”.

Người dân Tràng Cát hối hả thu hoạch lá dong mỗi khi Tết đến.

Người dân Tràng Cát hối hả thu hoạch lá dong mỗi khi Tết đến.

Những người dân thôn Tràng Cát lý giải, điều đặc biệt làm nên thương hiệu “lá dong Tràng Cát” là bởi vì nơi đây nằm trong vùng bãi bồi của dòng sông Đáy, có mạch nước ngầm tinh khiết chảy qua, lại thêm có khí hậu ôn hòa, nên lá dong được đà sinh sôi nảy nở, từ đó làm nên thương hiệu lá dong hàng trăm năm nay. Cũng vì lẽ đó mà bánh chưng gói bằng lá dong Tràng Cát luôn có màu xanh và hương thơm dịu nhẹ từ lá vô cùng đặc trưng, đẹp mắt. Xưa kia, lá dong Tràng Cát thường được tuyển chọn để gói bánh chưng dâng vua. Ngày nay, lá dong Tràng Cát không chỉ phục vụ trong nước mà còn được “xuất ngoại” để gói ghém hương vị Tết cổ truyền, kết nối cộng đồng kiều bào xa xứ.

Với người dân Tràng Cát, không cần đếm ngày đếm tháng, mà chỉ nhìn vào độ cao lớn và xanh mướt của những vườn lá dong là thấy được không khí Tết đã ùa về. Khi ấy, từ người già đến trẻ nhỏ lại rộn ràng hòa chung trong không khí thu hoạch. Theo ông Nguyễn Kim Nhàn (xã Kim An, huyện Thanh Oai), lá dong chỉ phục vụ vào ngày tết, thời gian thu hoạch quá ngắn nên trong làng luôn nhộn nhịp. Gia đình ông có khoảng 2 sào lá dong, dự kiến thu hoạch khoảng hơn 10 vạn lá. Từ ngày 10-12 tháng Chạp, gia đình đã phải huy động hết các thành viên ra vườn cắt lá. “Lá dong không thể thu hoạch sớm quá vì để lâu lá sẽ hỏng, còn thu hoạch muộn quá lại không kịp bán cho thương lái”, ông Nhàn cho hay.

Cắt đến đâu khéo léo sắp xếp thành từng bó gọn gàng đến đó, chị Phạm Thị Tâm (xã Kim An, huyện Thanh Oai) phấn khởi nói: “Ở các nơi chỉ có 3 ngày Tết nhưng với dân làng chúng tôi, bắt đầu từ mùng 10 tháng Chạp đến Tết như là ngày hội luôn. Gia đình tôi đi cắt, chở lá dong từ 6h sáng, mỗi ngày cắt được gần 2 vạn lá. Những lá to đẹp bán với giá 150.000 đồng/100 lá”. Theo chia sẻ của chị Tâm, khi cắt hết lá tại vườn, cả gia đình sẽ phân loại lá theo kích thước để thương lái đến thu mua. “Theo kinh nghiệm của ông bà truyền lại, ngay sau khi thu hoạch, lá dong sẽ được nhấn ngập nước, bó lại và dựng đứng ở nơi có độ ẩm cao, phần cuống lá hướng xuống dưới. Làm như thế lá dong có thể để tươi tới 20 ngày”, chị Tâm chia sẻ.

Khác với trồng lúa và các loại hoa màu, trồng lá dong không yêu cầu người nông dân phải “một nắng hai sương”. Với lá dong, trồng một lần thì thu hoạch được mãi. Cứ cắt lá cũ đi lá mới lại trồi lên, năm này qua năm khác. Lá dong ở Tràng Cát qua bao năm bao tháng mà không hề mất đi. Một phần bởi được con người chăm chút nhưng phần lớn là do đất bãi nơi đây có đặc điểm là đất phù sa. Với tỷ lệ hai phần đất cát, một phần đất thịt đã tạo điều kiện thuận lợi cho lá dong sinh trưởng và phát triển. Bởi thế mà những vườn lá dong xanh mướt và có độ cao từ 2-3m được coi là tài sản kế thừa “cha truyền con nối” của những người nông dân tại làng Tràng Cát.

Bà Nguyễn Thị Hà (xã Kim An, huyện Thanh Oai) chia sẻ, từ tháng 10, người dân đã phải chuẩn bị sẵn phân ủ tại vườn. Ngay sau khi cắt xong lá cũng là thời điểm phân đã hoai mục, thì sẽ tiến hành bón phân. Đều đặn mỗi tháng người dân Tràng Cát lại đi dọn chân lá một lần. Những lá xấu, bé được cắt tỉa để bán cho người có nhu cầu gói thực phẩm, quà bánh. Đến khoảng tháng 9 người dân sẽ ngưng cắt. Sau đó bước vào thời kỳ bón thúc, giúp cây cho lá to và đẹp để phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán. “Có lẽ do thổ nhưỡng nên lá dong ở đây sinh trưởng và phát triển khá thuận lợi, chỉ cần lưu ý trồng cây dưới bóng mát để tránh bị khô, xước, hỏng lá. Đặc biệt, cây dong rất ưa nước nên cần đảm bảo luôn cung cấp đủ nước vào giai đoạn thời tiết hanh khô”, bà Hà cho biết.

Những năm trước đây, phần lớn các gia đình trong thôn đều trồng lá dong. Song, cũng có thể vì nguồn lợi kinh tế, khoảng vài ba năm trở lại đây, diện tích trồng lá dong có xu hướng giảm vì người dân chuyển sang trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, trong khoảng gần 500 hộ dân ở Tràng Cát thì hiện nay vẫn còn khoảng 300 hộ trồng lá dong với diện tích trên 20ha. Nếu tính năng suất ở thời điểm thu hoạch phục vụ Tết Nguyên đán, khoảng 6 vạn lá/sào thì số lượng lá dong cung cấp cho thị trường là rất lớn.

Những tấm lá dong xanh mướt giống như ngọc xanh của đất trời, bởi người dân Tràng Cát không chỉ sống với lá mà còn làm giàu từ lá. Truyền thống được gìn giữ không chỉ bởi lòng yêu nghề mà còn từ tinh thần sáng tạo, nỗ lực học hỏi, khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Và lá dong mãi vẫn là “linh hồn” của Tràng Cát bởi nó chính là phần không thể thiếu làm nên chiếc bánh chưng hoàn hảo của ngày Tết - nét văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam.

Hoàng Phúc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/100-nam-goi-banh-chung-183246.html
Zalo