Ngân nga điệu Then, nhịp Tính nơi đại ngàn Tây Nguyên
Những ngày lễ, Tết, âm vang từ những nhà sinh hoạt cộng đồng ở xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai là làn điệu hát then say đắm lòng người. Những câu hát then kết hợp với tiếng đàn tính như tô điểm cho bức tranh mảnh đất biên giới yên bình thêm màu sắc.
Nét đẹp nguồn cội
Từ vùng rừng núi Bắc Bộ rời vào thôn Pắc Pó, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai lập nghiệp đã hơn 30 năm, cộng đồng người Tày nơi đây vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Với họ, gìn giữ những bài hát Then, những làn điệu đàn tính chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.
Rời quê hương Cao Bằng đã lâu song ông Nông Văn Đoàn (60 tuổi) vẫn luôn gìn giữ cây đàn tính mà ông luôn xem là "báu vật" của riêng mình.
Ông Đoàn cho biết, với đồng bào dân tộc Tày ở vùng núi Việt Bắc, hát Then từ lâu đã trở thành nét đẹp sinh hoạt văn hóa tâm linh không thể thiếu. Theo quan niệm của người Tày, then có nghĩa là thiên (trời), là điệu hát của thần tiên truyền lại. Đạo cụ không thể thiếu khi hát then là cây đàn Tính - loại nhạc cụ tạo hình từ quả bầu. Hát Then mang tính chất lễ và hội, ngoài yếu tố tâm linh là để cầu mùa, chúc phúc, then còn giải trí, giãi bày nỗi lòng, thể hiện tình yêu đôi lứa, ca ngợi quê hương bản làng, lao động sản xuất. Còn cây đàn tính giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Tày. Âm thanh của đàn tính vừa dẫn dắt vừa đệm cho giọng hát nghệ sĩ diễn xướng thêm du dương, sâu lắng.
"Tôi lớn lên cùng cây đàn Tính. Tôi học đàn Tính từ bố mình, đến năm 15 tuổi, tôi đã chơi thành thạo và am hiểu các công đoạn chế tác đàn Tính. Bây giờ, khi xa quê, cây đàn Tính giúp tôi luôn nhớ rằng mình sinh ra và lớn lên ở đâu, để biết gìn giữ những nét văn hóa của dân tộc mình", ông Đoàn tâm sự.
Ngoài gìn giữ, ông Đoàn còn chế tạo ra những cây đàn Tính để chia sẻ cho thành viên trong cộng đồng dân tộc của mình. Theo ông Đoàn, để tạo ra được cây đàn Tính mất rất nhiều thời gian và trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Các công đoạn làm đàn hoàn toàn thủ công nên đòi hỏi phải tỉ mỉ và cẩn thận.
Đồng thời để làm được cây đàn Tính chuẩn phải dựa trên kinh nghiệm và khả năng thẩm âm của người thợ đàn. Một cây đàn Tính tốt, có tiếng đàn hay, chuẩn cần hội tụ đủ các yếu tố như: Bầu đàn kích cỡ phù hợp, đục lỗ bầu và lên dây chuẩn. Đàn Tính gồm các bộ phận chính là bầu đàn được làm từ nửa quả bầu khô; cần đàn làm bằng gỗ dâu, dây đàn làm bằng tơ se.
Bà Đinh Thị Thiều (65 tuổi) chia sẻ, bà rời quê nhà ở huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng vào vùng đất mới đã hơn 20 năm. Tuổi thơ lớn lên cùng những bài hát then nên không biết tự lúc nào, những làn điệu Then cứ thế thấm sâu nuôi dưỡng tâm hồn. Năm 18 tuổi, bà đã thuộc lòng hàng chục bài hát Then, được mời tham gia hát Then tại các hội thi, hội diễn ở địa phương.
"Dù xa quê đã lâu song chưa khi nào tôi quên được điệu hát Then, đàn Tính. Ngoài những bài hát then truyền thống của người Tày, tôi cũng thường xuyên dành thời gian tìm hiểu, tập hát hòa âm cùng đàn tính một số bài hát then ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi Bác Hồ như: Việt Bắc nhớ Bác Hồ, trăng soi đường Bác, suối Lê nin,..." , bà Thiều bộc bạch.
Để văn hóa dân tộc không bao giờ nhạt phai
Để gìn giữ, bảo tồn và phát huy làn điệu hát Then, đàn Tính, bà Thiều đứng ra kêu gọi thành lập câu lạc bộ "Đàn Tính - hát Then Bằng Lăng" với 18 thành viên thường xuyên tập luyện, tham gia biểu diễn tại nhiều sự kiện do địa phương tổ chức.
"Câu lạc bộ là nơi kết nối những người con xa quê cùng giúp nhau trong cuộc sống và bảo tồn, phát huy âm thanh của đàn Tính, điệu Then. Dù xa quê vào Tây Nguyên lập nghiệp nhưng trong trái tim chúng tôi, tình yêu quê hương, bản sắc văn hóa dân tộc không bao giờ nhạt phai. Khi đi biểu diễn ở các lễ hội, chúng tôi rất vui vì đã góp phần quảng bá bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Trong tương lai, tôi hy vọng sẽ truyền lại nét đẹp văn hóa của dân tộc cho nhiều người hơn, đặc biệt là thế hệ trẻ", bà Thiều mong muốn.
Ông Bùi Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lâu, huyện Chư Prông cho biết: Người Tày ở xã Ia Lâu lưu giữ đầy đủ nét đẹp văn hóa hát Then, đàn Tính đặc trưng của dân tộc. Việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn đã góp phần tạo sợi dây gắn kết cộng đồng, thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc nơi biên giới. Nhằm khuyến khích bảo tồn văn hóa truyền thống, hàng năm địa phương thường xuyên tổ chức nhiều chương trình giao lưu văn nghệ, trong đó không thể thiếu những tiết mục biểu diễn hát Then, đàn Tính mang đậm bản sắc dân tộc của người dân di cư vào vùng đất mới.