Văn Dương Thành - người con Phú Yên mang hồn Việt ra thế giới
Văn Dương Thành được biết đến là một trong những họa sĩ tài năng ở châu Á, tác phẩm của bà được 16 viện bảo tàng nghệ thuật quốc gia trên thế giới sưu tập. Bên cạnh việc sáng tác, nữ họa sĩ còn giảng dạy tại các trường đại học trong và ngoài nước. Bà cũng luôn tích cực đồng hành các hoạt động thiện nguyện trong nhiều năm qua.
Tại phòng khách của Bảo tàng Mỹ thuật Văn Dương Thành ở Hà Nội, chúng tôi ấn tượng với bức tranh lớn trên tường về gành Đá Đĩa, một di tích thắng cảnh cấp quốc gia ở Phú Yên. Bức tranh phía dưới có tên Đêm trăng trên biển, cũng là một phong cảnh của địa phương này. Dù đi xa, trái tim họa sĩ Văn Dương Thành vẫn luôn hướng về nơi chôn nhau cắt rốn. Mỗi lần cầm cọ, những ký ức về vùng đất Phú Yên với cảnh sắc bình dị và con người hiền hậu lại hiện lên trong từng nét vẽ của bà.
Trong không gian ngập tràn ánh sáng của phòng tranh, nữ họa sĩ với trái tim và tâm hồn đong đầy cảm xúc, say sưa kể về hành trình làm nghệ thuật và những bức tranh của mình.
Văn Dương Thành được sinh ra trong một gia đình trí thức cách mạng ở phường Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa. Bà là con gái của liệt sĩ Văn Gói (1920-1960, nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa, phụ trách Văn phòng và Tuyên huấn Tỉnh ủy Phú Yên).
Năm lên 7 tuổi, Văn Dương Thành đã có những bức tranh vẽ bằng bút chì trên giấy, được cha khen ngợi, khuyến khích nên rất vui. Cha anh dũng hy sinh năm 1960, khi con gái mới 9 tuổi. Văn Dương Thành càng quyết tâm thực hiện ước mơ của mình và ước nguyện của cha.
Lớn lên và học tập tại Hà Nội, Văn Dương Thành được học từ những họa sĩ bậc thầy như: Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và cả nhà phê bình Thái Bá Vân. Những kiến thức ấy là hành trang quý báu theo bà suốt sự nghiệp sáng tác trong nước cũng như trên đất khách.
SỨ MỆNH QUẢNG BÁ VĂN HÓA VIỆT NAM
12 tuổi, Văn Dương Thành đã học Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, đến năm 1980, bà tốt nghiệp trường này sau 12 năm học tập và công tác tại Viện Nghiên cứu văn hóa (Bộ VHTT&DL). Sau đó, Văn Dương Thành được cử đi học cao học Ngôn ngữ tại Thụy Điển, rồi trở thành giảng viên người châu Á đầu tiên giảng dạy Mỹ thuật bằng tiếng Thụy Điển. Bà cũng là họa sĩ đầu tiên của Việt Nam được các học viên ở nước ngoài yêu quý, hâm mộ, thành lập hội mỹ thuật mang tên bà - Thành-Gruppen.
Không chỉ thuần thục về kỹ thuật hội họa, họa sĩ Văn Dương Thành còn có nhiều sáng tạo trong sáng tác. Tranh của bà toát lên ánh sáng riêng, tạo được tiếng vang ở nhiều nước trên thế giới. Các bức tranh thấm đẫm hồn Việt của Văn Dương Thành đã được trưng bày tại 16 viện bảo tàng quốc gia trên thế giới, mang về nhiều giải thưởng danh giá.
Qua hội họa, họa sĩ Văn Dương Thành đã kết nối với các đại sứ, các nhà ngoại giao và bạn bè quốc tế, mở rộng mối quan hệ hữu nghị và được họ đánh giá rất cao cả về mặt hội họa lẫn về mặt ngoại giao văn hóa. Hơn 2.000 bức tranh và 112 cuộc triển lãm cá nhân của chị đã ghi dấu hội họa Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế. Không chỉ sáng tác, chị còn luôn đau đáu, trăn trở làm sao giúp được những cảnh ngộ nghèo khó có thể vươn lên được.
Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
Văn Dương Thành cũng là người Việt Nam đầu tiên được mời vào chương trình nghệ thuật đặc sắc quốc tế của CFM-Snecma, Mỹ - Pháp 2 lần vào các năm 1995, 1997 và là một nhân vật trong chương trình Vinh danh nước Việt năm 2007 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Nhiều tác phẩm của bà được Nhà nước chọn làm quà tặng nguyên thủ các nước khi họ đến thăm Việt Nam.
Với hành trình sáng tạo trải dài từ Việt Nam đến những kinh đô nghệ thuật thế giới, Văn Dương Thành không chỉ vẽ nên những tác phẩm nghệ thuật mà còn mang theo câu chuyện văn hóa của quê hương đến với bạn bè năm châu. Ở đó, bà không chỉ là một họa sĩ mà còn là một người kể chuyện, một đại sứ văn hóa, là cầu nối hữu nghị. Với mỗi nét cọ, bà không chỉ vẽ tranh mà còn viết nên những trang sử đẹp về quê hương, con người và nghệ thuật Việt Nam.
Nữ họa sĩ sinh năm 1951 trải lòng: “Khi thể hiện tình cảm quê hương đất nước qua những bức tranh, đương nhiên mình đã chuyển tải tình yêu đất nước đó đến với người xem. Bởi vì, sứ mệnh nghệ thuật là đem lại tình thương yêu, lan tỏa sự nhân ái đến với mọi người, không phân biệt biên giới. Ngôn ngữ của hội họa không cần phiên dịch”.
VUN TRỒNG NHỮNG TÀI NĂNG NGHỆ THUẬT
Mồ côi cha từ nhỏ, 8 chị em của Văn Dương Thành được mẹ Nguyễn Thị Xích với nghị lực lớn đã vất vả nuôi dạy, ăn học thành tài... Vì vậy, nữ họa sĩ và gia đình luôn mong muốn giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhất là học sinh, để các em có cơ hội phát triển tài năng của mình.
50 năm qua, họa sĩ Văn Dương Thành đã giảng dạy hội họa ở Thụy Điển, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore và 3 trường đại học tại Việt Nam. Ngoài việc đào tạo cho những người có năng khiếu, bà còn dạy vẽ cho trẻ khuyết tật và trẻ tự kỷ, âm thầm lan tỏa những giá trị đẹp đẽ đáng trân quý của hội họa cho các trẻ em kém may mắn.
“Đối với tôi, việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm suốt mấy chục năm của mình trong hội họa là rất vui và dễ dàng. Ngoài dạy cho các em thật đặc biệt và tài năng, tôi rất xúc động khi dạy vẽ cho các em mồ côi, khuyết tật, trong đó có trẻ khiếm thị. Dù các em không thấy được gì nhưng đã học và vẽ rất đẹp”, nữ họa sĩ chia sẻ.
Theo họa sĩ Văn Dương Thành, hội họa cũng như âm nhạc có thể chữa lành và đem lại cho các em niềm vui, tự tin và sáng tạo, đã có rất nhiều em thành công. Đó là niềm vui lớn của bà. Nhiều người thắc mắc: Trẻ khiếm thị làm sao có thể vẽ được, lại vẽ rất đẹp? Nó như sự bù trừ vậy, đầu ngón tay của em rất nhạy cảm, cảm nhận và tô màu rất đẹp.
Cuộc thi vẽ tranh Ngôi nhà mơ ước do Tạp chí Trẻ em Việt Nam tổ chức 2 năm qua, với hơn 43.000 tác phẩm tham dự, trong đó có nhiều học sinh khiếm thị của họa sĩ Văn Dương Thành đoạt giải cao.
TRÁI TIM NHÂN ÁI VÀ TINH THẦN CỐNG HIẾN
Sự kiện đặc biệt Trưng bày và đấu giá tranh Văn Dương Thành - Trao gửi yêu thương vừa được tổ chức tại Hà Nội không chỉ là nơi chia sẻ lòng nhân ái, tình yêu thương của họa sĩ với những người dân, đặc biệt là trẻ em, đang cố gắng vượt qua khó khăn và tái thiết cuộc sống sau bão, mà còn là dịp để những người yêu hội họa có cơ hội sở hữu những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và giá trị của Văn Dương Thành.
Mỗi tác phẩm chứa đựng một câu chuyện sáng tạo đặc biệt và thể hiện tinh thần bảo vệ đất mẹ, cuộc sống tươi đẹp cùng niềm hy vọng, hướng thiện. Triển lãm lần này không chỉ là tấm lòng của họa sĩ dành cho đồng bào mà còn là dịp kết nối những tấm lòng hảo tâm thông qua nghệ thuật để đóng góp cho cộng đồng.
Đại sứ Palestine Saddi Salama, Trưởng đoàn Ngoại giao tại Việt Nam cho rằng: “Tôi ngưỡng mộ họa sĩ Văn Dương Thành. Chương trình Trao gửi yêu thương thể hiện tinh thần trách nhiệm của một công dân Việt Nam đối với người dân của mình, đất nước của mình. Điều đó phản ánh tâm hồn của một người luôn luôn nghĩ về người khác, có trách nhiệm không chỉ đối với bản thân, gia đình mình mà còn cho cả cộng đồng”.
Chỉ trong tháng 8 và 9/2024, Văn Dương Thành cũng đã tặng tranh cho 5 cuộc đấu giá thiện nguyện. Trong gala từ thiện do Vingroup tổ chức, họa sĩ Văn Dương Thành tặng 2 tác phẩm trong Bộ tranh biển xanh Phú Yên để đấu giá và đã gây quỹ được 160 triệu đồng để xây trường cho các em bé làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai).
Nhiều tác phẩm hội họa của Văn Dương Thành cũng được đấu giá để gây quỹ xây trường học, hỗ trợ các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật, trao học bổng Văn Gói, xây nhà Tình nghĩa cho gia đình liệt sĩ, tặng quà cho người già neo đơn trong thời gian qua… đã làm cho sự thành công của Văn Dương Thành càng thêm ý nghĩa.
Văn Dương Thành còn cùng Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức phòng tranh phi lợi nhuận trong suốt 3 năm tại Hà Nội, tặng 50 bức tranh để đấu giá gửi các chương trình thiện nguyện. Trong 6 năm, nữ họa sĩ đã đóng góp 12 bức tranh đấu giá tặng học bổng cho sinh viên nghèo Việt Nam thông qua một tổ chức của Hoa Kỳ. Đặc biệt, trong chương trình hòa nhạc quốc tế Ngắm nhìn thế giới năm 2019, Văn Dương Thành đã dành 270 triệu đồng từ tiền bán đấu giá 3 tác phẩm để hỗ trợ chi phí phẫu thuật cho các bệnh nhi.
Cách đây 3 năm, Quỹ Khuyến học Văn Gói và họa sĩ Văn Dương Thành đã trao tặng bộ sưu tập “Biển quê hương” với 15 bức tranh và ảnh nghệ thuật cho Bảo tàng Phú Yên. Trong đại dịch COVID-19, nữ họa sĩ cũng đã gửi gạo và quà cho học sinh nghèo ở quê nhà cũng như khắp các tỉnh thành trên cả nước.
ẤP Ủ MỞ TRẠI SÁNG TÁC TẠI QUÊ NHÀ
Năm 2025, Văn Dương Thành sẽ có hai cuộc triển lãm cá nhân tại Hà Nội, trong đó trưng bày một số tác phẩm về Phú Yên. Và ước mơ của người con Phú Yên là được phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức trại sáng tác hội họa quốc tế tại TP Tuy Hòa. Văn Dương Thành cùng các đại sứ sẽ chọn và mời họa sĩ từ các nước: Pháp, Mỹ, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Hàn Quốc, Trung Hoa… và một vài họa sĩ Việt Nam tên tuổi.
Theo họa sĩ Văn Dương Thành, trại sáng tác sẽ là một dịp để công chúng yêu nghệ thuật và văn nghệ sĩ Phú Yên tiếp xúc với các họa sĩ tên tuổi quốc tế, đồng thời quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh tuyệt đẹp của thiên nhiên Phú Yên, giới thiệu các làng nghề, kiến trúc cổ, những ngôi làng của đồng bào các dân tộc, các tiềm năng âm nhạc dân gian nơi đây.
Kết thúc trại sáng tác, mỗi nghệ sĩ quốc tế sẽ chọn một tác phẩm để tặng Phú Yên làm giàu bộ sưu tập của Bảo tàng Phú Yên. Mỗi nghệ sĩ này sẽ là một đại sứ cho Phú Yên khi trở về đất nước họ. Đó là sự quảng bá sâu sắc và rộng rãi mà nghệ thuật đem lại.
Có lẽ, thành công lớn nhất của nữ họa sĩ Văn Dương Thành không chỉ ở những giải thưởng mà chính là việc bà đã chạm đến trái tim người xem, đưa họ đến gần hơn với vẻ đẹp và tâm hồn người Việt Nam.
Họa sĩ Văn Dương Thành thổ lộ, những gì bà có được hôm nay là nhờ sự giáo huấn của cha mẹ. Họ là những người có công lao trong cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc, là tấm gương để bà học tập và lao động không ngừng nghỉ. Cha bà, liệt sĩ Văn Gói được tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất và hạng nhì, được truy tặng Huân chương Độc lập hạng nhì. Năm 1950, ông bị Pháp bắt và giam cầm suốt 4 năm. Trong tù, ông vẫn phát huy tinh thần yêu nước với vai trò bí thư chi bộ đảng. Trước khi bị đưa đi xử tử, ông vượt ngục thành công ra Bắc và sau đó trở thành "cán bộ cảm tử" xung phong vào Nam tiếp tục chiến đấu. Mẹ Nguyễn Thị Xích cũng được tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhì.