Ngân hàng đã sẵn sàng sống thiếu Thông tư 02?
Thông tư 02 về tái cơ cấu nợ, giãn nợ sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay. Theo các chuyên gia, nhiều khả năng NHNN sẽ không gia hạn thêm cho Thông tư này.
Tác động không lớn
Cuối tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 02 quy định việc các ngân hàng thương mại có thể cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Mục đích của Thông tư 02 tạo điều kiện cho doanh nghiệp được gia hạn nợ, giãn nợ, mà không bị chuyển nhóm nợ, và vẫn tiếp cận được nguồn vốn thuận lợi để vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, phục hồi và phát triển.
Thông tư 02 cũng đóng vai trò rất quan trọng với bên cho vay là các ngân hàng thương mại. Thông tư giúp các ngân hàng có thể tạm hoãn trích lập dự phòng nợ xấu, dành nguồn lực này để đưa vào hỗ trợ nền kinh tế.
Ban đầu, Thông tư 02 chỉ có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024. Sau đó, trong bối cảnh phục hồi chậm, NHNN kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02 đến hết ngày 31/12/2024.
Theo dữ liệu một số công ty chứng khoán, tính đến thời điểm 30/6, Thông tư 02 đã hỗ trợ tổng giá trị nợ gốc và lãi được tái cơ cấu khoảng 230.000 tỷ đồng.
Hiện tại, chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, Thông tư 02 sẽ hết hiệu lực, và NHNN vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ tiếp tục gia hạn Thông tư này.
Việc không được gia hạn các khoản nợ được dự báo sẽ ảnh hưởng tới chất lượng tài sản của các ngân hàng, cũng như các doanh nghiệp trong diện được cơ cấu nợ.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của giới chuyên gia, tác động của việc Thông tư 02 hết hiệu lực sẽ không lớn. Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô và chiến lược thị trường, công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) chia sẻ, đa phần dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 của các ngân hàng đã giảm tương đối đáng kể trong 3 quý đầu năm 2024.
Việc nợ xấu tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm đã phần nào phản ánh sự chuẩn bị của các nhà băng. Đặc biệt riêng trong quý 3, nợ xấu của các ngân hàng niêm yết đã tăng thêm hơn 13.000 tỷ đồng, tương đương tăng 5,6%.
Điều này cho thấy, các ngân hàng chủ động hạ dư nợ để khi Thông tư 02 hết hiệu lực thì áp lực nợ xấu không quá lớn. Nó cũng cho thấy những khách hàng vay nợ đã có thể hoàn thành nghĩa vụ nợ đúng như được cơ cấu.
Mặt khác, tỷ trọng nợ tái cơ cấu trên tổng dư nợ tín dụng của đa phần các ngân hàng hiện nay đều khá thấp, ở mức dưới 1%, vì vậy sẽ không tác động đáng kể tới chất lượng tài sản của nhà băng.
“Nhìn chung, việc Thông tư 02 hết hiệu lực sẽ mang tới hiệu ứng tiêu cực, nhưng không lớn. Nợ xấu của một số ngân hàng có thể sẽ tăng, nhưng mức tăng sẽ có sự phân hóa. Những ngân hàng có bộ đệm dày sẽ có dư địa để loại bỏ nơ xấu khỏi bảng cân đối. Trong khi đó, những ngân hàng có bộ đệm mỏng sẽ gia tăng áp lực trích lập trong giai đoạn 2025-2026”, ông Đức Anh nhận định.
Chuyên gia của MBKE cũng lưu ý, các khoản nợ tái cơ cấu đã được trích lập đầy đủ, do vậy sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận mà chỉ điều chỉnh tỷ lệ nợ xấu trên bảng cân đối. Bên cạnh đó, ngân hàng có thể phát sinh thêm phí phạt do khách hàng trả chậm.
Hoàn thành nhiệm vụ
Đồng quan điểm, bà Lê Thu Uyên, Chuyên gia phân tích ngành Ngân hàng - Trung tâm Phân tích Chứng khoán VPBank (VPBankS Research) nhìn nhận, khả năng cao NHNN sẽ để Thông tư 02 hết hiệu lực vào cuối năm nay.
Theo đó, sau thời điểm này, các tổ chức tín dụng sẽ thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định hiện hành, mà không áp dụng cơ chế cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ như trước.
Điều này đồng nghĩa với việc khách hàng cần tuân thủ các điều khoản trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết.
Việc Thông tư 02 hết hạn cũng không ảnh hưởng tới tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành. Trong các ngân hàng có công bố về nợ cơ cấu theo Thông tư 02, VPBankS nhận thấy dư nợ ở mức thấp và không chiếm tỷ trọng đáng kể trên tổng dư nợ.
BIDV - ngân hàng có số dư lớn nhất trong số các ngân hàng công bố về nợ tái cơ cấu theo với khoảng 12 nghìn tỷ đồng, cũng chỉ chiếm 0,6% tổng danh mục tín dụng.
"Nợ xấu nhiều khả năng đã đạt đỉnh trong quý III/2024 và có thể giảm nhẹ trong quý IV này. Tuy nhiên, một số ngân hàng có thể sẽ phải giảm bộ đệm dự phòng trong thời gian tới", bà Uyên cho biết.
Đối với các doanh nghiệp đang được cơ cấu nợ, chuyên gia VPBankS nhìn nhận những doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, du lịch, và dịch vụ liên quan sẽ là nhóm chịu tác động lớn nhất do thị trường này đến nay vẫn chưa thể phục hồi.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), vốn dĩ đã khó tiếp cận nguồn vốn và phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi không còn cơ chế giãn nợ.
Mặc dù vậy, theo bà Uyên, việc kết thúc Thông tư 02 vào cuối năm nay cũng có thể coi là thời điểm phù hợp.
Việc không gia hạn sẽ thúc đẩy các ngân hàng nâng cao năng lực quản trị rủi ro, giảm tình trạng phụ thuộc vào các chính sách hỗ trợ. Điều này giúp hệ thống tài chính minh bạch hơn, phản ánh chính xác hơn chất lượng tài sản trong dài hạn.
Phía các doanh nghiệp vay nợ cũng có động lực tự tái cơ cấu và nâng cao năng lực cạnh tranh thay vì trông chờ vào chính sách hỗ trợ.
“Mục tiêu chính của Thông tư 02 là tạo điều kiện cho khách hàng vượt qua khó khăn tài chính tạm thời, đồng thời hỗ trợ hệ thống ngân hàng giảm thiểu rủi ro tín dụng do ảnh hưởng của Covid-19. Đến thời điểm hiện tại, Thông tư có thể coi là đã hoàn thành nhiệm vụ khi nền kinh tế đang phục hồi tốt và các ngân hàng đã ổn định được bảng cân đối”, bà Uyên nhìn nhận.