Ngân hàng Chính sách xã hội sẵn sàng tâm thế cho chặng đường mới
Năm 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội đã hoàn thành giai đoạn 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW và tiếp tục tâm thế sẵn sàng cho một chặng đường mới. Đặc biệt, năm 2025 là giai đoạn quan trọng cho việc thực thi các nhiệm vụ mới theo tinh thần Chỉ thị 39-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Hoàn thành 10 năm Chỉ thị số 40-CT/TW
Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành từ tháng 11/2014 đã vạch ra tinh thần, định hướng xuyên suốt cho hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trong suốt 10 năm qua.
Vốn tín dụng chính sách tích cực phục vụ an sinh xã hội
Trong năm 2024, vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 712 nghìn lao động, giúp hơn 88,5 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng gần 1.760 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 1.143 căn nhà ở cho hộ nghèo, hơn 6,2 nghìn căn nhà ở xã hội…
Trên cơ sở đó, pháp luật và cơ chế, chính sách về tín dụng chính sách xã hội được hoàn thiện theo hướng đồng bộ hơn, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động của tín dụng chính sách xã hội. Nguồn vốn chính sách xã hội có sự tăng trưởng vượt bậc với tốc độ tăng trưởng ổn định qua các năm, đặc biệt 100% địa phương cấp tỉnh, cấp huyện đã quan tâm cân đối, bố trí một phần ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay.
Chất lượng tín dụng chính sách xã hội được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh được duy trì ở mức thấp. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát, phản biện xã hội trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội; thực hiện tốt các hoạt động nhận ủy thác. Mô hình và phương thức hoạt động của NHCSXH được khẳng định và ngày càng được cùng cố.
Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, miền; bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, xã hội; đáp ứng nguyện vọng của nhân dân... qua đó ngày càng củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Đây là “điểm sáng”, một trong những “trụ cột” của hệ thống các chính sách an sinh xã hội, minh chứng thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Kết quả cho vay các chương trình tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Đến ngày 31/12/2024, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt dư nợ cho vay đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đạt khoảng 140.423 tỷ đồng, chiếm 38,2% tổng dư nợ, với hơn 2,8 triệu hộ đang còn dư nợ, trong đó, dư nợ cho vay tại các huyện nghèo đạt 35.289 tỷ đồng, chiếm 9,6% tổng dư nợ, với gần 650 nghìn hộ đang còn dư nợ.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt khoảng 324.958 tỷ đồng, chiếm 88,4% tổng dư nợ, tập trung vào một số lĩnh vực chính như: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là 210.248 tỷ đồng (chiếm 64,7%); cho vay tiêu dùng trên địa bàn nông thôn (xây nhà ở; cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường; giáo dục và đào tạo...) là 84.489 tỷ đồng (chiếm 26%); ngành công nghiệp, thương mại và cung ứng dịch vụ phi nông nghiệp là 16.898 tỷ đồng (chiếm 5,2%)...
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi dư nợ đạt khoảng 130.130 tỷ đồng, chiếm 35,4%/tổng dư nợ, với hơn 2,4 triệu khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ đối với đối tượng vay vốn là hộ dân tộc thiểu số đạt khoảng 89.455 tỷ đồng, với hơn 1,6 triệu hộ còn dư nợ, chiếm 24,3%/tổng dư nợ; dư nợ bình quân 1 hộ dân tộc thiểu số đạt 56 triệu đồng (dư nợ bình quân chung toàn quốc là 53,4 triệu đồng/khách hàng).
Vững vàng tâm thế trước chặng đường mới
Cuối năm 2024, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới, tiếp tục khẳng định vai trò của tín dụng chính sách đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
NHCSXH tiếp nhận các nhiệm vụ mới với tâm thế vững vàng, tự tin sau thành quả 10 năm triển khai thành công Chỉ thị số 40. Đặc biệt, năm 2024 với vai trò một năm bản lề quan trọng cũng đã ghi nhận những kết quả khả quan, tạo nền tảng cho NHCSXH vững vàng vượt qua những khó khăn thách thức trong giai đoạn mới.
Số liệu đến cuối năm 2024 cho thấy, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đến ngày 31/12/2024 đạt 376.247 tỷ đồng, tăng 29.823 tỷ đồng so với năm 2023, trong đó, vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 50.681 tỷ đồng, tăng 11.506 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 13,5%. Cũng tính đến 31/12/2024, tổng doanh số cho vay đạt 119.507 tỷ đồng, với 2.321 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 367.631 tỷ đồng, tăng 35.708 tỷ đồng (+10,8%) so với năm 2023 với gần 6.890 nghìn khách hàng còn dư nợ.
Bước sang năm 2025, để thực hiện kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2025 nhằm đáp ứng nguồn vốn cho vay hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác, thanh toán kịp thời các khoản nợ đến hạn và bảo đảm khả năng thanh toán toàn hệ thống, NHCSXH tiếp tục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, NHCSXH sẽ tham mưu Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tổ chức, triển khai thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành trung ương, Ngân hàng Nhà nước xây dựng dự thảo trình Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai chỉ thị; Ban Kinh tế Trung ương ban hành hướng dẫn thực hiện chỉ thị; Xây dựng dự thảo Kế hoạch triển khai của HĐQT NHCSXH và Chương trình hành động của NHCSXH để triển khai thực hiện Chỉ thị số 39/CT-TW của Ban Bí thư và Kế hoạch thực hiện Chỉ thị của Chính phủ.
Ngoài ra, nhiều nhiệm vụ khác cũng sẽ được NHCSXH tập trung thực hiện trong năm 2025 như tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành trung ương, tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp tại Chiến lược phát triển NHCSXH đến năm 2030. Phối hợp tham mưu công tác ủy thác nguồn vốn ngân sách địa phương; tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng và quản lý và xử lý nợ rủi ro; tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2025…