5 giải pháp để Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng 8%

Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, Việt Nam cần tập trung vào 5 giải pháp.

Bên cạnh những thuận lợi, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025 cũng đối mặt với nhiều thách thức. Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, Việt Nam cần tập trung triển khai đồng bộ 5 giải pháp.

Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025. Ảnh minh họa

Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025. Ảnh minh họa

Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng trên 8%, theo bà đâu là những yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025?

Bà Nguyễn Thị Hương: Các yếu tố thuận lợi, hỗ trợ cho tăng trưởng GDP năm 2025 có thể kể đến như nhu cầu trong nước và thế giới gia tăng, tạo động lực cho sản xuất của Việt Nam phát triển. Các ngành chế biến, chế tạo, điện tử, dệt may, da giày và các ngành công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ hỗ trợ du lịch được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và đóng góp vào tăng trưởng chung.

Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang tạo ra cơ hội lớn cho Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghệ cao.

Các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, như CPTPP, EVFTA, tiếp tục mở ra cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa Việt Nam, thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng của ngành nông lâm nghiệp thủy sản, công nghiệp.

Cùng với đó, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo được xác định là động lực tăng trưởng mới cho các ngành kinh tế. Chính phủ đang khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Đầu tư công sẽ được triển khai tích cực. Cơ sở hạ tầng tiếp tục được nâng cấp với các dự án lớn như cao tốc Bắc - Nam và các cảng biển hiện đại. Nhờ đó, chi phí vận chuyển giảm đáng kể, giúp doanh nghiệp cải thiện tính cạnh tranh. Hỗ trợ từ Chính phủ cam kết duy trì môi trường kinh doanh ốn định, tăng cường các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất nhập khẩu... điều này sẽ mở ra cơ hội cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025.

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Ảnh: GSO

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. Ảnh: GSO

Bên cạnh những thuận lợi, đâu là những khó khăn có thể tác động đến tăng trưởng GDP năm 2025, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hương: Bên cạnh những thuận lợi, tăng trưởng GDP năm 2025 cũng đối mặt với những khó khăn, thách thức. Cụ thể, ngoài các rủi ro về xung đột vũ trang, căng thẳng địa chính trị, kinh tế thế giới bất ổn, biến đổi khí hậu, kinh tế Việt Nam năm 2025 phải đối mặt với những khó khăn sau:

Cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là về giá thành, chất lượng và công nghệ, trong khi năng lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam còn hạn chế về công nghệ, quản lý, nguồn nhân lực và khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Xu thế bảo hộ của các quốc gia thông qua các rào cản kỹ thuật, quy định về kiểm dịch, an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu ngày càng chặt chẽ, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng nhiều yêu cầu kỹ thuật.

Nguy cơ tụt hậu từ những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0: Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp phải nhanh chóng đổi mới công nghệ và chuyển đổi số để không bị tụt hậu. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hạ tầng logistics và chuỗi cung ứng của Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như chi phí cao và thời gian vận chuyển chưa tối ưu, dù đã có cải thiện, nhưng vẫn còn hạn chế về chi phí và hiệu quả. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí logistics của Việt Nam chiếm tới 16-20% GDP, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu.

Chất lượng nguồn nhân lực và công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu khả năng đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời, việc đầu tư vào công nghệ hiện đại và quy trình sản xuất bền vững vẫn chưa đạt mức cần thiết.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, Việt Nam cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp. Ảnh minh họa

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, Việt Nam cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp. Ảnh minh họa

Với những thuận lợi và khó khăn trên, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, Việt Nam cần tập trung những giải pháp nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hương: Bước sang năm 2025, kinh tế nước ta vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu nhiều tác động trước những rủi ro, bất ổn trên thế giới về kinh tế, chính trị, thiên tai, dịch bệnh… Theo đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% như Chính phủ cố gắng phấn đấu là không dễ dàng, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Vì vậy, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau đây:

Một là, chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ổn định tỷ giá, mặt bằng lãi suất; kiểm soát giá cả, thị trường; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, diễn biến chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước là đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam; chủ động có phương án ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh.

Cùng với đó, liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để có phản ứng kịp thời nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế trong năm tới. Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng xăng dầu, xây dựng các phương án điều tiết nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống người dân.

Hai là, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư quy mô lớn, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Triển khai thực hiện mạnh mẽ các quy hoạch tỉnh, vùng, ngành tạo động lực, năng lực mới cho phát triển kinh tế năm 2025. Tập trung thúc đẩy tiến độ thi công các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm, hạ tầng giao thông quan trọng; phát huy nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước; thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực khu vực tư nhân, khu vực nước ngoài. Có chính sách ưu đãi, cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao..., thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) tại Việt Nam.

Ba là, đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước. Thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa. Vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để tăng cường tiêu thụ hàng Việt Nam, đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa tại các địa phương có các sản phẩm đặc thù, lợi thế. Nâng cao chất lượng các loại dịch vụ, nhất là dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch nội địa; tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế.

Bốn là, tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với vốn vay ưu đãi, lãi suất hợp lý; hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực hỗ trợ của nhà nước; cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; cung cấp thông tin thị trường và hỗ trợ pháp lý trong thương mại, đầu tư quốc tế, cập nhật thông tin đầy đủ, chính xác, thường xuyên những thông tin quy định chính sách của các thị trường xuất khẩu chủ yếu như châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản…

Năm là, thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, tiết kiệm tài nguyên, phát triển bền vững (ESG)…; đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường.

Xin cảm ơn bà!

Nguyễn Hòa (thực hiện)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/5-giai-phap-de-viet-nam-dat-muc-tieu-tang-truong-8-371341.html
Zalo