Cần cơ chế thuế cho doanh nghiệp đăng ký hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Trung tâm tài chính
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung chính sách quy định về cơ chế thuế phù hợp với các doanh nghiệp đăng ký hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Trung tâm tài chính.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo.
Dự thảo Nghị quyết quy định đối tượng được đăng ký thành viên Trung tâm tài chính là các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, sàn giao dịch chứng khoán, vàng, ngoại tệ, quỹ đầu tư tài chính, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm… Đây là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính.
Tuy nhiên, theo VCCI, dự thảo chưa đề cập đến các khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính lớn như các tập đoàn, các công ty mẹ, công ty holding. Điều này dẫn đến câu hỏi là các doanh nghiệp phi tài chính có được phép đăng ký thành viên của Trung tâm tài chính hay không?
Tham khảo kinh nghiệm một số Trung tâm tài chính khác trên thế giới cũng có quy chế đăng ký thành viên, VCCI cho hay, đối tượng được phép tham gia được chia thành hai nhóm rõ ràng, các doanh nghiệp tài chính và các doanh nghiệp phi tài chính.
Mục 2.2.3 của Dự thảo về chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với fintech đang được thiết kế theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết về các biện pháp quản lý tài sản mã hóa, tiền mã hóa, NFT, token tiện ích… “Quy định như vậy sẽ dẫn đến nguy cơ Chính phủ gặp khó trong việc ban hành văn bản hướng dẫn do không thể quy phạm hóa các vấn đề quá mới và còn đang biến đổi rất nhanh”, theo VCCI.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo thay đổi cách tiếp cận, cho phép doanh nghiệp đề xuất giải pháp để đáp ứng các mục tiêu quản lý của Nhà nước. Cụ thể, Nhà nước cần đặt ra các mục tiêu như bảo vệ quyền sở hữu, phòng chống lừa đảo, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, phòng chống rửa tiền, an ninh năng lượng và môi trường…
Các doanh nghiệp fintech khi xin phép sẽ trình bày mô hình kinh doanh của mình và thuyết minh các giải pháp để đạt được các mục tiêu trên. Cơ quan nhà nước tiến hành xem xét, đánh giá, thẩm định các giải pháp và cấp phép cho hoạt động fintech đó.
Doanh nghiệp phải thực hiện đúng các giải pháp đã cam kết và phải báo cáo cũng như chịu sự kiểm tra giám sát thường xuyên của cơ quan nhà nước. Sau một thời gian, khi giải pháp của doanh nghiệp được chứng minh là hiệu quả thì Nhà nước mới tiến hành xây dựng thành quy phạm quản lý.
Bên cạnh đó, VCCI cũng góp ý quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động đầu tư cho đổi mới, sáng tạo. Cụ thể, Mục 2.3.6 về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp mới chỉ tập trung vào việc miễn giảm loại thuế này. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp startup, quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp hiện đang cản trở dòng vốn đổ vào thị trường này.
Ví dụ, trường hợp một doanh nghiệp chuyên đầu tư mạo hiểm cho các startup. Doanh nghiệp này góp vốn vào nhiều doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (startups). Các startups này thường có tỷ lệ thành công thấp, nhưng nếu thành công thì mang lại lợi nhuận lớn do giá trị phần vốn góp có thể tăng gấp nhiều lần.
Khi doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm bán phần vốn góp ở startup thành công và có doanh thu chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, khoản chi phí đã đầu tư vào các startups thất bại không được trừ khi xác định nghĩa vụ thuế do nguyên tắc chi phí phải tương ứng với doanh thu theo pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung chính sách quy định về cơ chế thuế phù hợp với các doanh nghiệp đăng ký hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Trung tâm tài chính...
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khung pháp lý áp dụng cho Trung tâm tài chính phải có tính đột phá, đảm bảo phát huy tối đa các lợi thế của Việt Nam; bắt kịp xu hướng phát triển quốc tế, theo chuẩn mực, thông lệ tiên tiến của thế giới, bảo đảm nguyên tắc pháp quyền, hài hòa với cam kết quốc tế.
Đồng thời, bảo đảm sự đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, có tính cạnh tranh cao, khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn và năng lực nội tại, trong đó ưu tiên lợi ích quốc gia là trên hết, đặc biệt là uy tín và an ninh tài chính quốc gia.
Việc xây dựng Trung tâm tài chính cũng phải bảo đảm cân đối lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro; cần dự báo và có thể phải chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định nhưng tăng cường vị thế địa chính trị, địa kinh tế của Việt Nam, gắn lợi ích kinh tế các đối tác, các nước lớn. Qua đó, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh “phi truyền thống”; ổn định và phát triển toàn diện về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường...
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay trên thế giới có 121 Trung tâm tài chính và đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ trong việc trở thành các Trung tâm tài chính hàng đầu, với các sản phẩm hấp dẫn, đổi mới sáng tạo, phù hợp với sự vận động và phát triển.
Nhu cầu về một Trung tâm tài chính mới, khác biệt với những Trung tâm tài chính hiện có để tiếp nhận nguồn lực tài chính dịch chuyển từ các Trung tâm tài chính quốc tế lớn, cung cấp dịch vụ tài chính mới, tiếp cận các thị trường mới, xu thế phát triển mới... đang cấp thiết. Trong đó, khả năng hình thành Trung tâm tài chính mới ở châu Á - Thái Bình Dương, nơi được đánh giá là trung tâm kinh tế năng động nhất thế giới hiện nay đang ngày càng bộc lộ rõ nét.