Nghịch lý tăng trưởng – lựa chọn nào trước những ngả rẽ?
Mô hình theo đuổi tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá có thể gây ra những hệ lụy nào? Vì sao trường phái kinh tế học môi trường chỉ mới thu hút sự chú ý gần đây? Nghịch lý tăng trưởng là gì và những bài học nào cho Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển kế tiếp?
Các trường phái kinh tế và lịch sử mô hình tăng trưởng
Năm 1776, tác phẩm “Sự giàu có của các quốc gia” của Adam Smith ra đời, khởi nguồn cho các lý thuyết về tăng trưởng kinh tế và thị trường tự do với nguyên lý “bàn tay vô hình” nổi tiếng. Tác phẩm này cũng đánh dấu sự ra đời của trường phái kinh tế học cổ điển, trong đó nhấn mạnh đến ba yếu tố sản xuất chính tạo ra tăng trưởng, gồm lao động, vốn và đất đai (tài nguyên thiên nhiên như đất nông nghiệp, khoáng sản, nước, rừng và không khí).
Đúng 160 năm sau đó, tác phẩm “Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ” (năm 1936) của John Maynard Keynes đã đặt nền móng cho kinh tế học vĩ mô hiện đại, hình thành nên trường phái kinh tế Keynesian mà vẫn còn có tầm ảnh hưởng đến tận ngày nay. Theo đó, Keynes đề cao vai trò của chính phủ trong điều tiết nền kinh tế thông qua các chính sách tài khóa và tiền tệ để kích thích nhu cầu và tăng trưởng, vì cho rằng thị trường không phải lúc nào cũng tự điều chỉnh hiệu quả.
Trong gần 250 năm qua, nhiều trường phái kinh tế đã lần lượt hình thành. Từ kinh tế học cổ điển, tân cổ điển, Marxist, Keynesian, tân Keynesian, trường phái Áo, kinh tế học thể chế, hành vi, trường phái Chicago hay hậu Keynesian, dù ít nhiều vẫn có màu sắc riêng biệt và thay phiên nhau thống trị trong từng thời kỳ, nhưng tựu trung lại chủ yếu xoay quanh luận điểm về vai trò của thị trường và chính phủ trong việc thúc đẩy tăng trưởng. Như giải Nobel Kinh tế năm 2024 vừa qua được trao cho ba nhà kinh tế gồm Daron Acemoglu, Simon Johnson và James Robinson, cũng nhấn mạnh đến vai trò của thể chế trong việc định hình hành vi kinh tế.
Nhưng dù theo trường phái nào nói trên, là thị trường tự do đề cao quan điểm tăng trưởng đến từ việc tối đa hóa lợi ích của cá nhân và doanh nghiệp, hay vai trò điều tiết can thiệp của chính phủ là quan trọng hơn, vấn đề bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên chưa được đặt ra như là mối quan tâm chính, mà thay vào đó chỉ tập trung đến mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với những ảnh hưởng từ động lực và sự vận hành của yếu tố lao động hay tư bản (vốn), ngay cả với những trường phái trước đó như trọng nông hay trọng thương.
Việc kích thích tiêu dùng để thúc đẩy các hoạt động sản xuất và tăng trưởng kinh tế nhanh nhất có thể, vô hình trung lại gây ra sự thừa mứa và lãng phí không cần thiết, cũng như làm gia tăng rác thải, gây áp lực lên các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên. Chính sách này cũng khiến bất bình đẳng xã hội càng gia tăng, khi người giàu có xu hướng tiêu dùng xa xỉ, trong khi người nghèo bị áp lực phải chi tiêu vượt khả năng để “đuổi kịp” mức sống.
Chỉ 50 năm trở lại đây, những tác động của tăng trưởng kinh tế đến môi trường mới thật sự được chú ý, khởi nguồn từ tác phẩm “Nền kinh tế ổn định” xuất bản năm 1977 của Herman Daly, trong đó đề xuất một nền kinh tế không tăng trưởng để bảo vệ hệ sinh thái. Theo đó, trường phái kinh tế học môi trường cũng bắt đầu nổi lên, khi kết hợp các lý thuyết kinh tế với mục tiêu phát triển bền vững và phân tích các giải pháp kinh tế để đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu hay ô nhiễm.
Tiếp theo đó là nhánh kinh tế học phát triển đã hình thành trong thời đại toàn cầu hóa, đại diện nổi bật là Amartya Sen (đạt giải Nobel Kinh tế năm 1998) với tác phẩm “Phát triển và tự do” xuất bản năm 1999. Bên cạnh việc tập trung vào các vấn đề giải quyết nghèo đói, bất bình đẳng, nâng cao chất lượng cuộc sống tại các nước đang phát triển, và dù vẫn đề cao vai trò của thể chế và chính sách công trong việc thúc đẩy phát triển và giảm thất bại thị trường, trường phái này cũng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng và bảo vệ môi trường.
Cái giá của theo đuổi tăng trưởng bằng mọi giá
Nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu trong hai thập niên qua, Trung Quốc trong thời gian ngắn đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhờ vào công nghiệp hóa nhanh chóng, thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng và xuất khẩu quy mô lớn. Tuy nhiên, cái giá phải đánh đổi là tình trạng ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước tại quốc gia tỉ dân này đã ảnh hưởng nặng nề lên sức khỏe người dân. Thủ đô Bắc Kinh từng là nơi ô nhiễm nhất thế giới, còn các thành phố như Thành Đô, Trùng Khánh, Vũ Hán, Quảng Châu, Thâm Quyến, Thượng Hải hiện vẫn nằm trong nhóm các thành phố lớn ô nhiễm nhất.
Quốc gia đông dân nhất thế giới là Ấn Độ - láng giềng của Trung Quốc, cũng chứng kiến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng và nguồn nước bị cạn kiệt, sau nhiều năm khai thác than ồ ạt để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho các ngành công nghiệp và điện lực. Một loạt thành phố của Ấn Độ ngày nay đều nằm trong danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới, với thủ đô New Delhi ở vị trí đầu tiên theo bảng xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất của IQAIR tính đến ngày 1-12-2024. Đáng lưu ý, Việt Nam có hai thành phố nằm trong tốp 10 của bảng xếp hạng này, gồm thủ đô Hà Nội ở vị trí thứ 3 và TPHCM xếp thứ 9, là điều đáng suy nghĩ.
Quốc gia thứ ba trong nhóm BRICS - Brazil, không chỉ chứng kiến hệ sinh thái nội địa bị hủy hoại sau nhiều năm tàn phá rừng Amazon để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thông qua mở rộng đất nông nghiệp và khai thác gỗ, mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ thế giới khi việc chặt phá rừng và đốt cây ở khu vực được xem là lá phổi của Trái đất đã làm tăng lượng phát thải CO2, góp phần lớn vào biến đổi khí hậu toàn cầu.
Đó chỉ là ba trong số nhiều ví dụ cho thấy mô hình “tăng trưởng áp bức tự nhiên” đã mang đến những thiệt hại nghiêm trọng cho các quốc gia, từ làm tổn thương môi trường đến các cấu trúc kinh tế - xã hội, mà hệ quả là sau đó các nước lại phải chi ra những khoản ngân sách khổng lồ, hy sinh rất nhiều nguồn lực và thời gian để khắc phục hậu quả, nhưng có lẽ mọi thứ sẽ không còn có thể trở lại như xưa.
Là quốc gia nhiệt đới giáp biển, Việt Nam nằm trong nhóm sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ nguy cơ biến đổi khí hậu, khiến mực nước biển dâng cao, thời tiết cực đoan - các cơn bão và lũ lụt xảy ra với tần suất và cường độ ngày càng tăng, ảnh hưởng đến an ninh lương thực, gây thiệt hại đến kinh tế - xã hội, mà siêu bão Yagi trong năm vừa qua đã thể hiện rõ tác động này.
Không chỉ vậy, việc các nước theo đuổi tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá cũng khiến tình trạng bất bình đẳng và chênh lệch giàu nghèo ngày càng gia tăng, khi phân phối lợi nhuận không công bằng có thể dẫn đến xung đột xã hội. Nhiều doanh nghiệp cố gắng tận dụng khai thác tài nguyên hết mức có thể để kiếm lợi nhuận lớn trong ngắn hạn, mà không quan tâm đến hậu quả gây ra, trong khi số đông dân chúng lại là nạn nhân khi tài nguyên bị xói mòn, ảnh hưởng đến sinh kế và buộc phải di cư. Tương tự, các chính phủ cũng vì theo đuổi tăng trưởng đã thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bằng mọi cách, kể cả việc chấp nhận những dự án kém chất lượng gây ô nhiễm môi trường, mà không lường trước cái giá phải trả trong tương lai sẽ rất đắt.
Ngoài ra, việc kích thích tiêu dùng để thúc đẩy các hoạt động sản xuất và tăng trưởng kinh tế nhanh nhất có thể, vô hình trung lại gây ra sự thừa mứa và lãng phí không cần thiết, cũng như làm gia tăng rác thải, gây áp lực lên các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên. Chính sách này cũng khiến bất bình đẳng xã hội càng gia tăng, khi người giàu có xu hướng tiêu dùng xa xỉ, trong khi người nghèo bị áp lực phải chi tiêu vượt khả năng để “đuổi kịp’’ mức sống.
Lựa chọn trước các ngả rẽ và những thách thức
“Nghịch lý tăng trưởng” (Growth Paradox) hoặc “Điểm tăng trưởng không hiệu quả” (Uneconomic Growth) là lý thuyết được nhà kinh tế học Herman Daly khai sinh, cho rằng khi tăng trưởng kinh tế tiếp tục vượt qua một mức nhất định, lợi ích thu được từ tăng trưởng sẽ giảm dần, trong khi chi phí môi trường và xã hội tăng lên, vì những giới hạn tất yếu về sinh thái của hành tinh.
Theo đó, các nguyên tắc cho một nền kinh tế ổn định gồm: (i) Ổn định dân số: duy trì tỷ lệ sinh và tử ở mức cân bằng để tránh áp lực lên tài nguyên thiên nhiên; (ii) Ổn định tiêu thụ tài nguyên: Hạn chế sử dụng tài nguyên không tái tạo bằng cách áp dụng hạn ngạch khai thác và tăng cường tái chế, tái sử dụng; (iii) Sử dụng năng lượng tái tạo: Chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch như mặt trời, gió và thủy điện, đồng thời tăng cường áp thuế Pigou (thuế đánh vào các hoạt động gây hại đến môi trường như thuế carbon hoặc thuế xả thải); (iv) Thay đổi hệ thống đo lường kinh tế: Thay thế chỉ số tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bằng các chỉ số phản ánh sự bền vững, chất lượng cuộc sống, và sức khỏe môi trường như chỉ số Genuine Progress Indicator (GPI) phản ánh sự tiến bộ thực sự của xã hội, hay Ecological Footprint dùng để đo lường tác động sinh thái của các hoạt động kinh tế.
Các học thuyết hệ sinh thái kinh tế cũng đã trở thành nền tảng và tạo cảm hứng cho các phong trào chính trị, kinh tế và xã hội tại nhiều nước, một trong số đó là phong trào Degrowth (giảm tăng trưởng) lan tỏa khắp châu Âu những năm gần đây, với các đề xuất chống lại tư tưởng tăng trưởng vô hạn, thúc đẩy lối sống đơn giản và bền vững, tập trung vào công bằng xã hội và tăng cường kết nối cộng đồng và hạnh phúc cá nhân.
Trong khi đó, một số nước hiện nay đã không còn coi GDP là tiêu chí chính để đo lường sự phát triển và thịnh vượng, thay vào đó áp dụng các chỉ số khác tập trung vào phúc lợi con người, bền vững môi trường và chất lượng cuộc sống. Đơn cử như Bhutan sử dụng chỉ số Tổng hạnh phúc quốc gia (Gross National Happiness - GNH); New Zealand triển khai Ngân sách Phúc lợi (Wellbeing Budget) từ năm 2019, sau đó Scotland và Iceland cũng tham gia liên minh Wellbeing Economy Governments (WEGo) cùng với New Zealand; Phần Lan tập trung vào chỉ số Chất lượng cuộc sống và được biết đến là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới (theo Báo cáo Hạnh phúc thế giới); Canada áp dụng chỉ số Phát triển con người (HDI) và Chỉ số Tiến bộ thực (GPI)...
Việt Nam những năm gần đây cũng dần định hướng chú trọng phát triển bền vững, với những cam kết và chính sách cụ thể, từ cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26); giảm phát thải khí methane 30% vào năm 2030; chấm dứt đầu tư vào các dự án điện than mới; tăng cường năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, đồng thời giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch; giảm phá rừng và tăng độ che phủ rừng với chương trình “trồng 1 tỉ cây xanh” trên cả nước; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy công nghệ sạch và quản lý chất thải hiệu quả; chọn lọc dự án FDI; nâng cao hiệu quả và tăng cường kiểm soát việc khai thác tài nguyên quốc gia...
Tương tự, cộng đồng doanh nghiệp trong nước cũng chú trọng thực thi các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị (ESG); triển khai nhiều chương trình, giải pháp để thích ứng với xu hướng phát triển kinh tế mới, từ việc áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất như Vinamilk, Heineken Việt Nam, Vĩnh Hoàn; tăng tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo như Tập đoàn Masan, sản xuất xe điện như VinFast; thúc đẩy tiêu dùng bền vững và giảm thiểu rác thải nhựa như Nestlé, Unilever Việt Nam; đầu tư vào công nghệ xanh và đổi mới sáng tạo như bóng đèn Điện Quang, nhựa An Phát Xanh... Các ngân hàng cũng chú trọng tăng trưởng tín dụng xanh, định kỳ công bố Báo cáo Phát triển bền vững, theo đuổi chiến lược phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội, như chương trình “Ta để lại gì cho mai sau” của Ngân hàng ACB...
Dù vậy, trong một thế giới đa cực mà các quốc gia vẫn đang cạnh tranh để tăng trưởng, việc áp dụng nền kinh tế ổn định để bảo vệ môi trường vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Với các nước đang phát triển, tăng trưởng kinh tế không chỉ để xóa đói giảm nghèo, mà còn để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của lượng lớn dân số với đòi hỏi chất lượng cuộc sống phải liên tục được cải thiện. Ngoài ra, các nước này vì chất lượng lao động và nguồn vốn đầu tư còn nhiều hạn chế, công nghệ sản xuất lỗi thời và chậm thay đổi, nên buộc phải sử dụng tài nguyên như là một trong những động lực chính để thúc đẩy kinh tế.
Trong khi đó, các nước phát triển lại vẫn đang duy trì lựa chọn tiêu thụ phần lớn tài nguyên (nhưng chú trọng nhập khẩu thô từ các nước khác hơn là tự khai thác của chính mình), nhằm đảm bảo nhu cầu cuộc sống hiện đại như đang có, vì không dễ gì giảm mức độ, thói quen tiêu thụ và từ bỏ những tiện nghi vật chất xa xỉ, đồng thời tin rằng tăng trưởng cũng là cách để đảm bảo vị thế kinh tế hùng mạnh của mình. Việc nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ có thể một lần nữa rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris trong nhiệm kỳ lần thứ hai sắp tới của Tổng thống Donald Trump là minh chứng rõ ràng nhất, cho thấy con đường chuyển dịch mô hình tăng trưởng của kinh tế toàn cầu nói chung và nhiều nước ắt sẽ vẫn còn lắm gian nan.