Xuất, nhập khẩu năm 2024: Kỳ tích mới
Với các biện pháp tích cực, đồng bộ để hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do... kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2024 của Việt Nam đạt 786,29 tỷ USD, ghi nhận kỷ lục mới của Việt Nam.
Tận dụng tốt thời cơ từ các FTA
Việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam tăng trưởng, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Có thể nói đây là giải pháp “một mũi tên trúng nhiều đích".
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,3%, nhập khẩu tăng 16,7%. Xuất siêu đạt mức kỷ lục 24,77 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - ông Phùng Đức Tiến cho biết, khả năng xuất khẩu của ngành Nông nghiệp năm 2024 sẽ thiết lập mốc 62 tỷ USD, lập kỷ lục cao nhất từ trước tới nay và đã vượt xa mục tiêu Chính phủ giao cho ngành Nông nghiệp.
Lý giải về kết quả tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt tốc độ hơn 15% so với cùng kỳ, Bộ Công thương cho rằng, doanh nghiệp đã tận dụng tốt cơ hội từ các FTA.
Thực hiện có hiệu quả các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới đã tạo ra cơ hội mở rộng, đa dạng hóa thị trường với mức ưu đãi cao, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, mạng lưới sản xuất toàn cầu. Đồng thời, góp phần tích cực vào quá trình đổi mới đồng bộ và toàn diện, khơi dậy tiềm năng của đất nước và sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao trình độ phát triển, giảm dần tỉ trọng gia công lắp ráp của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, các FTA thế hệ mới góp phần quan trọng tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút được nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn, có tiềm năng từ các nước trong khu vực và thế giới đầu tư vào Việt Nam, góp phần tích cực phát triển thương mại, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu.
Về tác động theo ngành, đối với lĩnh vực công nghiệp, các FTA góp phần chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng chế biến, giảm tỷ trọng hàng thô, sơ chế; tăng tỷ trọng hàng công nghệ chế biến, giảm tỷ trọng hàng nông, lâm, thủy sản; tăng tỷ trọng của khu vực FDI và khu vực kinh tế tư nhân, giảm tỷ trọng xuất khẩu khu vực kinh tế nhà nước.
Sau 5 năm Việt Nam thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước trong Hiệp định CPTPP đã tăng gần 20 tỷ USD sau 5 năm có hiệu lực.
Đối với Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA), ông Nguyễn Cảnh Cường, cựu Tham tán công sứ tại Anh chia sẻ, sau 3 năm thực thi, UKVFTA đã trở thành cầu nối đưa hàng hóa thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Anh, giúp gia tăng kim ngạch thương mại song phương. Đặc biệt, sự hiện diện các thương hiệu hàng hóa Việt Nam khác nhau theo nhóm mặt hàng, đạt từ 12% - 19%.
“Kết quả này có được là nhờ sự năng động của doanh nghiệp Việt, đặc biệt những doanh nghiệp trẻ, có những kỹ năng mới về công nghệ số, tiếp thị trên các nền tảng kỹ thuật số, giúp việc tìm kiếm thông tin nhanh hơn so với các phương pháp truyền thống” - ông Nguyễn Cảnh Cường cho biết.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) ghi nhận, lợi thế UKVFTA mang lại cho thủy sản Việt Nam rất lớn, bởi nhiều mặt hàng chủ lực thuế nhập khẩu đã chuyển về 0%. Cụ thể là tôm và cá tra. "Hiện nay mặt hàng tôm đang chiếm 70% tổng kim ngạch mà xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Anh và tiếp theo là mặt hàng cá tra cũng vậy, chiếm 20%..." - ông Hoài Nam nói.
Phát triển bền vững, đẩy mạnh xuất khẩu xanh
Đạt được tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu ở trạng thái xuất siêu là một kỳ tích, điểm sáng của nền kinh tế nước ta trong năm 2024. Tuy nhiên, để giữ đà tăng trưởng này, hoạt động xuất khẩu của nước ta cũng đối mặt với những thách thức mới khi phát triển bền vững đã trở thành một xu thế của thời đại, định hướng chiến lược phát triển của mỗi quốc gia.
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chia sẻ, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh đã trở thành điều kiện tiên quyết để duy trì năng lực cạnh tranh và bảo đảm sự phát triển lâu dài của các nền kinh tế. Những chính sách quan trọng như Thỏa thuận xanh châu Âu (European Green Deal), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan) hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030 đang có ảnh hưởng lớn đến phương thức tăng trưởng, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trên thế giới.
Các chính sách này không chỉ tập trung vào mục tiêu giảm phát thải mà còn đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe hơn về trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường, yêu cầu các nước xuất khẩu phải thay đổi phương thức sản xuất và cách tiếp cận để đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao. Đây là thách thức lớn mà doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt và phải vượt qua trong năm 2025 nếu như muốn giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa. Sự chuyển đổi này đòi hỏi một chiến lược đồng bộ, bao gồm từ định hướng của Chính phủ thông qua các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, sự chủ động của doanh nghiệp trong đầu tư thực hiện các giải pháp chuyển đổi xanh và tinh thần hợp tác đồng hành của các bên liên quan.
Ông Andri Meier - Phó trưởng ban Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam bình luận, Việt Nam là một nền kinh tế năng động, có tinh thần khởi nghiệp sáng tạo rất lớn, đồng thời có cam kết rất mạnh mẽ đối với việc phát triển bền vững. Chính phủ và các bộ, ngành, doanh nghiệp cũng đang có những nỗ lực không ngừng trong việc thúc đẩy chuyển đổi xanh. Do đó, chuyến đổi xanh không chỉ là thách thức, mà cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế tại thị trường EU và thế giới.
Biến thách thức xuất khẩu xanh trở thành cơ hội
Việc chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu của Việt Nam thích ứng hiệu quả với những tiêu chuẩn bền vững là sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam. Việc nắm bắt cơ hội này không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế mà còn góp phần nâng cao vị thế quốc gia, hiện thực hóa cam kết đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Thứ trưởng Bộ Công thương