Nền kinh tế 500 tỷ USD của Việt Nam đang vươn mình vào top 25 thế giới

Sau 50 năm thống nhất, Việt Nam đã vươn mình thành một trong 40 nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới. Nhiều dự báo cho thấy Việt Nam có thể vượt Singapore, Malaysia vào 2029.

Ngày 30/4/1975 mở ra kỷ nguyên mới cho một đất nước Việt Nam độc lập và thống nhất. Tuy nhiên, thời điểm đó, số liệu của Cục Thống kê cho thấy GDP bình quân đầu người chỉ đạt 232 đồng với kinh tế hợp tác xã là trụ cột chính. Thu nhập bình quân hàng tháng của hộ công nhân viên chức miền Bắc là 28 đồng, xã viên hợp tác xã nông nghiệp đạt 19 đồng.

Qua nhiều nỗ lực bền bỉ, nền kinh tế Việt Nam đã không ngừng đổi mới, phát triển và hội nhập, từng bước vươn lên mạnh mẽ để trở thành điểm sáng tăng trưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ghi danh vào nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới ở thời điểm hiện tại.

Năng lực phục hồi mạnh mẽ

Nhìn lại giai đoạn đầy thách thức từ 1976 đến 1985, Việt Nam duy trì tăng trưởng GDP bình quân hàng năm khoảng 4,65%. Nông nghiệp chiếm gần 39% GDP, trong khi công nghiệp dù được đầu tư nhưng vẫn chưa thể là động lực tăng trưởng chính.

Bước ngoặt năm 1986 với chính sách Đổi mới đã đưa quy mô nền kinh tế tăng trưởng trung bình 6,51%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch rõ rệt, khi tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống còn 24,5% GDP vào năm 2000, công nghiệp - xây dựng chiếm 36,7% và dịch vụ đạt 38,7%. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ổn định với tốc độ trung bình hơn 11%/năm.

Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.600 đồng/tháng lên gần 295.000 đồng/tháng vào năm 1999. Trong khi đó, lạm phát được kiểm soát từ mức ba chữ số trong giai đoạn 1986-1988 về một chữ số vào thập niên 1990.

Bước sang thế kỷ 21, Việt Nam xác định mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền tảng phát triển dài hạn, trên cơ sở đó đã đem đến những thành tựu vượt bậc. Giai đoạn 2001-2010, GDP tăng trưởng trung bình 7,26%/năm, cao nổi bật trong khu vực.

Năm 2008, Việt Nam chính thức thoát khỏi nhóm thu nhập thấp, sang thu nhập trung bình thấp. Đến 2019, GDP bình quân đầu người đạt 2.715 USD, gấp 15 lần so với năm 1990.

Cũng trong giai đoạn này, hoạt động kinh tế đối ngoại mở rộng mạnh mẽ. Tỷ lệ xuất nhập khẩu so với GDP tăng từ 113% (năm 2000) lên 210% (năm 2019). Giai đoạn 2011-2019, tổng giá trị ngoại thương đạt 3.100 tỷ USD, gấp 20 lần giai đoạn 1991-2000.

Đặc biệt, năm 2020 dù chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, GDP của Việt Nam vẫn tăng 2,91%, thuộc nhóm tăng trưởng cao của thế giới.

Hậu đại dịch, Việt Nam tiếp tục thể hiện năng lực phục hồi mạnh mẽ. Năm 2024, GDP tăng trưởng 7,09%, vượt xa mục tiêu 6,5% và tiếp tục chứng minh là "ngôi sao đang lên" của khu vực và thế giới. Quy mô kinh tế đạt 476 tỷ USD, đứng thứ 33 thế giới và thu nhập bình quân đầu người đạt 4.700 USD.

Việt Nam cũng khẳng định vai trò trong khu vực và thế giới với việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 9 quốc gia và ký 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 nước.

Qua đó, hơn 38 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã được đăng ký rót vào Việt Nam trong năm qua. Số vốn thực hiện đạt hơn 25 tỷ USD, đánh dấu mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay. Cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu, đạt gần 25 tỷ USD, là năm thứ 9 liên tiếp giữ vững đà thặng dư thương mại.

Nền kinh tế sẽ lớn mạnh đến đâu?

Theo Trung tâm dự báo, phân tích kinh tế độc lập của Anh (CEBR), quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam là một "phép màu", từ một quốc gia nghèo đã vươn mình tăng trưởng.

Báo cáo "World Economic League Table 2025" của tổ chức này dự báo đến năm 2029, quy mô GDP của Việt Nam sẽ đạt khoảng 676 tỷ USD, bắt kịp Thái Lan (676 tỷ USD) và vượt qua một số nền kinh tế ASEAN như Singapore (656 tỷ USD) và Malaysia (594 tỷ USD).

Đến năm 2039, CEBR ước tính quy mô kinh tế Việt Nam có thể đạt 1.410 tỷ USD. Với con số này, Việt Nam dự kiến vươn lên vị trí thứ 25 toàn cầu, bỏ xa Thái Lan (1.059 tỷ USD), Malaysia (1.055 tỷ USD) và Singapore (982 tỷ USD).

 Nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong các năm tới. Ảnh: Quỳnh Danh.

Nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong các năm tới. Ảnh: Quỳnh Danh.

Dĩ nhiên, tổ chức này cho rằng con đường phía trước của Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, như già hóa dân số, tự động hóa sản xuất và biến đổi khí hậu sẽ gây áp lực lên năng suất và chính sách phát triển.

Để đạt mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân đầu người khoảng 5%/năm và cải thiện hiệu quả thực thi chính sách, đặc biệt trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi công nghệ và môi trường.

Trong khi đó, Ngân hàng UOB đánh giá mức tăng trưởng 8% hoặc cao hơn là khả thi với Việt Nam, tuy nhiên nếu chỉ dựa vào xuất khẩu và sản xuất thì chưa đủ để tạo ra sự bứt phá mạnh mẽ. Tổ chức tài chính này khuyến nghị Việt Nam đẩy mạnh đầu tư vốn, đặc biệt là từ khu vực đầu tư công, không chỉ để thúc đẩy tăng trưởng mà còn để giảm thiểu rủi ro khi thương mại gặp khó khăn.

Tỷ lệ đầu tư vốn của Việt Nam duy trì quanh mức 30% GDP trong hơn một thập kỷ qua, thấp hơn đáng kể so với Trung Quốc, nơi tổng vốn đầu tư luôn trên 40% GDP trong cùng giai đoạn. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn dư địa để tăng cường đầu tư công, nhất là khi Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số trong tương lai.

Trên thực tế, bất chấp các biến động vĩ mô toàn cầu và những thách thức nội tại, Việt Nam vẫn đang kiên định với mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm nay và hai con số trong các năm tới. Dự kiến, GDP năm 2025 sẽ vượt 500 tỷ USD và GDP bình quân đầu người trên 5.000 USD.

Trong quý đầu năm, GDP đã tăng trưởng 6,93% so với cùng kỳ, đạt mức tăng trưởng quý I cao nhất kể từ năm 2020. Như vậy, để đạt mục tiêu cả năm, Bộ Tài chính ước tính GDP 9 tháng cuối năm cần tăng khoảng 8,3%.

Tăng trưởng GDP, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, là yếu tố quan trọng nhất để Việt Nam đạt mục tiêu tới năm 2030 trở thành nước đang phát triển, công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao, và đến 2045 là nước phát triển, thu nhập cao.

"Không còn cách nào khác, chúng ta phải duy trì tăng trưởng cao, bền vững liên tục trong thời gian từ nay tới 2045, chỉ có như vậy mới vượt qua được bẫy thu nhập trung bình và vươn lên, đạt được các mục tiêu chiến lược, thực hiện khát vọng trong kỷ nguyên mới, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc", Thủ tướng nhấn mạnh.

Hồng Nhung

Nguồn Znews: https://znews.vn/nen-kinh-te-500-ty-usd-cua-viet-nam-dang-vuon-minh-vao-top-25-the-gioi-post1550322.html
Zalo