TP. Hồ Chí Minh đón 'trái ngọt' từ hành trình đầy quyết tâm

Kể từ khi mở cửa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến nay, TP. Hồ Chí Minh luôn trong nhóm các địa phương dẫn đầu về thu hút dòng vốn ngoại. Đó là 'trái ngọt' cho hành trình đầy quyết tâm của đầu tàu kinh tế.

Kể từ khi mở cửa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến nay, TP. Hồ Chí Minh luôn trong nhóm các địa phương dẫn đầu về thu hút dòng vốn ngoại. (Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam)

Kể từ khi mở cửa thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến nay, TP. Hồ Chí Minh luôn trong nhóm các địa phương dẫn đầu về thu hút dòng vốn ngoại. (Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam)

Tạo sức hút với dòng vốn ngoại

Những ngày cuối tháng 3/2025, hàng loạt tập đoàn và quỹ đầu tư ngoại hội tụ về TP. Hồ Chí Minh để tham dự Hội nghị Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam, do Bộ tài chính tổ chức. Số lượng doanh nghiệp tham dự quá đông khiến hội trường của một trong những khách sạn lớn nhất TP. Hồ Chí Minh không đủ chỗ ngồi.

Cùng thời điểm này, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh có các buổi làm việc con thoi với các đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến Thành phố tìm hiểu môi trường đầu tư. Số liệu thống kê từ UBND TP. Hồ Chí Minh cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2025, lãnh đạo Thành phố đã đón tiếp và làm việc với 15 đoàn doanh nghiệp nước ngoài (chưa kể các buổi làm việc với từng doanh nghiệp cụ thể) đến tìm hiểu đầu tư.

Ông Jeong Jihoon, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam nói rằng, doanh nghiệp nước này đánh giá TP. Hồ Chí Minh là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ những cải thiện mạnh mẽ về hạ tầng, chính sách thu hút đầu tư tốt và vị trí thuận lợi. “Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc coi TP. Hồ Chí Minh là một trong những ưu tiên hàng đầu khi xem xét mở rộng đầu tư ra nước ngoài”, ông Jeong Jihoon chia sẻ.

TP. Hồ Chí Minh chính thức mở cửa đón dòng vốn FDI từ năm 1988, ngay sau khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành năm 1987. Tuy nhiên, thu hút FDI thực sự bùng nổ kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007.

Số liệu của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cho thấy, vốn FDI vào Thành phố ngày một tăng cao. Nếu như giai đoạn 2005 - 2009, TP. Hồ Chí Minh thu hút được 14 tỷ USD, thì đến giai đoạn 2010 - 2015 đã tăng lên 15,6 tỷ USD. Đặc biệt, thời kỳ “hoàng kim” nhất của TP. Hồ Chí Minh trong thu hút FDI là giai đoạn 2016 - 2020, với 29,9 tỷ USD. Con số này sau đó sụt giảm còn 15,8 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2024 vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Trong 3 tháng đầu năm 2025, thu hút FDI vào TP. Hồ Chí Minh tiếp tục khởi sắc với tổng vốn đăng ký đạt 567,2 triệu USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2024. Lũy kế đến tháng 3/2025, Thành phố tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, với hơn 13.900 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư hơn 59,5 tỷ USD.

Dấu ấn nổi bật nhất trong việc thu hút đầu tư nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh là việc thành lập Khu chế xuất Tân Thuận vào năm 1991. Việc tiên phong triển khai mô hình “một cửa” tại khu chế xuất này đã tạo tiền đề cho Thành phố thành lập hàng loạt khu chế xuất và khu công nghiệp (KCN) như Linh Trung, Tân Tạo, Hiệp Phước…, mở ra kỷ nguyên phát triển mới cho Thành phố. Từ đó, TP. Hồ Chí Minh nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Chìa khóa thành công

Đến nay, TP. Hồ Chí Minh vẫn được các nhà đầu tư đánh giá là điểm đến đầy hấp dẫn. Nhiều tập đoàn tên tuổi như Intel, Samsung, Lotte, Aeon, Keppel Land... đã chọn TP. Hồ Chí Minh làm cứ điểm đầu tư chiến lược.

Nhớ lại thời điểm cách đây 20 năm, Intel quyết định đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh, ông Kenneth Tse, Tổng giám đốc Intel Việt Nam chia sẻ, Intel chọn TP. Hồ Chí Minh vì thành phố này nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, nơi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Hơn nữa, Việt Nam có môi trường chính trị - xã hội ổn định, hệ thống giao thông và viễn thông được đầu tư tốt, lực lượng lao động trẻ và tài năng, gần trung tâm châu Á…

Nhiều tập đoàn tên tuổi như Intel, Samsung, Lotte, Aeon, Keppel Land... đã chọn TP. Hồ Chí Minh làm cứ điểm đầu tư chiến lược. (Nguồn: Intel Việt Nam)

Nhiều tập đoàn tên tuổi như Intel, Samsung, Lotte, Aeon, Keppel Land... đã chọn TP. Hồ Chí Minh làm cứ điểm đầu tư chiến lược. (Nguồn: Intel Việt Nam)

“Lần đầu tiên gia nhập thị trường Việt Nam, Intel đã được cung cấp cơ chế một cửa rất thuận tiện và nhanh chóng”, ông Kenneth Tse nhớ lại.

Việc thu hút được các tập đoàn lớn như Intel cho thấy, TP. Hồ Chí Minh có đầy đủ hạ tầng và chính sách cần thiết để hỗ trợ hoạt động sản xuất tiên tiến.

Thành công của TP. Hồ Chí Minh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ đến từ vị trí địa lý thuận lợi hay quy mô thị trường lớn, mà còn nhờ vào sự quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư và sự đồng hành của chính quyền Thành phố với doanh nghiệp.

Để tiếp tục tạo niềm tin cho nhà đầu tư, TP. Hồ Chí Minh quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, thông qua việc rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch hóa quy trình cấp phép đầu tư, tổ chức đối thoại định kỳ giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp.

Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Được yêu cầu các sở, ngành của Thành phố tiếp tục cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính có điều kiện kinh doanh không cần thiết thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố để cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Chính sự quyết tâm và thiện chí đó của Thành phố đã tạo được niềm tin nơi nhà đầu tư.

(theo Báo Đầu tư)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tp-ho-chi-minh-don-trai-ngot-tu-hanh-trinh-day-quyet-tam-313053.html
Zalo