Nắng nóng gay gắt dịp nghỉ lễ, làm gì để trẻ không đổ bệnh?

Vận động dưới thời tiết nắng nóng và không bổ sung nước đầy đủ có thể khiến trẻ mệt mỏi, mất nước, thậm chí sốc nhiệt nguy kịch.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 30-4, khu vực Nam bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-55%. Ngày 1-5, nắng nóng ở khu vực Nam bộ có khả năng dịu dần.

Theo BS-CK2 Trương Thị Ngọc Phú, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, phụ huynh cần "bỏ túi" những lưu ý giúp bảo đảm sức khỏe cho trẻ em khi vui chơi hoặc tham gia các sự kiện trong dịp này.

Vận động dưới nắng nóng trong thời gian dài và không được bổ sung nước đầy đủ, trẻ dễ bị đổ nhiều mồ hôi, dẫn đến mất nước, điện giải. Khi đó, trẻ mệt mỏi, lừ đừ, dễ bị bệnh, thậm chí là sốc nhiệt.

Vì thế, phụ huynh cần che chắn cho trẻ cẩn thận (đội mũ, áo dài tay, nơi hoạt động có mái che, bóng râm…) nếu trẻ phải hoạt động ngoài trời.

Tránh thời điểm nhiệt độ môi trường tăng cao và tia cực tím hoạt động mạnh trong ngày (khung giờ từ 10 giờ -14 giờ). Thời gian hoạt động ngoài trời phù hợp trong thời điểm này là < 60 phút/ngày.

 Người dân TPHCM nô nức đi xem Tổng duyệt diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025)

Người dân TPHCM nô nức đi xem Tổng duyệt diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025)

Các loại nước ngọt, trà sữa, kem, có thể giúp trẻ cảm thấy được giải khát và ngon miệng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, sau khi thỏa mãn cảm giác khát tức thời, trẻ không cảm thấy cần uống thêm nước dẫn đến cơ thể bị thiếu hụt nước.

Đáng lo ngại là nguy cơ sốc nhiệt khi trẻ hoạt động trong môi trường nắng nóng. Nếu diễn tiến nặng, sốc nhiệt có thể khiến não và các cơ quan trong cơ thể tổn thương, thậm chí tử vong.

Phụ huynh cần lưu ý một số biểu hiện của sốc nhiệt như: Sốt cao, da khô nóng, mạch nhanh, thở nhanh; nôn ói; lừ đừ, lơ mơ; đi đứng không vững; hôn mê hoặc co giật.

Khi phát hiện trẻ có biểu hiện nghi ngờ sốc nhiệt, lập tức thực hiện các bước sau: Gọi trợ giúp y tế; di chuyển trẻ vào nơi mát, có bóng râm, cởi bỏ bớt quần áo; làm mát da bằng nước, quạt.

Nếu trẻ tỉnh, cho trẻ uống nước lọc, nước có điện giải (nước khoáng, oresol), nước ép hoa quả nếu có. Không dùng nước đá lạnh, thuốc hạ sốt. Nhanh chóng chuyển trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu kịp thời.

GIAO LINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nang-nong-gay-gat-dip-nghi-le-lam-gi-de-tre-khong-do-benh-post793249.html
Zalo