Vợ chồng đùm túm đi xe máy về quê: Bố mẹ đã già, chẳng còn nhiều dịp 30/4 nữa
Cả nhà 3 người đùm túm nhau trên chiếc xe máy về quê, vất vả nhưng lòng đầy hân hoan vì các cháu được gặp ông bà, ông bà được gần các cháu.
Tuần trước, báo tin được nghỉ lễ dài và chuẩn bị về quê thăm ông bà nội, con tôi háo hức, vui sướng, vội gọi cho bà. Bà cháu vui vẻ nói cười khiến cả nhà rộn ràng. Vợ chồng tôi nhìn nhau, không khí ấm cúng đến lạ.
Sáng sớm hôm nay, con gái đã dậy rất sớm chuẩn bị đồ đạc. Chúng tôi cùng vượt hơn 80km trên chiếc xe máy để về thăm bố mẹ. Cả gia đình 3 người, gói ghém đồ đạc, đùm túm nhau từ sáng sớm để kịp về quê nội.
Nhìn cảnh tượng đó, có người sẽ hỏi: “Vất vả thế, sao không đi xe khách”. Nhưng chỉ người trong cuộc mới hiểu, với người lao động thuê trọ như chúng tôi, một chuyến về quê đơn giản thôi cũng cần tính toán rất nhiều.

Dù vất vả, cứ về quê là thấy vui. Ảnh minh họa: Hoàng Hiệp
Mẹ tôi ở quê sốt ruột cả ngày. Từ lúc chúng tôi thông báo “sáng mai về”, bà đã nhắn tin, dặn liên tục: “Đường đông, đừng đi liền một mạch, nghỉ dọc đường cho cháu đỡ mỏi. Đến đâu nghỉ thì nhắn mẹ một tiếng nhé”.
Mẹ hỏi chúng tôi sao không đi xe khách, thì chồng tôi giải thích: “Xe khách ngày này đông lắm mẹ ạ. Về bằng xe máy chủ động hơn, lúc nào lên còn còn chở được nhiều đồ ông bà cho”, để bà yên tâm.
Anh nói cũng đúng. Lần nào về quê, tới lúc trở lại thành phố, mẹ tôi cũng gói ghém cho bao nhiêu thứ, nào gà, nào vịt, ít bánh gai tự tay làm, vài mớ rau sạch. Có khi chúng tôi phải để lại bớt vì sợ quá tải, không chở nổi.
Dù chúng tôi đã làm cha, làm mẹ nhưng với bố mẹ mình, chúng tôi mãi là những đứa trẻ bé bỏng, luôn được quan tâm, lo lắng.
Về đến quê, ông bà đã đứng sẵn ở đầu ngõ chờ. Tất cả vội cởi ba lô, áo chống nắng, chạy vội vào nhà cho mát. Khuôn mặt ai cũng đầy mồ hôi, bụi bặm nhưng vui đến lạ. Cả nhà nhìn thấy nhau, nói cười vui vẻ.
Mẹ liên tục giục chúng tôi ra giếng rửa tay, rửa mặt cho mát rồi vào ăn cơm. Bà chuẩn bị toàn món ngon mà cháu thích. Cứ thế, ông cháu quấn quýt với nhau, còn bà bận rộn trong bếp.
Những món ăn quê bày ra trước mắt, cảm giác tuổi thơ ùa về. Cả nhà ăn uống bên nhau, đó mới là niềm vui cuộc sống. Với bố mẹ già, điều duy nhất mong mỏi chính là giây phút cả nhà đoàn tụ, cùng ăn bữa cơm.
Chúng tôi khó khăn, lần nào về quê cũng đi xe máy để tiết kiệm nhưng dù thế, vợ chồng chưa bao giờ to tiếng hay tranh cãi về chuyện về quê ai. Mỗi dịp lễ, vợ chồng chia nhau lần này về bên ngoại, lần sau sang nhà nội.
Không ai hơn thua ai vì cả hai đều hiểu, bố mẹ của vợ hay chồng đều là người thân của nhau, chúng tôi đều có trách nhiệm chăm sóc.
Vợ chồng tôi làm công ăn lương, thuê trọ trong một căn phòng chưa đầy 20m2 ở Thủ đô. Chưa dám mơ đến mua nhà nhưng thỉnh thoảng chồng tôi vẫn nói, nếu sau này đủ điều kiện, anh sẽ đón bố mẹ lên ở cùng.
Tôi cười, nói: “Chắc gì ông bà đã thích lên phố, anh cứ lo xa”. Nhưng người làm con, ai chẳng một lần mong được báo hiếu, mong đưa cha mẹ về gần để tiện chăm sóc sớm hôm.
Bố mẹ đã già, chẳng biết còn bao nhiêu dịp 30/4 nữa để các con về nhà, thấy nụ cười của mẹ, nghe giọng nói ấm áp của cha. Thế nên, khi còn có thể, chúng tôi sẽ còn đi, còn về, dù phải đùm túm nhau trên một xe máy.
Bởi nhà chính là nơi có cha mẹ, người thân yêu, là nơi đong đầy tình yêu thương nhất.
Độc giả giấu tên
Mời độc giả chia sẻ quan điểm và gửi tâm sự của mình đến chúng tôi. Biết đâu, câu chuyện của bạn có thể giúp ai đó tìm thấy sự đồng cảm, hoặc đơn giản là giúp chính bạn vơi đi những muộn phiền.
Tâm sự gửi về email: Bandoisong@vietnamnet.vn hoặc bình luận phía cuối bài.