Nâng chất lượng nguồn nhân lực trong kỷ nguyên vươn mình

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trở thành yếu tố then chốt để các địa phương vươn lên, khẳng định vị thế. Nhận thức rõ điều này, tỉnh Thái Nguyên đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Nguồn nhân lực chất lượng là một trong những yếu tố quan trọng để Thái Nguyên có thể thu hút các dự án lĩnh vực công nghệ cao. Trong ảnh: Công nhân vận hành tại nhà máy sản xuất tấm tế bào quang điện của Tập đoàn Trina Solar (Khu công nghiệp Yên Bình).

Nguồn nhân lực chất lượng là một trong những yếu tố quan trọng để Thái Nguyên có thể thu hút các dự án lĩnh vực công nghệ cao. Trong ảnh: Công nhân vận hành tại nhà máy sản xuất tấm tế bào quang điện của Tập đoàn Trina Solar (Khu công nghiệp Yên Bình).

Đầu tư trọng điểm nhân lực chất lượng cao

Với quy mô sản xuất ngành Công nghiệp đứng thứ 4 cả nước (năm 2024 đạt khoảng 1,03 triệu tỷ đồng) và có khoảng 70% dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn là lĩnh vực công nghệ cao, Thái Nguyên đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip chuyên dụng và thiết bị điện tử hàng đầu cả nước.

Để đạt được điều này, đầu tư trọng điểm cho nhân lực chất lượng cao được xem là giải pháp hàng đầu. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng từng nhấn mạnh: Thái Nguyên nỗ lực, chủ động triển khai quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyển đổi số, coi chuyển đổi số là phương thức sản xuất mới, coi con người và trí tuệ nhân tạo là lực lượng sản xuất mới; coi dữ liệu trở thành phương thức sản xuất mới…

Cụ thể hóa định hướng và quyết tâm đó, Thái Nguyên đã sớm ban hành chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Kế hoạch nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao và mục tiêu cụ thể như: Mỗi năm tuyển và đào tạo khoảng 300 nhân lực ngành bán dẫn; đào tạo, chuyển đổi khoảng 1.000 nhân lực liên quan sang ngành công nghiệp bán dẫn; số lượng tốt nghiệp các ngành gần khoảng 2.000 người...

Bắt nhịp với chiến lược của tỉnh, các trường thành viên của Đại học Thái Nguyên đã triển khai ngay việc tuyển sinh và đào tạo các chuyên ngành bán dẫn. Cụ thể, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (ngành Vi mạch bán dẫn với 46 sinh viên); Trường Đại học Khoa học (ngành Công nghệ bán dẫn với 32 sinh viên) và Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp (ngành Công nghệ điện tử, bán dẫn và vi mạch). Các đơn vị này đều đã dành nguồn lực tương xứng để đầu tư cơ sở vật chất phục, phòng nghiên cứu chuyên sâu; tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên thực tập, thực hành và có việc làm ngay khi ra trường…

Cùng với nhân lực cho lĩnh vực bán dẫn, Thái Nguyên định hướng, chỉ đạo tăng cường các chuyên ngành đào tạo phục vụ công nghiệp công nghệ cao như: Công nghệ thông tin; Công nghệ sinh học; Điện tử - Công nghệ số; Chế tạo - Tự động hóa…

Việc sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông được tin tưởng tham gia Dự án phim trường số, sản xuất bộ phim hoạt hình “Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội” đang triển khai là minh chứng cho chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho kỷ nguyên số của các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh.

Môt buổi tập huấn “Bình dân học AI - AI xứ trà” do Sở Khoa học - Công nghệ phối hợp tổ chức.

Môt buổi tập huấn “Bình dân học AI - AI xứ trà” do Sở Khoa học - Công nghệ phối hợp tổ chức.

Bình dân học AI

Bên cạnh đầu tư trọng điểm cho nhân lực chất lượng cao, Thái Nguyên cũng đặc biệt quan tâm triển khai bình dân học vụ số cho toàn thể người dân. Trong bối cảnh công nghệ số đang thay đổi mọi mặt của đời sống, việc trang bị kiến thức và kỹ năng số cho người dân trở thành yêu cầu cấp thiết.

Tỉnh phấn đấu trong năm 2025 có 100% cơ quan, đơn vị thành lập nhóm cán bộ nòng cốt lan tỏa đề án về phát triển năng lực số; 100% cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo và ứng dụng AI, trong đó 50% đạt cải thiện hiệu quả công việc. Phấn đấu 80% chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và 80% người trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng AI cơ bản, với ít nhất 50% trong số này sử dụng thành thạo kỹ năng đã học...

Triển khai chương trình “Bình dân học AI”, nhiều lớp tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; các lớp thậm chí tổ chức ngay tại nhà văn hóa xóm, tổ dân phố với phương châm người biết nhiều hỗ trợ người biết ít, người biết ít hướng dẫn người chưa biết, từ đó trang bị những kiến thức cơ bản để áp dụng công nghệ số phục vụ cuộc sống hằng ngày.

Các cấp độ về năng lực số mà chương trình hướng tới gồm: Phổ cập năng lực số cơ bản cho người lao động; phát triển năng lực số cho nhóm đối tượng chuyên biệt và phát triển năng lực số chuyên sâu.

Để chương trình phát huy hiệu quả, cơ quan chuyên môn đã xây dựng các video hướng dẫn cụ thể đối với từng lĩnh vực, ngành nghề theo hướng “cầm tay chỉ việc” để người dân có thể học, hiểu và ứng dụng, triển khai có hiệu quả ngay. Đồng thời phát triển nền tảng số, mô hình số; xây dựng kho học liệu mở, các trung tâm học tập công nghệ số, mô hình trường học số…

Anh Ngô Tiến Dũng, cán bộ phụ trách lĩnh vực Tư pháp, thị trấn Đu (Phú Lương), chia sẻ: Việc được tiếp cận những kiến thức, kỹ năng cơ bản trên môi trường số đã giúp ích tôi rất nhiều trong công việc, cải thiện năng suất, hiệu quả công việc và phục vụ người dân tốt hơn.

Có thể khẳng định, Thái Nguyên đang trên đà phát triển mạnh mẽ, và việc chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với nâng cao kỹ năng số cho người dân là yếu tố then chốt để tỉnh vươn mình trong kỷ nguyên mới. Những chính sách và giải pháp đồng bộ về nguồn nhân lực sẽ là yếu tố quan trọng để tỉnh hiện thực hóa mục tiêu Thái Nguyên 2025+: Số - Xanh - Hạnh phúc.

Hồng Tâm

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202504/nang-chat-luong-nguon-nhan-luc-trong-ky-nguyen-vuon-minh-cef1a9f/
Zalo