Quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, tạo đà, tạo lực, tạo thế cho những năm sau tăng trưởng hai con số

Sóc Trăng xác định năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đồng thời cũng là năm có ý nghĩa then chốt, tạo nền tảng để đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc. Vì thế, mục tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh Sóc Trăng năm 2025 đạt 8% trở lên sẽ tạo đà tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.

Bài 2: TẠO ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG MỚI

Bao trùm là tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; tập trung xây dựng cơ chế, chính sách; lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút mọi nguồn lực xã hội; khai thác hiệu quả thị trường, tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nguồn nhân lực.

ĐỔI MỚI TƯ DUY - TẬP TRUNG THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ, QUYẾT LIỆT

Tỉnh xác định cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, hành động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các đơn vị, địa phương, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu với việc xác định phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng bộ với yếu tố này là việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phục vụ triển khai cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; có cơ chế, chính sách khắc phục, xử lý tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ; tạo không gian sáng tạo, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không vụ lợi.

Đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (đứng giữa) phát biểu kết luận. Ảnh: HOÀNG LAN

Đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (đứng giữa) phát biểu kết luận. Ảnh: HOÀNG LAN

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và các địa phương có liên quan tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù, quy định mới, đột phá, cơ chế “luồng xanh” cho các dự án đầu tư vào khu công nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao. Khẩn trương khánh thành Khu Công nghiệp Trần Đề đưa vào kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Trần Đề; đồng thời khởi công dự án thứ cấp là nhà máy gạch men chào mừng 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Bên cạnh đó, tỉnh cũng có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, mở rộng năng lực sản xuất nguyên vật liệu; dự án năng lượng tái tạo,... và hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong triển khai thực hiện. Đặc biệt là, dự án kéo cáp ngầm kết nối từ đất liền tỉnh Sóc Trăng ra huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (khởi công vào ngày 8/3/2025, dự kiến dự án hoàn thành và đóng điện trong năm 2025); tổng mức đầu tư hơn 4.900 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng tiếp tục thu hút đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp, hạ tầng năng lượng; khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh như công nghiệp chế biến thủy, hải sản; công nghiệp sản xuất điện và các ngành hàng khai thác thế mạnh nguyên, vật liệu của địa phương như: nhà máy viên nén gỗ; nhà máy thép; các nhà máy sản xuất, chế biến xuất khẩu trái cây; nhà máy chế biến hành; nhà máy chế biến, xuất khẩu cá rô phi; nhà máy đốt rác phát điện,…

Tỉnh tiếp tục triển khai, áp dụng Luật Doanh nghiệp; đầu tư; đầu tư theo phương thức đối tác công tư; đấu thầu; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; năng lượng nguyên tử,... khi được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng và các đại biểu cắt băng khánh thành Cụm công nghiệp Xây Đá B. Ảnh: HOÀNG LAN

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng và các đại biểu cắt băng khánh thành Cụm công nghiệp Xây Đá B. Ảnh: HOÀNG LAN

Ngoài yếu tố nội lực, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến sự ủng hộ, hỗ trợ của các bộ, ngành, Trung ương để tập trung tháo gỡ những nút thắt, điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc trong từng nhiệm vụ được lãnh đạo Trung ương quan tâm, chỉ đạo. Khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhất là lĩnh vực còn tiềm năng phát triển để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế. Duy trì, phát triển quan hệ hợp tác toàn diện với các địa phương, nước bạn đã thiết lập quan hệ hợp tác và mở rộng mối quan hệ hợp tác với các đơn vị nước ngoài trong điều kiện phù hợp. Nghiên cứu, áp dụng khung pháp lý chuyên biệt phù hợp với điều kiện của tỉnh để bắt kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế số, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế, đặc biệt là công nghệ tài chính, trí tuệ nhân tạo, kinh tế nền tảng, thương mại điện tử; khuyến khích khởi nghiệp và ươm tạo doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên, phát triển bền vững,... trên địa bàn tỉnh. Nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư FDI, ODA và vận động nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO); mời gọi đầu tư các dự án, chương trình trọng điểm tạo điểm nhấn đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá quan trọng phải kể đến đó là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút mọi nguồn lực xã hội… Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; cơ cấu lại vốn đầu tư công theo phương châm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; thực hiện có hiệu quả công tác đấu thầu các dự án đầu tư công; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025; phấn đấu tỷ lệ giải ngân cả năm trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, theo tinh thần lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút mọi nguồn lực xã hội. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; Dự án Xây dựng cầu Đại Ngãi; Dự án Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây tỉnh Sóc Trăng; Đường Vành Đai I và II, thành phố Sóc Trăng,... Tiếp tục rà soát, tham mưu các nội dung đề xuất, kiến nghị, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của bộ, ngành, Trung ương về công tác đầu tư xây dựng Bến cảng Trần Đề - Cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long để đẩy nhanh tiến độ đầu tư Bến cảng Trần Đề.

Quy hoạch phát triển cảng biển Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Quy hoạch phát triển cảng biển Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

THÚC ĐẨY MẠNH MẼ CÁC ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG MỚI

Trọng tâm của nhiệm vụ, giải pháp này là tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và các văn bản cụ thể hóa nghị quyết này trên cơ sở phù hợp với điều kiện của tỉnh. Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến, nhất là tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đẩy mạnh chuyển đổi xanh; phát triển năng lượng tái tạo hướng đến xuất khẩu điện. Song song đó là việc nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ phát triển các nhãn hiệu đã được bảo hộ đối với các sản phẩm đặc sản, đặc thù của tỉnh. Thúc đẩy chuyển đổi sâu rộng, toàn diện trong tất cả các ngành, lĩnh vực, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ, dữ liệu, công nghệ số và đổi mới sáng tạo; nền kinh tế số rộng khắp. Nâng cao thực chất hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến; số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; thanh toán trực tuyến; Chỉ số đổi mới sáng tạo (PII) của tỉnh… Vận hành hiệu quả Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC); xây dựng và duy trì hoạt động Trung tâm Giám sát an toàn thông tin tỉnh Sóc Trăng (SOC)…

Đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính nhằm giải quyết nhanh chóng và hiệu quả yêu cầu của người dân, doanh nghiệp; có giải pháp cải thiện Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số đo lường sự hài lòng về sự phục vụ hành chính. Đặc biệt là tổ chức rà soát, đánh giá những điểm hạn chế trong việc triển khai cải cách hành chính trong thời gian qua để có giải pháp chỉ đạo khắc phục theo hướng chỉ rõ người, rõ việc. Đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý có chất lượng, đủ mạnh ở mọi lĩnh vực, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Với quyết tâm chính trị cao nhất để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, tạo đà, tạo lực, tạo thế cho những năm sau tăng trưởng hai con số, tỉnh Sóc Trăng cùng cả nước sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.

TRỌNG NHÂN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/chinh-tri/202504/quyet-tam-hoan-thanh-muc-tieu-tang-truong-8-tro-len-trong-nam-2025-tao-da-tao-luc-tao-the-cho-nhung-nam-sau-tang-truong-hai-con-so-5461014/
Zalo