Nâng cao chất lượng, rút ngắn thời gian lập quy hoạch

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15, nhiều đại biểu đánh giá, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch ngoài việc sửa đổi một số nội dung, còn bổ sung quy định về trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch.

Qua đó đáp ứng yêu cầu sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh theo hướng đơn giản hóa và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Hà Nội đang đối mặt nhiều thách thức trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị. Mặc dù chính quyền thành phố luôn xác định quy hoạch phải đi trước một bước, song vì nhiều nguyên nhân, trong đó có những bất cập, hạn chế, chưa phù hợp của quy định pháp luật dẫn đến chậm trễ trong lập và phê duyệt quy hoạch.

Đến thời điểm hiện tại, nhiều quận, huyện chưa hoàn thành kế hoạch lập quy hoạch giai đoạn 2021-2025.

Qua giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố cho thấy, huyện Đông Anh mới chỉ phê duyệt được 66 trong 81 đồ án cần lập, huyện Mê Linh chưa phê duyệt đồ án nào, quận Bắc Từ Liêm đạt 1 trong 8 đồ án, quận Ba Đình đạt 1 trong 9 đồ án. Chậm quy hoạch sẽ kéo theo sự chậm trễ trong triển khai các dự án đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội.

Liên quan đến nội dung chính quyền 2 cấp sẽ đi vào hoạt động từ ngày 1/7, đại biểu Nguyễn Phi Thường nêu thực tế, thời gian qua, một loạt quy hoạch cấp huyện được địa phương lựa chọn tư vấn, triển khai thực hiện nhưng chưa được phê duyệt. Các địa phương đã mất rất nhiều thời gian nghiên cứu, thẩm định theo quy trình trước khi đi đến bước cuối cùng.

Việc đẩy nhanh tiến độ phê duyệt một số quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, trong dự thảo luật sửa đổi lần này không đề cập các nội dung liên quan đến việc thẩm định, phê duyệt, công bố, đánh giá các quy hoạch này.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị, cơ quan soạn thảo bổ sung những nội dung còn khuyết thiếu để phù hợp với thực tiễn hiện nay. Trong Kết luận số 126-KL/TW, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đặc biệt nhấn mạnh đến nội dung đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các địa phương.

Để tăng tính chủ động, linh hoạt và phù hợp thực tiễn, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, bổ sung vào Điều 15, 16 của dự thảo luật các nội dung theo hướng phân quyền; phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tỉnh từ Thủ tướng Chính phủ về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, sau khi có ý kiến thẩm định của các cơ quan chuyên môn.

Đại biểu Hoàng Văn Cường đồng tình với việc phân cấp cho cơ quan quản lý cấp dưới thực hiện, song cho rằng không nên áp dụng đối với danh mục dự án được ưu tiên. Về yêu cầu lồng ghép yếu tố môi trường bền vững trong thẩm định và phê duyệt quy hoạch được nêu tại dự thảo, đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất, quy định rõ tiêu chí không cần đánh giá môi trường chiến lược khi điều chỉnh quy hoạch để tránh tác động xấu.

Cho rằng việc sửa đổi luật lần này cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn trong công tác quy hoạch thời gian qua, đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị cơ quan soạn thảo tránh tình trạng khơi thông điểm nghẽn này lại tạo ra các điểm nghẽn khác khi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.

Các đại biểu góp ý, cơ quan soạn thảo cần rà soát, quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Bộ Chính trị, trong đó có Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia để ứng dụng khoa học, công nghệ vào công tác quy hoạch, đặc biệt trong việc sử dụng các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Dự thảo luật có quy định cho phép cơ quan lập quy hoạch lựa chọn tổ chức tư vấn theo quy định pháp luật về đấu thầu, đồng thời đề xuất chỉ định hoặc đặt hàng các viện nghiên cứu uy tín để rút ngắn thời gian. Đây là nội dung mà các địa phương có khối lượng quy hoạch lớn như Hà Nội đặc biệt quan tâm.

Trên thực tế, Hà Nội đã thuê các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp như Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội để lập các đồ án quan trọng và giải pháp này đã có hiệu quả tốt. Tuy nhiên, quy trình đấu thầu, thủ tục còn phức tạp và tình trạng thiếu đơn vị tư vấn đủ năng lực là thực tế hiện hữu tại không ít địa phương khác.

Sửa đổi Luật Quy hoạch được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các địa phương tháo gỡ các điểm nghẽn trong công tác quy hoạch, từ đơn giản hóa thủ tục, phân cấp mạnh mẽ đến ứng dụng công nghệ và bảo đảm tính bền vững.

Tuy nhiên, dù các quy định pháp luật có những thay đổi phù hợp, để nâng cao chất lượng, rút ngắn thời gian lập quy hoạch, bảo đảm với yêu cầu thực tế, Hà Nội cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng, như: tăng cường năng lực của các địa phương thông qua đào tạo cán bộ; đẩy mạnh chuyển đổi số; thuê tư vấn chuyên nghiệp; đánh giá môi trường chiến lược cho các quy hoạch lớn.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nâng cao chất lượng quy hoạch là việc lớn và cấp thiết của thành phố, đòi hỏi tầm nhìn chiến lược, dài hạn, dành nguồn lực thỏa đáng và phải gắn với việc giảm thiểu tư duy nhiệm kỳ.

MINH THU

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nang-cao-chat-luong-rut-ngan-thoi-gian-lap-quy-hoach-post881659.html
Zalo