Bất động sản tháng 4/2025 hạ nhiệt: Do nghỉ lễ dài?
Tháng 4/2025, trong khi nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng thì thị trường bất động sản lại bất ngờ hạ nhiệt, cho thấy một nghịch lý đáng suy ngẫm.

Trong khi nền kinh tế khởi sắc, thị trường bất động sản lại bước vào giai đoạn trầm lắng bất ngờ.
Theo báo cáo tình hình kinh tế – xã hội của Cục Thống kê, vốn FDI đăng ký 4 tháng đầu năm tăng gần 40%, đạt 13,82 tỷ USD; FDI thực hiện cũng tăng 7,3%. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 7,7 triệu lượt, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.286 nghìn tỷ đồng, tăng gần 10%. Đây là những con số cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu tiêu dùng và dòng vốn quốc tế đều tăng trưởng rõ rệt.
Vậy nhưng, trong khi nền kinh tế khởi sắc, thị trường bất động sản lại bước vào giai đoạn trầm lắng bất ngờ. Theo dữ liệu từ Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm tới bất động sản trong tháng 4 giảm đáng kể so với tháng trước đó - vốn là tháng có mức tăng trưởng “bùng nổ”.
Cụ thể, ở thị trường cho thuê, mức độ quan tâm giảm tới 19%, lượng tin đăng giảm 13%. Ở thị trường mua bán, mức độ quan tâm cũng giảm 18%, lượng tin đăng giảm 6%. Các phân khúc như chung cư, nhà riêng, nhà mặt phố, đất nền đều ghi nhận mức giảm sâu cả về lượt tìm kiếm lẫn số lượng tin rao bán. Đây là một tín hiệu không thể coi nhẹ trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường sau giai đoạn dài trầm lắng.
Lý giải cho hiện tượng này, một số chuyên gia cho rằng kỳ nghỉ lễ dài trong tháng 4 có thể là nguyên nhân chính khiến tâm lý giao dịch tạm lắng. Tuy nhiên, sự giảm nhiệt diễn ra đồng loạt trên hầu hết các phân khúc và khu vực, với mức giảm khá sâu, cho thấy đây không chỉ là một yếu tố mang tính mùa vụ. Thực tế, nhiều phân khúc bất động sản cho thuê như nhà trọ, nhà mặt phố, chung cư đều có tính chu kỳ rõ rệt, nhưng mức giảm mạnh trong tháng này lại đặt ra câu hỏi: liệu đây là điểm dừng kỹ thuật ngắn hạn hay là biểu hiện của một sự dè dặt đang lan rộng trong giới đầu tư và người mua thực?
Dù vậy, dữ liệu từ các địa phương lại cho thấy sự phân hóa rõ nét. Tại Hà Nội, người mua vẫn duy trì mức quan tâm cao với các khu vực phía Tây thành phố như Nam Từ Liêm, Hà Đông – nơi tập trung nhiều dự án chung cư mới và hạ tầng phát triển mạnh. Đất nền Đông Anh và nhà riêng ở Đống Đa, Long Biên cũng tiếp tục được săn đón. Trong khi đó, tại TP HCM, quận 2 và quận 7 vẫn là điểm nóng ở phân khúc căn hộ cao cấp. Các quận Bình Thạnh, Gò Vấp và Thủ Đức dẫn đầu mức độ quan tâm với nhà riêng. Đặc biệt, quận 9 cũ tiếp tục đứng đầu danh sách tìm kiếm ở phân khúc đất nền – phản ánh kỳ vọng lâu dài vào khu vực cửa ngõ phía Đông Sài Gòn.

Các khu vực bất động sản được quan tâm nhất thị trường phía Bắc (trừ Hà Nội)
Các tỉnh thành giáp ranh như Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Hưng Yên và Hải Phòng cũng nổi bật với sự quan tâm gia tăng. Những khu vực như Thuận An, Dĩ An (Bình Dương) hay Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) được xem là “vùng trũng giá” có tiềm năng tăng trưởng khi thông tin về kế hoạch sáp nhập hành chính với TP.HCM được lan truyền.
Trao đổi với PetroTimes, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam nhận định, việc sáp nhập TP HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu là thông tin tích cực, thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản. Việc sáp nhậpsẽ khiến nhu cầu nhà ở, văn phòng, thương mại tăng vọt, đặc biệt ở các khu vực giáp ranh như Thuận An, Dĩ An (Bình Dương) hay Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu). Ngoài ra, giá bất động sản tại các khu vực này hiện thấp hơn nhiều so với trung tâm TP.HCM. Khi sáp nhập, khoảng cách giá tạo cơ hội cho nhà đầu tư đón đầu xu hướng, là lực đẩy khiến giá trị bất động sản các khu vực này gia tăng.
Tất cả những dữ liệu trên cho thấy, sự giảm nhiệt trong tháng 4/2025 có thể chưa đủ để khẳng định một xu hướng dài hạn, nhưng nó là lời nhắc quan trọng về sự nhạy cảm của thị trường bất động sản trước các yếu tố tâm lý, chu kỳ và quy hoạch. Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi, nhưng chưa thật sự ổn định, những “điểm lặng” như tháng 4 có thể là thời điểm để nhà đầu tư quan sát lại, điều chỉnh chiến lược và chuẩn bị cho một chu kỳ tăng trưởng mới - nếu có. Còn với người mua thực, đặc biệt là những người đang chờ đợi sự hợp lý hơn về giá, đây có thể là cơ hội để đánh giá thị trường một cách tỉnh táo, thay vì chạy theo những đợt sóng nhất thời.