Nam Định khuyến khích giáo viên dạy ôn thi tự nguyện theo Thông tư 29
Các thầy cô được động viên, khuyến khích dạy ôn thi tự nguyện và thực hiện đúng theo Thông tư 29/2024 của Bộ GD&ĐT về dạy thêm, học thêm.
![Học sinh Trường THPT Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ảnh: Đình Tuệ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_181_51476907/28eedc44ee0a07545e1b.jpg)
Học sinh Trường THPT Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ảnh: Đình Tuệ.
Trong văn bản gửi các đơn vị trực thuộc trên địa bàn tỉnh về việc thực hiện nghiêm quy định tại Thông tư 29/2024 của Bộ GD&ĐT về dạy thêm học thêm, Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định Nguyễn Xuân Hồng yêu cầu các nhà trường tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho CBQL, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh chi tiết nội dung của Thông tư này.
Thực hiện việc dạy thêm, học thêm theo đúng quy định tại Công điện của Thủ tướng Chính phủ ngày 7/2, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Nam Định; tổ chức cho giáo viên ký cam kết thực hiện nghiêm quy định của Thông tư 29/2024 của Bộ GD&ĐT. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Nam Định cũng lưu ý, các nhà trường cần chủ động xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giờ dạy trong kế hoạch giáo dục của đơn vị; quan tâm, hướng dẫn học sinh phương pháp học và tự học; chỉ đạo giáo viên giao, đôn đốc và kiểm tra học sinh trong thực hiện nhiệm vụ học tập ở nhà một cách khoa học, vừa sức.
![Cô trò Trường THPT Nguyễn Bính, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định trong một giờ học trên lớp. Ảnh: ĐÌnh Tuệ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_181_51476907/0b5af1f0c3be2ae073af.jpg)
Cô trò Trường THPT Nguyễn Bính, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định trong một giờ học trên lớp. Ảnh: ĐÌnh Tuệ.
Khuyến khích nghiên cứu, sử dụng các phần mềm, website ôn luyện, quản lý học tập. Tăng cường sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn và việc tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.
Đặc biệt, Sở GD&ĐT Nam Định yêu cầu các đơn vị, trường học điều chỉnh kế hoạch dạy thêm, học thêm đã được xây dựng từ đầu năm học 2024-2025; tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT và ôn thi vào lớp 10 THPT năm 2025 đảm bảo hiệu quả.
Trong đó, thực hiện tốt phân hóa đối tượng học sinh; ưu tiên bố trí giáo viên hướng dẫn, giúp đỡ những học sinh có kết quả học tập ở mức Chưa đạt hoặc Đạt; với những em có kết quả học tập ở mức Khá và Tốt có thể hướng dẫn học sinh tự ôn tập.
![Cô trò lớp 12 Trường THPT Nguyễn Du, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Đình Tuệ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_181_51476907/3784cf2efd60143e4d71.jpg)
Cô trò lớp 12 Trường THPT Nguyễn Du, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Đình Tuệ.
Phân công giáo viên dạy đảm bảo mức tối đa định mức tiết dạy. Ưu tiên bố trí giáo viên có năng lực tốt để dạy, hạn chế việc phân công những thầy cô này đảm nhận các nhiệm vụ kiêm nhiệm khác.
"Động viên khuyến khích giáo viên dạy ôn thi tự nguyện. Kịp thời phát hiện tuyên dương, khen thưởng và nhân rộng các tấm gương tập thể, cá nhân tận tụy, tâm huyết, hết lòng vì học sinh", văn bản của Sở GD&ĐT Nam Định nêu rõ.
Tăng cường các hoạt động giáo dục trong nhà trường như tổ chức CLB văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao... đảm bảo thời gian, thời lượng phù hợp với thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. Phối hợp với cha mẹ trong việc quản lý học sinh, nhất là trong thời gian các em không học tập tại trường.
Ngoài ra, Sở GD&ĐT Nam Định yêu cầu các trường THPT, trung tâm GDTX tổ chức khảo sát nhu cầu học sinh đăng ký ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2025; các Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường THCS tiến hành rà soát nhu cầu học sinh đăng ký ôn thi vào lớp 10 THPT theo từng môn, số lớp học, thời lượng học... để có hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới.