Thông tư 29 có hiệu lực: Trường dừng dạy thêm, giáo viên gấp rút đăng ký kinh doanh

Ngày 14/2, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới so với quy định trước đây.

Quy định mới về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2. Ảnh minh họa: IT

Quy định mới về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2. Ảnh minh họa: IT

Các tỉnh, thành đồng loạt dừng dạy thêm trong trường

Theo Báo Vietnamnet, tại Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm những quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT. Sở cũng yêu cầu các địa phương, nhà trường tuyên truyền đến giáo viên, học sinh, phụ huynh những thông tin về dạy học thêm đúng quy định.

Trước đó, nhiều trường học ở Hà Nội đã tạm dừng dạy thêm. Một số trường dự kiến bố trí kinh phí để bồi dưỡng các nhóm đối tượng theo quy định, gồm nhóm có kết quả học tập chưa đạt ở môn cuối học kỳ liền kề; các em được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp, tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay, quan điểm của Sở là kiên quyết thực hiện đúng theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, không du di hay thông cảm, bởi đây là một quy định có lợi cho học sinh, góp phần chấm dứt tình trạng o ép học sinh đi học thêm.

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm; chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, tổ chức kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm; xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.

Ngoài ra, nhiều địa phương khác như Hà Tĩnh, Gia Lai, Đắk Lắk... cũng ban hành các quy định về quản lý việc dạy thêm, học thêm cũng như tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Giáo viên gấp rút đăng ký kinh doanh để dạy thêm

Theo quy định của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lí theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Do đó, nhu cầu làm giấy phép kinh doanh để dạy thêm, học thêm những ngày gần đây tăng cao.

Thông tin từ Báo Lao động, thống kê của Phòng Kế hoạch Tài chính thành phố Buôn Ma Thuột, chỉ tính riêng sáng ngày 13/2 có tới 94 người đến bộ phận một cửa bốc số đăng ký. Hơn 90% trong số đó là đăng ký hoạt động kinh doanh về lĩnh vực giáo dục.

Trao đổi với Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nghiêm Thế Hùng -Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch (Ủy ban nhân dân thành phố Pleiku, Gia Lai), xác nhận tình trạng số người nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh dạy thêm tại thành phố Pleiku tăng đột biến sau khi có Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 13/2, đã tiếp nhận, xử lý khoảng 400 hồ sơ.

Thầy Nguyễn Văn Tàu - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoàng Hoa Thám (xã Biển Hồ, thành phố Pleiku), cho biết đến thời điểm này, nhà trường mới nhận được báo cáo của ba giáo viên có nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh dạy thêm. Việc đăng ký này giáo viên thực hiện theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT. Nhà trường chỉ nắm bắt và kiểm tra việc dạy có đúng đối tượng, có dạy học sinh của mình hay không.

5 giải pháp quản lý việc dạy thêm, học thêm hiệu quả

Trao đổi những vấn đề liên quan đến Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là hướng tới các trường không có học thêm, dạy thêm.

Thay vào đó, sau giờ học các môn học theo chương trình, học sinh có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, mỹ thuật, âm nhạc… Để thời gian trong trường phổ thông không chỉ là thời gian hướng học kiến thức mà còn là thời gian để học sinh phát triển toàn diện về nhân cách, lối sống, ý thức trách nhiệm và khả năng hòa nhập với xã hội, rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề. Các thầy cô, các nhà làm giáo dục và toàn xã hội đều thống nhất điều này; học sinh không phải học thêm quá nhiều gây áp lực, mệt mỏi không cần thiết, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Đối với quy định dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Thông tư mới quy định: Tổ chức cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm có thu tiền của học sinh phải thực hiện đúng các quy định về pháp luật liên quan (đăng ký kinh doanh, khai báo hoạt động, cung cấp thông tin liên quan với chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật); giáo viên đang dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình trên lớp… Quy định mới nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh, tránh việc giáo viên "kéo" học sinh trên lớp ra ngoài để dạy thêm.

Nếu không thuộc đối tượng cần học thêm trong nhà trường, học sinh có nguyện vọng học thêm ở ngoài là hoàn toàn tự nguyện. Học để giỏi hơn, phát triển bản thân hơn là nguyện vọng chính đáng do đó Bộ Giáo dục và Đào tạo không cấm, tuy nhiên tổ chức, cá nhân đã dạy thêm phải đăng ký kinh doanh và phải công khai địa điểm, môn học, thời lượng học, kinh phí... và phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, thời gian làm việc, an toàn, an ninh...

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, dạy thêm, học thêm ngoài những đổi mới về quản lý còn cần sự thay đổi trong nhận thức của cả xã hội với vấn đề này. Do vậy cần nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài để quản lý việc dạy thêm, học thêm hiệu quả. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề cập tới một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, giải pháp hành chính: Ban hành Thông tư, các quy định cụ thể.

Thứ hai, giải pháp chuyên môn: Nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy của giáo viên, trách nhiệm của nhà giáo, phát huy năng lực tự học của học sinh.

Đổi mới kiểm tra đánh giá: kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đánh giá cuối kỳ, thi tuyển sinh phải phù hợp với nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; không đánh đố, không ra ngoài nội dung chương trình để đảm bảo học sinh học theo đúng chương trình, không cần học thêm vẫn sẽ vượt qua các kì kiểm tra, tuyển sinh. Tăng cường liên thông giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học; cụ thể: như trong các bài kiểm tra năng lực đầu vào đại học sử dụng kiến thức phổ thông, không đánh đố...

Thứ ba, giải pháp về tăng cường cơ sở vật chất, trường học: Cần có đủ trường học để đảm bảo công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục của học sinh. Tăng số trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày.

Thứ tư, giải pháp về tăng cường thanh tra, kiểm tra.

Thứ năm, giải pháp về tuyên truyền, vận động, qua đó nâng cao ý thức tự tôn, tự trọng của giáo viên để nói "không" với dạy thêm không đúng với quy định. Việc quản lý dạy thêm, học thêm không chỉ là vấn đề chính sách mà là sự thay đổi nhận thức của xã hội.

Nguồn: Tổng hợp

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/thong-tu-29-co-hieu-luc-truong-dung-day-them-giao-vien-gap-rut-dang-ky-kinh-doanh-179250214152403723.htm
Zalo