Mỹ và Ấn Độ nhất trí đàm phán thêm về thương mại
Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ấn Độ ngày 13/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố mức thuế quan mà Ấn Độ áp đặt lên hàng hóa Mỹ là 'một vấn đề lớn', đồng thời cho biết hai bên đã nhất trí sẽ đàm phán thêm về các khúc mắc trong thương mại.
![Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng ngày 13/2/2025. Ảnh: Reuters](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_595_51474665/e35978b14affa3a1faee.jpg)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng ngày 13/2/2025. Ảnh: Reuters
Ngày 12/2, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bắt đầu thực hiện chuyến thăm kéo dài 2 ngày tới Mỹ theo lời mời của Tổng thống Donald Trump, với thương mại là một vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự.
Hai nhà lãnh đạo đã có một cuộc thảo luận tại Nhà Trắng ngày 13/2 trước khi tham gia một buổi họp báo chung.
Trong khuôn khổ buổi họp báo, hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ cho biết: "Gần đây, Thủ tướng Modi đã công bố về việc cắt giảm mức thuế quan vốn không công bằng của Ấn Độ - mức thuế quan hạn chế chúng tôi tiếp cận thị trường Ấn Độ. Và tôi phải nói rằng đây thực sự là một vấn đề lớn".
Ông Trump nhấn mạnh rằng mức thuế quan của Ấn Độ với hàng hóa Mỹ hiện đang “rất cao”, đồng thời khẳng định Washington sẽ có động thái đáp trả. “Chúng tôi đang đáp trả Ấn Độ. Ấn Độ tính loại phí nào, chúng tôi cũng sẽ làm điều tương tự”.
Vài giờ trước khi ông Modi tới Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp cho phép Mỹ tăng thuế quan để phù hợp với mức thuế mà các quốc gia khác áp dụng đối với hàng nhập khẩu của nước này. Các đối tác thương mại của Mỹ trên toàn thế giới, trong đó bao gồm Ấn Độ, đều chịu ảnh hưởng.
Tuy nhiên, hai quốc gia cũng đã công bố các thỏa thuận và mục tiêu nhằm đẩy mạnh quan hệ song phương hơn nữa. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói rằng Delhi muốn tăng gấp đôi kim ngạch thương mại với Washington vào năm 2030.
Tổng thống Donald Trump cho biết Ấn Độ cũng mong muốn gia tăng "hàng tỷ USD" chi tiêu cho việc mua các thiết bị quốc phòng của Mỹ, bao gồm cả máy bay chiến đấu tàng hình F-35, và biến Washington trở thành "nhà cung cấp dầu khí số một"
Nhà Trắng không trả lời yêu cầu bình luận của các phóng viên tại cuộc họp báo về các thỏa thuận cụ thể nào đã đạt được giữa hai bên. Dù vậy, cả ông Trump và ông Modi đều đã nhất trí tiếp tục đàm phán để giải quyết những bất đồng trong thương mại cũng như bày tỏ lạc quan rằng hai bên có thể sẽ sớm đạt được đồng thuận.
Ngoài thương mại, ông Trump và ông Modi cũng bày tỏ nhất quán về các vấn đề khác, đặc biệt là trong việc tăng cường hợp tác an ninh tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, việc bắt đầu sản xuất chung các công nghệ như trí tuệ nhân tạo và năng lượng hạt nhân cũng như đối với vấn đề nhập cư.
Trước cuộc gặp Tổng thống Trump, Thủ tướng Modi đã thực hiện các cuộc gặp với hàng loạt quan chức của Mỹ, trong đó bao gồm bà Tulsi Gabbard - Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ và thảo luận về hợp tác tình báo trong chống khủng bố, an ninh mạng và các mối đe dọa mới nổi.
Ông Modi cũng đã gặp mặt Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Mike Waltz và tỷ phú Elon Musk tại Blair House – nhà khách chính thức của tổng thống Mỹ, nằm đối diện Nhà Trắng nhằm thảo luận về nỗ lực thâm nhập thị trường Nam Á của Starlink.