Mỹ tiếp tục hạn chế đầu tư của Trung Quốc

Trong một động thái sẽ khiến căng thẳng thương mại và cạnh tranh chiến lược giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới càng leo thang, ngày 21-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành một bản ghi nhớ yêu cầu tăng cường hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào các lĩnh vực chiến lược của Mỹ.

Bảo vệ an ninh

Theo Nhà Trắng, biện pháp này nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài, đồng thời bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ “đặc biệt trước các mối đe dọa từ các đối thủ nước ngoài” như Trung Quốc.

Truyền thông Mỹ ngày 22-2 dẫn nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết, Bản ghi nhớ nhắm vào công nghệ và cơ sở hạ tầng trọng yếu của Trung Quốc thông qua việc mở rộng thẩm quyền của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS). Cơ quan có thẩm quyền đánh giá tác động an ninh quốc gia của các khoản đầu tư nước ngoài vào Mỹ này sẽ thắt chặt kiểm soát đầu tư của Trung Quốc trong các lĩnh vực then chốt như công nghệ, cơ sở hạ tầng trọng yếu, y tế và năng lượng.

 Cuộc khảo sát mới nhất của Đại học Michigan vừa được công bố cho thấy tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã giảm vào tháng 2 trong tháng thứ hai liên tiếp do lo ngại thuế quan và lạm phát. Ảnh: CNN

Cuộc khảo sát mới nhất của Đại học Michigan vừa được công bố cho thấy tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã giảm vào tháng 2 trong tháng thứ hai liên tiếp do lo ngại thuế quan và lạm phát. Ảnh: CNN

Bản ghi nhớ chỉ trích Trung Quốc “ngày càng lợi dụng nguồn vốn của Mỹ để phát triển và hiện đại hóa quân đội, tình báo và các bộ máy an ninh khác”. Bản ghi nhớ được ban hành sau khi ông Trump áp thuế bổ sung 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào đầu tháng này.

Đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số

Trong một diễn biến khác, ngày 21-2, Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông sẽ ký một bản ghi nhớ về việc áp thuế đối với các quốc gia đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số đối với các công ty công nghệ Mỹ.

Thuế này nhắm vào các công ty công nghệ lớn của Mỹ, bao gồm Google của Alphabet, Facebook của Meta, Apple và Amazon. Anh, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Áo và Canada đã áp đặt các loại thuế này, đánh vào doanh thu kiếm được từ các dịch vụ kỹ thuật số được bán trong biên giới của họ.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump cho rằng, các nước này phân biệt đối xử với các công ty Mỹ và đã chuẩn bị các mức thuế trả đũa.

Kế hoạch áp thuế nhập khẩu đối ứng với toàn thế giới đang đặt tất cả các đối tác thương mại của Mỹ vào tầm ngắm. Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết, những nghiên cứu về biện pháp thuế quan mới này dự kiến sẽ hoàn tất vào ngày 1-4. Mỹ sẽ xem xét trước các nền kinh tế có thặng dư thương mại lớn nhất và áp dụng thuế nhập khẩu cao nhất với Mỹ.

Nếu được triển khai, kế hoạch này dự kiến sẽ khiến các doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức. Bởi trên thực tế, việc tính toán mức thuế quan riêng lẻ đối với hàng ngàn sản phẩm được nhập từ hơn 150 quốc gia đặt ra một vấn đề rất phức tạp đối với chính các công ty Mỹ, từ các nhà sản xuất phụ thuộc vào các bộ phận nhập khẩu cho đến các nhà bán lẻ mua hàng hóa của họ từ nước ngoài.

Những bước đi này không những làm gia tăng sự bất ổn cho các doanh nghiệp quốc tế, mà còn khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của Mỹ gần như đình trệ trong tháng 2 do những lo ngại gia tăng về thuế quan đối với hàng nhập khẩu và cắt giảm sâu chi tiêu của chính phủ liên bang.

Theo số liệu khảo sát do S&P Global công bố ngày 21-2, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp của S&P Global, theo dõi các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đã giảm xuống còn 50,4 trong tháng 2-2025, mức thấp nhất kể từ tháng 9-2023 và giảm so với mức 52,7 của tháng 1.

HẠNH CHI tổng hợp

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/my-tiep-tuc-han-che-dau-tu-cua-trung-quoc-post783066.html
Zalo