Mỹ đóng băng viện trợ nhân đạo dù hứa hẹn tạo ngoại lệ
Các nhân viên cứu trợ cho biết chính phủ Mỹ đang đóng băng gần như mọi khoản thanh toán trên toàn cầu, đẩy nhiều chương trình viện trợ nhân đạo thuộc USAID vào thế bế tắc.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_119_51475854/d0f3ca39f87711294866.jpg)
Hồi tháng 1, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố công tác cứu trợ nhân đạo sẽ là ngoại lệ trong quy định đóng băng viện trợ nước ngoài. Các nhân viên y tế trên toàn cầu thở phào nhẹ nhõm trước thông tin này.
Tuy nhiên, một chỉ thị mới đã xóa tan mọi hy vọng.
Theo New York Times, một số nhân viên cấp cao thuộc Cục Y tế Toàn cầu của USAID nhận được email vào ngày 11/2, trong đó yêu cầu “hoãn phê duyệt” cho đến khi có thông báo tiếp theo từ quyền chánh văn phòng. Một nguồn tin cho hay các quan chức cấp cao tại Cục Hỗ trợ Nhân đạo nhận được thông tin tương tự trong cuộc họp vào tuần này.
Suốt mấy tuần qua, các nhân viên USAID, nhà thầu cùng tư vấn viên đã phải vật lộn để duy trì những hoạt động thuộc định nghĩa “cứu trợ nhân đạo”: Thuốc men, dịch vụ y tế, thực phẩm, nơi ở và hỗ trợ vật chất thiết yếu.
Một số chương trình nằm trong danh sách đặc cách, nhưng hệ thống thanh toán có tên Phoenix - do USAID sử dụng để giải ngân hỗ trợ tài chính - lại không truy cập được. Do đó, theo nhân viên USAID cùng các đối tác phụ thuộc vào nguồn tài trợ do cơ quan này phân bổ, ngay cả những chương trình được miễn trừ cũng gặp khó khăn.
Ngoại lệ cũng gặp khó
Hôm 11/2, Elon Musk - tỷ phú do Tổng thống Mỹ Donald Trump bổ nhiệm đứng đầu Ban Hiệu quả Chính phủ (DOGE) - nói chính quyền đã “bật nguồn tài trợ cho công tác phòng Ebola và HIV”. Song trên thực tế, nguồn tài trợ cho Ebola và gần như toàn bộ nguồn tiền phòng chống HIV vẫn bị ngừng trệ, theo 2 nhân viên USAID và một số nhóm.
Các kỹ sư trẻ làm việc cho ông Musk hiện nắm quyền kiểm soát hệ thống thanh toán của USAID. Và như một phần trong quá trình tinh giản bộ máy chính phủ do ông Musk giám sát, Bộ Ngoại giao gần đây lưu hành kế hoạch cắt giảm số lượng nhân viên USAID từ khoảng 10.000 người xuống còn 611 nhân sự thiết yếu.
![Thực phẩm do USAID cung cấp trong trận lũ ở Nam Sudan năm 2023. Ảnh: New York Times.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_119_51475854/53f44a3e7870912ec861.jpg)
Thực phẩm do USAID cung cấp trong trận lũ ở Nam Sudan năm 2023. Ảnh: New York Times.
Nếu không được tiếp cận nguồn tài trợ, các tổ chức hợp tác với USAID không thể trả lương cho nhân viên và nhà thầu trong các dự án phụ thuộc vào chính phủ Mỹ.
Hội đồng người tị nạn Na Uy - đơn vị thực hiện công tác nhân đạo do Mỹ hỗ trợ tại khoảng 20 quốc gia - cho biết các khoản thanh toán đang dừng lại.
"Chúng tôi hiện có hàng triệu USD tiền yêu cầu thanh toán cho chính phủ Mỹ", Hội đồng người tị nạn Na Uy cho biết trong một tuyên bố, lưu ý dân thường ở các khu vực xung đột như Ukraine, Afghanistan và Sudan sẽ bị ảnh hưởng. “Nếu không có giải pháp ngay tức khắc, chúng tôi có thể buộc dừng các chương trình nhân đạo cứu người do Mỹ tài trợ vào cuối tháng 2".
Những lãnh đạo mới tại Bộ Ngoại giao và USAID đặt ra nhiều rào cản khác.
Tại một phái bộ USAID ở châu Á, nhân viên được thông báo 3 chương trình, trong đó một chương trình diệt trừ bệnh sốt rét, nằm trong danh sách miễn trừ. Sau đó, họ tiếp tục được yêu cầu phải xét từng dự án trong mỗi chương trình.
Ngoài ra, một thông báo khác trong tuần này cho biết khoảng 350 giải thưởng dự kiến bị hủy.
USAID sẽ đi về đâu?
Các nhân viên USAID dự đoán việc tạm dừng đặc cách các chương trình cứu trợ nhân đạo là dấu hiệu cho thấy hoạt động cứu người và nhiều dự án khác sắp kết thúc.
Những người do ông Trump và ông Musk ủy quyền cáo buộc các quan chức USAID trì hoãn hoặc tìm cách cản trở nỗ lực chấm dứt các chương trình khi tự rà soát hợp đồng để đảm bảo hoạt động cứu trợ nhân đạo không bị hủy bỏ. Tuy nhiên, những đợt rà soát này lại cần thiết để chứng minh các chương trình nằm trong danh sách ngoại lệ như ông Rubio đã cam kết.
Các công đoàn đại diện cho USAID cũng như công ty và tổ chức làm việc cùng USAID đang đệ hàng loạt vụ kiện. Một số bên đã được tòa án phán quyết có lợi. Các nguyên đơn lập luận những biện pháp cắt giảm quy mô là vi hiến và bất hợp pháp vì Quốc hội đã cấp kinh phí cho cơ quan này.
Trong một vụ kiện do các công ty có hợp đồng với USAID đệ trình, Chemonics - một công ty về phát triển - báo cáo 250 triệu USD vật tư y tế đang bị treo trong quá trình vận chuyển hoặc đắp chiếu trong kho trên khắp thế giới do lệnh ngừng hoạt động cùng lệnh dừng viện trợ. Công ty đã phải cho khoảng 2/3 nhân viên tại Mỹ nghỉ phép trong những tuần gần đây.
Trong một vụ kiện, các luật sư cho chính quyền Trump khẳng định “tổng thống có toàn quyền quyết định về các điều khoản và điều kiện” cung cấp viện trợ.
![Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp yêu cầu ngưng các khoản viện trợ quốc tế trong 90 ngày. Ảnh: Reuters.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_119_51475854/49eb5721656f8c31d57e.jpg)
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp yêu cầu ngưng các khoản viện trợ quốc tế trong 90 ngày. Ảnh: Reuters.
Giữa lúc cuộc chiến pháp lý ngày càng căng thẳng, những thay đổi mạnh mẽ trong nội bộ USAID vẫn tiếp tục.
Hôm 11/2, Nhà Trắng sa thải chánh thanh tra USAID Paul K. Martin, chỉ một ngày sau khi ông công bố báo cáo cảnh báo việc cắt giảm nhân sự và đóng băng chi tiêu có nguy cơ gây lãng phí và sử dụng sai mục đích hàng trăm triệu USD tiền thuế của dân. Bản báo cáo cũng nhấn mạnh số lương thực trị giá gần nửa tỷ USD có nguy cơ bị hỏng, trong khi việc hạn chế khả năng thẩm định đối tác đồng nghĩa muốn đảm bảo dòng tiền của Mỹ không chảy vào túi khủng bố khó khăn hơn.
Cũng trong ngày 11/2, USAID cũng chịu một đợt cắt giảm khác liên quan tới nhà thầu. Trong khi đó, Tổng cục Dịch vụ - cơ quan liên bang giám sát hợp đồng cho thuê bất động sản - đã chấm dứt hợp đồng thuê văn phòng của USAID tại tòa nhà Ronald Reagan ở trung tâm Washington. Trong một tuyên bố, cơ quan này cho biết họ đã gỡ bỏ biển hiệu của USAID và không gian “sẽ được tái sử dụng cho các nhu cầu khác của chính phủ”.
Ngày 10/2, các nhân viên USAID tại sảnh tòa nhà nhìn thấy một số viên chức từ các cơ quan khác, như Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ, đang xem xét văn phòng. Họ cũng không được phép đỗ xe vì hợp đồng thuê nhà của USAID đã bị hủy.
Hầu hết nhân viên USAID bị cấm vào trụ sở chính, còn một số người vẫn vào được email công việc để chuẩn bị cho quá trình nghỉ việc. Các viên chức Bộ Ngoại giao làm việc cho USAID tại nước ngoài được yêu cầu quay về Mỹ trong tháng 2, song một thẩm phán liên bang đang tạm trì hoãn lệnh này.
Nhân sự USAID dự đoán hầu hết lực lượng lao động của cơ quan sẽ bị sa thải, số ít còn lại sáp nhập vào Bộ Ngoại giao Mỹ. Cả ông Trump và ông Musk - người đăng tải các thuyết âm mưu mà không đưa ra bằng chứng về cơ quan này - cùng kêu gọi giải thể USAID.